Báo động thực trạng ngôn ngữ 'tự chế' của giới trẻ
12/24/2020 9:46:00 AM

Khi xem tin nhắn trên điện thoại di động hay trên các trang mạng xã hội của giới trẻ mới thấy ngôn ngữ nhắn tin rất đa dạng nhưng khó hiểu bởi chữ nghĩa bị “tự chế” bằng việc bớt xén, mã hóa, thậm chí dùng cả ký hiệu toán, lý, tiếng Anh, tiếng lóng… Tuy nhiên, việc sử dụng quá đà ngôn ngữ “tự chế” đang thực sự trở thành vấn nạn, vì nó không chỉ ảnh hưởng đến giao tiếp mà còn ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt.

Cần có sự kiểm soát chặt chẽ, tuyệt đối không cho thứ ngôn ngữ “tự chế” của giới trẻ vào trong học đường (Ảnh minh họa)
Cần có sự kiểm soát chặt chẽ, tuyệt đối không cho thứ ngôn ngữ “tự chế” của giới trẻ vào trong học đường (Ảnh minh họa)
Với sự phát triển mạnh mẽ của internet cũng như tiếp cận sớm các thiết bị công nghệ số đã hình thành nên những phương cách giao tiếp, trao đổi kiểu mới của giới trẻ. Dẫn đến tình trạng giới trẻ, nhất là trong lứa tuổi học sinh, sinh viên thường sử dụng ngôn ngữ theo kiểu viết tắt, viết ký hiệu, ngôn ngữ “tự chế” nửa tây, nửa ta, nửa chữ, nửa số, tiếng lóng… để nhắn tin trên điện thoại, mạng xã hội ngày càng nhiều. Theo các em thì đó là phương thức đáp ứng nhu cầu truyền thông điệp nhanh, thể hiện biểu cảm, cá tính của tuổi mới lớn…
 
“M có dj choj 0” (Mày có đi chơi không), “T đag pùn, t mún ra ngoài choj cho zui” (Tao đang buồn, tao muốn ra ngoài chơi cho vui),  “G9” (good night - chúc ngủ ngon), “gato” (ghen ăn tức ở), “klq” (không liên quan), “iu wá” (yêu quá), “lun lun” (luôn luôn), “Pé ui, sang hum nj nha mjnh co vjek, pé dj hok mot mjnh dk ko ak?” (Bé ơi, sáng hôm nay nhà mình có việc, bé đi học một mình được không ạ), “Mjn h0ng bjs ns j hun. Chuk pan sjh nkat zuj ze nhen. Hep py bit day tu dju” (Mình không biết nói gì hơn. Chúc bạn sinh nhật vui vẻ nhé. Chúc mừng sinh nhật bạn)… Kiểu ngôn ngữ “tự chế” này đang rất phổ biến và thịnh hành trong giới trẻ. Dù không theo bất cứ quy ước nào, song với kiểu ngôn ngữ “tự chế” này đa số các bạn trẻ đều dễ dàng nhận biết. Thậm chí, không ít bạn trẻ xem loại ngôn ngữ “tự chế” là sành điệu, theo kịp thời đại vì nhanh, đỡ tốn thời gian, nhấn trực tiếp vào nội dung chính, không cần suy nghĩ cấu trúc… 
 
Khi một số các bạn trẻ khá thích thú và cảm thấy bình thường khi sử dụng ngôn ngữ “tự chế” - những từ ngữ bị cố tình viết thiếu, thay từ tùy tiện, dùng số thay chữ rất khó đọc thì người lớn, nhất là các bậc phụ huynh và giáo viên rất lo lắng. Không thể phủ nhận việc học sinh sử dụng ngôn ngữ riêng thường xảy ra, nhất là khi các em giao tiếp riêng theo những nhóm nhỏ. Tuy nhiên, các em không được quá lạm dụng, không phát triển loại ngôn ngữ không chuẩn tiếng Việt, thiếu trong sáng này trong môi trường giao tiếp chuẩn mực nơi trường học, gia đình và khu vực công cộng. Bởi, nếu sử dụng tràn lan, không phù hợp với hoàn cảnh và môi trường giao tiếp sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc hình thành nhân cách của các em. Mặt khác, theo một số chuyên gia giáo dục, nếu giới trẻ sử dụng thường xuyên ngôn ngữ “tự chế” này, không chỉ đánh mất sự trong sáng của tiếng Việt mà còn ảnh hưởng đến khả năng phát triển tư duy, kỹ năng giao tiếp, đặc biệt trong việc trình bày ý tưởng cũng như khi thể hiện văn bản, gây bất lợi trong quá trình học tập và làm việc. Theo các nhà nghiên cứu, thì các ngôn ngữ “tự chế” của giới trẻ là biến thể thiếu chuẩn mực của tiếng Việt - cả ở bình diện ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp.
 
Thực tế, việc giáo dục, định hướng học sinh về sử dụng ngôn ngữ, cách thức giao tiếp, ứng xử là trách nhiệm của nhà trường và phụ huynh rất quan trọng. Triển khai qua các giờ học chính khóa hay như ở môn Ngữ văn, học sinh được rèn cách sử dụng câu chữ, cách viết đúng chính tả, ngữ pháp… Qua các giờ học, giáo viên đều quan tâm uốn nắn cách diễn đạt của học sinh; khơi gợi cho học sinh niềm tự hào đối với tiếng Việt, giúp các em có ý thức giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ dân tộc. Với sự phát triển của xã hội hiện đại, nhà trường cần quan tâm giáo dục, hướng dẫn kỹ hơn cho học sinh về cách thức trao đổi, ứng xử trên môi trường mạng xã hội. Đặc biệt, nhấn mạnh vai trò nêu gương của nhà giáo trong việc thực hiện quy tắc ứng xử văn minh, thanh lịch ngay từ lời nói để học trò noi theo. Còn phụ huynh thì cần tăng cường quản lý, giám sát và rèn dũa con mình ở nhà nhiều hơn. 
 
Như vậy, có thể thấy, việc dùng ngôn ngữ “tự chế” như sử dụng dao hai lưỡi. Nó có thể mang lại hiệu quả nhất định trong thời gian ngắn, trong bối cảnh và nhóm xã hội nhất định, nhưng cũng có thể mang đến tác hại lâu dài. Sử dụng hay không sử dụng ngôn ngữ “tự chế”, sử dụng thế nào, đó là điều giới trẻ, nhất là học sinh, sinh viên nên cân nhắc; tránh tình trạng ngôn ngữ “tự chế” xâm nhập vào học đường. 
 
Xin được mượn lời của ThS.Thân Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm đào tạo và tư vấn phát triển tri thức (ITCD - TP Hồ Chí Minh) trong bài viết “Ngôn ngữ của giới trẻ trên internet” thay lời kết: “Ngôn ngữ không chỉ là công cụ để chúng ta giao tiếp, biểu lộ tình cảm, suy nghĩ của mình, mà còn có vai trò quan trọng trong việc phát triển khả năng tư duy cũng như ảnh hưởng lớn đến việc hình thành, phát triển nhân cách con người cũng như khả năng thành công trong cuộc sống. Một ngôn ngữ đa dạng, biểu cảm nhưng hàm xúc và lôgíc là một tiêu chuẩn cần đặt ra cho những sáng tạo mới. Bạn trẻ không nên lạm dụng ngôn ngữ... “lẩu”. Chính vì vậy, việc giữ gìn, bảo vệ “sự trong sáng của tiếng Việt” cần được các cấp, ngành và chính các bạn trẻ quan tâm hơn nữa”.
.

THU THỦY-Congannghean.vn

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh