Có thể thấy, do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng, mưa nhiều, cùng với cây cam bị sâu bệnh, nên cam của Nghệ An năm nay bị rụng quá nhiều. Theo người trồng cam ở các huyện Quỳ Hợp, Con Cuông, Tân Kỳ, Thanh Chương… cho biết, chưa có năm nào cam bị rụng nhiều như năm nay, không những vậy, chất lượng cam cũng kém hơn. Vì thế, có những địa phương dù chưa hết vụ cam nhưng các vườn cam đã hết quả.
Các vườn cam ở xã Minh Hợp (Quỳ Hợp) rụng trái nhiều. Clip: Quang An - Xuân Hoàng |
Huyện Tân Kỳ là địa phương nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý cam Vinh, như các năm trước, người trồng cam ở đây thu hoạch kéo dài đến tháng 12 âm lịch, nhưng năm nay mới đến tháng 10, mà các vườn cam đã thu hoạch gần hết.
Ông Nguyễn Công Trung - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Kỳ cho biết: Cam của Tân Kỳ năm nay do ảnh hưởng bởi 2 yếu tố, đó là bướm lâm nghiệp chích hút, cùng với mưa nhiều, nên quả cam bị hư hỏng, khiến các hộ trồng cam phải bán chạy. Do vậy, đến giữa tháng 11, phần lớn diện tích cam trên địa bàn huyện đã hết quả. Chỉ còn 2 hộ trồng cam với khoảng 6 ha trên địa bàn xã Tân Phú giữ được để dán tem truy xuất nguồn gốc, tham gia sản phẩm OCOP. Đến đầu tháng 12, cả 2 hộ này bắt đầu thu hoạch cam, dán tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh. Như vậy, năm nay, lượng tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh trên địa bàn Tân Kỳ rất ít, trong khi trên địa bàn huyện có tới 67 ha cam đã được cơ quan chức năng công nhận chỉ dẫn địa lý cam Vinh.
Cam rụng vào mùa thu hoạch gây thất thu lớn cho người trồng cam. Ảnh: Xuân Hoàng
Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành trên địa bàn huyện Quỳ Hợp là đơn vị có 352 ha kinh doanh. Tuy nhiên, trong 2 tháng 10 và 11, đơn vị này chỉ đăng ký in 498 chiếc tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh, trong khi đó, 2 tháng 11 và 12 của năm trước. đơn vị này đăng ký in 16.000 chiếc tem để dán lên quả, bán ra thị trường.Ông Lê Viết Minh - Giám đốc công ty cho biết: Nguyên nhân năm nay đơn vị đăng ký in tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh ít, là do chất lượng cam năm nay không đảm bảo, bởi cây cam bị nhiễm sâu bệnh và thời tiết nắng lắm, mưa nhiều, quả cam rụng hàng loạt.
Theo Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng Nghệ An, trong tháng 10 và 11 năm nay có 10 công ty, HTX, hộ trồng cam trên địa bàn tỉnh đăng ký in gần 33.000 chiếc tem truy xuất nguồn gốc để dán vào sản phẩm cam Vinh. Trong khi đó, cùng kỳ của 2 tháng 10 và 11 năm 2019, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cam trên địa bàn tỉnh đăng ký in gần 126.000 chiếc tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh. Như vậy, số lượng tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh của năm nay đã giảm nhiều so với vụ cam năm 2019. Nhìn vào bảng thống kê của Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng tỉnh, một số đơn vị sản xuất, kinh doanh cam có tiếng trên địa bàn huyện Quỳ Hợp trong 2 tháng 10 và 11 chưa đăng ký in tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh.
Theo Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng Nghệ An, trong tháng 10 và 11 năm nay có 10 công ty, HTX, hộ trồng cam trên địa bàn tỉnh đăng ký in gần 33.000 chiếc tem truy xuất nguồn gốc để dán vào sản phẩm cam Vinh. Trong khi đó, cùng kỳ của 2 tháng 10 và 11 năm 2019, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cam trên địa bàn tỉnh đăng ký in gần 126.000 chiếc tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh. Như vậy, số lượng tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh của năm nay đã giảm nhiều so với vụ cam năm 2019. Nhìn vào bảng thống kê của Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng tỉnh, một số đơn vị sản xuất, kinh doanh cam có tiếng trên địa bàn huyện Quỳ Hợp trong 2 tháng 10 và 11 chưa đăng ký in tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh.
Dán tem truy xuất nguồn gốc để nâng giá trị cam Vinh. Ảnh: Xuân Hoàng
Việc dán tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh là nhằm mục đích giới thiệu, quảng bá sản phẩm cam Vinh của Nghệ An, đồng thời cũng là nâng giá trị quả cam Vinh. Vì vậy, người trồng cam cần dán tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh nếu vườn cam đủ điều kiện. Trước thực trạng, số lượng tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh trong những tháng qua giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, tới đây Sở Khoa học và Công nghệ sẽ đi khảo sát để nắm tình hình thực tế tại các vùng cam đã được chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cam Vinh.
Theo nhận định của ông Nguyễn Viết Hùng, có thể do năm nay ảnh hưởng của mưa lũ, khiến cam bị rụng non, hoặc năm nay cam chín muộn, nên sang tháng 12 bà con mới thu hoạch nhiều. Theo Quyết định số 65/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh, các tổ chức, cá nhân sản xuất cam quả được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Vinh“ thì được cấp tem truy xuất nguồn gốc chỉ dẫn địa lý “cam Vinh”.
Mã tem truy xuất nguồn gốc được cấp sử dụng riêng biệt cho từng tổ chức, cá nhân sản xuất cam trong vùng chỉ dẫn địa lý. Thời hạn sử dụng mã tem truy xuất nguồn gốc được tính từ khi bắt đầu thu hoạch cam cho đến hết hạn sử dụng của sản phẩm.
Từ đầu tháng 11, người trồng cam trên địa bàn Nghệ An bắt đầu vào chính vụ thu hoạch cam Vinh. Ảnh: Quang An
Tem truy xuất nguồn gốc mang chỉ dẫn địa lý “Vinh” đối với sản phẩm cam quả được quy định thống nhất sử dụng chung một loại về mẫu mã, hình ảnh, chất liệu, kích thước, thông tin, giải pháp công nghệ và được gắn trên từng quả cam, bao bì hàng hóa chứa đựng cam quả mang chỉ dẫn địa lý “Vinh”. Mỗi quả cam, bao bì hàng hóa chứa đựng cam quả mang chỉ dẫn địa lý “Vinh” chỉ được dán 1 tem truy xuất nguồn gốc duy nhất và đảm bảo tính hợp lệ (trong thời hạn sử dụng của sản phẩm cam).
Các tổ chức, cá nhân không được chuyển nhượng, trao đổi, mua bán, tẩy xóa, sửa chữa thông tin quy định trên logo và tem truy xuất nguồn gốc cam quả mang chỉ dẫn địa lý “Vinh”; tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh phải sử dụng thống nhất chung logo “cam Vinh” đã được bảo hộ trên bao bì thương mại, biển hiệu kinh doanh.