Xã Hưng Đông: Khởi sắc diện mạo nông thôn mới

Là một xã nội thành của TP Vinh, Hưng Đông hội tụ nhiều lợi thế về vị trí địa lý, địa hình và các điều kiện xã hội để kinh tế - xã hội phát triển mang tính toàn diện. Xác định phát triển nông nghiệp là nền tảng, tiểu thủ công nghiệp là chủ đạo, dịch vụ thương mại là mũi nhọn, trên đất Hưng Đông hôm nay, những "mạch ngầm" bắt đầu chảy thành dòng lớn. Một sức sống đang tuôn trào, trỗi dậy sau hàng nghìn năm kìm giữ trong đất, trong ý chí người dân nơi đây.

 

 


Trụ sở UBND xã được xây dựng khang trang

 

Hưng Đông ngày ấy

Vùng đất Hưng Đông ngày nay thuộc xã Xuân Yên, tổng Ngô Trường, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An. Năm 1926, tổng Ngô Trường đổi tên thành Yên Trường và chuyển về phủ Hưng Nguyên quản lý. Năm 1946, xã Xuân Yên đổi tên thành xã Thường Xuân. Năm 1947, xã Thường Xuân được sáp nhập với xã Hương Cái thành xã Hưng Thành. Cuối năm 1953, để bộ máy hành chính gọn nhẹ và có hiệu quả hơn, đồng thời thực hiện chính sách giảm tô, giảm tức nhằm nâng đỡ sức dân, đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Pháp, xét thấy xã Hưng Thành địa bàn rộng, kết cấu dân cư phức tạp, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, huyện Hưng Nguyên lại chia Hưng Thành làm hai, lấy con sông nhà Lê làm mốc phân định, phía Tây sông gọi là Hưng Tây, phía Đông sông gọi là Hưng Đông. Tên gọi Hưng Đông hình thành từ  đây.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, nhân dân xã Hưng Đông “tay cày, tay súng”, với tinh thần “mỗi người làm việc bằng hai. Vừa chiến đấu vừa phục vụ chiến đấu, quân và dân Hưng Đông vừa trực tiếp đánh giặc, vừa đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm cho chiến trường. Hàng năm, Hưng Đông là một trong những xã đi đầu của thành phố Vinh trong công tác tuyển quân, nhập ngũ. Toàn xã có 1.808 thanh niên, trai tráng đã xung phong lên đường nhập ngũ, 220 người đi thanh niên xung phong, 625 lượt người đi dân công hoả tuyến. Tất cả cùng một lòng vì tổ quốc thân yêu. Mọi nỗ lực, hy sinh, đóng góp của quân và dân Hưng Đông đã được Đảng và nhà nước ghi nhậ, xã được phong tặng danh hiệu “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Ngày 26/12/1970, Phủ Thủ tướng có Quyết định số 80/BT phê chuẩn việc sáp nhập xã Hưng Đông thuộc huyện Hưng Nguyên vào thành phố Vinh. Tháng 4/1979, theo tinh thần đưa nền sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, thành phố Vinh có sự thay đổi địa giới hành chính, xã Hưng Đông và xã Hưng Vĩnh được sáp nhập thành xã Đông Vĩnh. Đến năm 1994, để phù hợp với tình hình đổi mới của đất nước, ngày 28/6/1994, Chính Phủ có Nghị định số 54/CP chia xã Đông Vĩnh thành phường Đông Vĩnh và xã Hưng Đông.

Trong những năm đầu sau chia tách, nền kinh tế - xã hội Hưng Đông có bước phát triển nhanh. Tổng sản lượng lương thực tăng từ 2.030 tấn (năm 1996) lên 2.889 tấn (năm 2004). Tổng thu nhập xã hội tăng từ 13 tỷ đồng lên 47 tỷ đồng. Từ đó, số hộ giàu, hộ khá cũng tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 7,95%. Tổng thu ngân sách xã tăng từ 3,2 tỷ đồng lên 5,1 tỷ đồng. Trong thời kỳ này, lĩnh vực phát triển nhanh và sôi động nhất là buôn bán, dịch vụ.

Trên lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế cũng có bước phát triển mới. Chất lượng giáo dục được nâng lên, các chỉ tiêu trên lĩnh vực này đều tăng. Các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng nếp sống văn hoá, gia đình văn hoá diễn ra sôi nổi.

Cùng với sự đổi mới của quê hương, đất nước, Hưng Đông ngày nay không chỉ có những thay đổi về quy mô, dáng vóc mà quan trọng là những thay đổi về chất với những thành tựu to lớn. Nếu trong mười năm đầu sau khi chia tách, nền kinh tế - xã hội của xã nhà phát triển nhanh thì bước sang giai đoạn 2005 đến nay, nền kinh tế - xã hội của Hưng Đông phát triển toàn diện và vững chắc. Hiện trên địa bàn xã có 3 hợp tác xã, 1 quỹ tín dụng nhân dân, 3 trường học, trạm y tế  đạt chuẩn Quốc gia, có trên 42 cơ quan, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn, 1 khu công nghiệp và 1 cụm công nghiệp nhỏ đang hình thành. Toàn xã có 3 mẹ Việt Nam anh hùng 122 gia đình liệt sỹ, 1 đồng chí cán bộ tiền khởi nghĩa, 209 thương binh, bệnh binh và người nhiễm chất độc da cam.

           

                Trung tâm giao dịch 1 cửa UBND xã Hưng Đông

Khởi sắc diện mạo nông thôn mới

Trong những năm gần đây, Hưng Đông đã tập trung phát triển kinh tế - xã hội và từng bước hiện đại hóa hạ tầng cơ sở nông thôn. Hạ tầng nông thôn ngày càng được đầu tư xây dựng và nâng cấp đáp ứng yêu cầu sản xuất và phục vụ dân sinh góp phần cải thiện đời sống nông dân. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm có bước tăng trưởng vượt bậc, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng: dịch vụ - xây dựng - công nghiệp - nông nghiệp. Các chỉ tiêu kinh tế cơ bản có chiều hướng gia tăng: Tổng giá trị sản xuất gia tăng năm 2013 tăng 228,8 tỷ đồng so với năm 2010. Tỷ trọng nông nghiệp từng bước giảm dần, lĩnh vực thương mại, dịch vụ cũng phát triển mạnh: năm 2005, trên địa bàn xã mới chỉ có 95 hộ kinh doanh lớn, nhỏ, đến năm 2013 có 328 hộ. Tổng giá trị sản xuất ngành thương mại, dịch vụ năm 2005: 13,6 tỷ đồng, năm 2013: 103,47 tỷ đồng.

               

                   Đoàn thẩm định nông thôn mới tham quan nhà văn hóa

Ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cũng có bước phát triển: Tổng giá trị sản xuất lĩnh vực này năm 2005 là 40 tỷ đồng, năm 2013 là: 140,87 tỷ đồng. Thu ngân sách xã tăng 7 tỷ đồng. Kinh tế phát triển đã tạo điều kiện cải thiện đời sống của nhân dân trong xã. Thu nhập bình quân đầu người của xã là 28,35 triệu đồng/người/năm; số hộ giàu và khá chiếm 65,12%, số hộ nghèo chiếm 1,21%.

                  

          Đồng chí Nguyễn Hoài An - PBT Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố phát biểu tại Lễ trao Huy hiệu Đảng

Công tác quy hoạch, quản lý đô thị, đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng và môi trường ngày càng có nhiều tiến bộ. Với sự đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật ngày càng lớn của nhà nước, xã đã phát huy sức mạnh nội lực bằng sự đóng góp của nhân dân đầu tư làm mới, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất các trường học, nhà văn hoá xóm, trụ sở làm việc UBND xã, chợ trung tâm, các tuyến đường chính cũng đã được rải nhựa, bê tông hóa.

Đặc biệt trong phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới, sau 3 năm triển khai thực hiện, xã Hưng Đông đã về đích. 

                  

                              Đoàn Nhật Bản làm việc tại xã Hưng Đông

Nếu sự tăng trưởng về kinh tế, đời sống là kết quả đáng ghi nhận thì thành quả của các hoạt động văn hoá, xã hội, đặc biệt là về giáo dục, y tế và thực hiện chính sách xã hội của xã Hưng Đông thực sự có dấu ấn. 

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển mạnh và từng bước xã hội hóa. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được đẩy mạnh. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.

          

                                  Tập thể cán bộ xã Hưng Đông - TP Vinh

Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được quan tâm giải quyết; hoạt động thanh tra nhân dân, tổ hoà giải cùng với việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở đã thực sự đem lại cho nhân dân toàn xã không khí dân chủ, đoàn kết, những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân được xử lý, giải quyết gọn nhẹ và có hiệu quả. Công tác cải cách hành chính thực hiện trên các lĩnh vực, theo hướng gọn nhẹ, hiện đại, gần dân hơn. Đội ngũ cán bộ từ xã đến xóm giữ gìn được phẩm chất đạo đức, lối sống, đoàn kết, đem lại niềm tin cho nhân dân, làm cho bộ máy chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh.

        

                  Đ/c Nguyễn Xuân Thọ - Bí thư đảng ủy xã Hưng Đông

Đạt được thành quả ngày hôm nay, Hưng Đông luôn xác định đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới và đầu tư thỏa đáng nhằm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn. Để bức tranh nông thôn mới ngày càng khởi sắc, ông Nguyễn Xuân Thọ - Bí thư đảng bộ xã Hưng Đông cho rằng: Đi đôi với các hỗ trợ, quan tâm của thành phố, Hưng Đông luôn lấy dân làm gốc, khơi dậy ở nông dân ý chí vươn lên làm giàu trên chính đồng đất quê hương. Người nông dân phải được đào tạo để nâng cao nhận thức, thay đổi nếp sống, tư duy, không trông chờ, ỷ lại để vươn lên làm ăn hiệu quả. Khi đời sống nông dân được nâng cao, tiềm lực kinh tế được tăng cường sẽ thêm điều kiện đóng góp xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã nhà ngày một văn minh, giàu đẹp.

 

Võ Huyền - Thanh Nhàn 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh