Về những sắc phong sưu tầm được ở Nghệ An

Sắc phong là di sản quí của đất nước ta, là những chứng nhận văn bản có giá trị lịch sử, văn hóa của nhà nước phong kiến cho các vị thần linh và các nhân vật nổi tiếng, có công lao trong bảo vệ, xây dựng quê hương, đất nước... Nhân dân xứ Nghệ đã có công lưu giữ được hàng ngàn bản sắc phong cho đến ngày nay.


Nhân dịp tọa đàm khoa học về sắc phong ở Nghệ An, chúng tôi xin được làm nhiệm vụ thống kê bước đầu về số lượng các bản sắc phong hiện có và được phát hiện trong các di tích và nhà thờ họ ở các địa phương xứ Nghệ...


Hiện, chúng tôi tạm liệt kê được 1.351 sắc phong được chụp ảnh trực tiếp, phô tô, ghi chép nội dung, sưu tầm trong các hồ sơ đi tích, gia phả dòng họ. Huyện có số liệu thống kê được nhiều nhất là Yên Thành gồm 304 đạo, hiện đã thu thập được 148 đạo; Hưng Nguyên trên 150 đạo; Thanh Chương 126 đạo; Đô Lương gần 100 đạo; Vinh 70; Quỳnh Lưu 51; Quỳ Châu 35; Diễn Châu 60; Nam Đàn 140; Nghi Lộc 27; Nghi Xuân 57; Anh Sơn 10... Và gần 300 đạo trong USB, máy vi tính chưa phân ra các huyện được.


 

Sắc phong cho họ Trần Minh, ở Vạn Phần, của triều Vĩnh Hữu ngũ niên (1739).   Ảnh: Đ.T.T


Có những di tích có hàng trăm đạo như đền Linh Kiếm, Đô Lương có khoảng 80 sắc, rất tiếc là hơn vài chục đạo đã bục, rách. Họ Đinh ở xã Hưng Trung, Hưng Nguyên (có Tiến sĩ Đinh Bạt Tụy) có 38 đạo, trong đó có các đạo cổ nhất, như 2 đạo Thuận Bình (1554), 2 đạo Chính Trị (1559), 12 đạo Quang Hưng (1589), 1 Gia Thái(1575)...

Đặc biệt các sắc phong triều Tây Sơn ở xứ Nghệ còn lưu giữ được đến ngày nay là loại cực kỳ quí hiếm, vì sau khi Vua Gia Long lật đổ triều này dựng nên triều Nguyễn đã ra lệnh triệt hạ, đốt hết các di tích, giấy tờ, văn bản... có liên quan đến triều Tây Sơn. Hiện ở xứ Nghệ còn lưu 3 đạo đời Thái Đức, 5 đạo Quang Trung, 27 đạo Cảnh Thịnh...


Các huyện và các nơi có các loại sắc phong đặc biệt như sau: họ Đinh, Hưng Trung, họ Hoàng Nghĩa, xã Hưng Lĩnh, họ Hoàng Đăng, xã Hưng Châu ở Hưng Nguyên; họ Phan Hoằng, Vĩnh Thành, Yên Thành; họ Nguyễn Cảnh, Trung Sơn, Đô Lương; họ Võ, Yên Tập, Yên Thành; họ Thái Bá, Yên Sơn, Đô Lương... có nhiều sắc cổ triều Lê. Họ Đinh có sắc phong cho ông Đinh Bạt Tụy đậu Đình nguyên Tiến sĩ và trải phong lên nhiều chức tước cho đến Quận công,Thượng thư, Đông các Đại học sĩ.

Thân sinh, thân mẫu và các phu nhân của ông cũng được ân phong sắc theo và cả sắc phong ban cho ruộng tế của nhà nước... Họ Hoàng Nghĩa có sắc phong cho một bà cô là Quế Hoa Công Chúa. Họ Hồ ở Hưng Phú, Hưng Nguyên có 1 sắc cho Hồ Doãn Hài là Tiến sĩ triều Trần, mà tên ông chưa được ghi vào sách khoa bảng nhà nước.

Họ Phan ở Võ Liệt, Thanh Chương có nhiều sắc phong triều Nguyễn và có thêm các chỉ dụ của nhà vua ban cho Tiến sĩ Phan Sĩ Thục liên quan đến việc ông được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh. Nhà thờ họ Phan Nhân Tường có sắc phong cho ông là Tiến sĩ ở một khoa thi đặc biệt chưa được sử sách lưu danh, là khoa đời Lê Trang Tông (1546).

Khoa này có 10 người Nghệ An thi đậu và qua sắc phong xưa để lại, còn có ở họ Phan (Phan Tiến Thọ, xã Hưng Tây, Hưng Nguyên)... Họ Hồ ở Thọ Thành, Yên Thành, có các sắc phong ghi rõ Hồ Tông Thốc, Hồ Tông Đốn, Hồ Tông Thành là Trạng nguyên triều Trần và một số Tiến sĩ chưa thấy tên trong sách khoa bảng nhà nước.

Đặc biệt, họ Trần Kẻ Lữ ở Diễn Châu có các sắc phong cho các nhân vật trong dòng họ là các ca công (nghệ sĩ) hát ca trù nổi tiếng xứ Nghệ và ở Kinh Thành... Có những dòng họ có nhân vật được nhiều triều đại ban sắc phong lên đến hàng trăm, như Tiến sĩ, Hành khiển Tống Tất Thắng ở Nam Đàn là sắc từ triều Lê cho đến hết triều Nguyễn.

Qua sắc phong các triều, có nhân vật trải làm nhiều chức quan trọng trong triều đình phong kiến như Nguyễn Trung Mậu ở Diễn Bình, Diễn Châu trải chức quan Thượng thư qua cả lục bộ (6 bộ). Nhiều nhân vật có tước và chức quan đều có sắc và có phân hạng trong sắc rất rõ ràng.


Sắc phong cho thần linh ở xứ Nghệ có nhiều loại, nhiều nhất là Cao Sơn Cao Các, hầu như huyện nào cũng có. Các thần: Núi (thường kèm tên và chữ Sơn, như Trản Sơn...); thần nước, như Long Vương, Hà Bá, Thủy Tinh, Độc Cước... Sắc cho nhân thần, như Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn, Hoàng Mười... Sắc cho các Thành Hoàng làng có ở rất nhiều nơi... Sắc cho các nữ thần, như Mẫu Liễu Hạnh, Quế Hoa Công chúa, Quế Nương Công chúa, Bạch Y Công Chúa, Tứ vị Thánh Nương... Ngoài ra còn có các loại chỉ dụ của nhà vua, hay của các vị có trách nhiệm cao là Thống soái, là Tổng trấn cho các nhân vật được tuyển lựa cho công việc cần thiết, được trao bằng cấp, chức tước để thực thi công việc.


Nội dung của các sắc phong ở xứ Nghệ hết sức phong phú, đầy đủ các chủng loại, còn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn, khó mà kể hết và miêu tả hết. Do đó nhiệm vụ của các thành viên CLB Hán - Nôm Nghệ An là phải từng bước cẩn trọng nghiên cứu, xem xét kỹ để lựa chọn các chủng loại đặc sắc, tiêu biểu, cũng như lựa chọn sắc tiêu biểu trong cùng một thể loại để mô tả và dịch thuật, biên soạn thành một công trình đầy đặn, giúp cho việc khai thác tốt nhất các giá trị của sắc phong phục vụ cho việc nghiên cứu, phổ biến, tuyên truyền truyền thống tốt đẹp của cha ông trong sắc phong và khai thác những nét đặc sắc nhất bản sắc dân tộc đậm đà của loại hình sắc phong.

Đào Tam Tỉnh - Báo NA 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh