Nghệ An muốn đột phá trong dạy và học ngoại ngữ
4/23/2021 10:49:21 AM

GS.TS Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, trả lời VnExpress về việc triển khai đề án dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn.

- Gần đây Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An ban hành nhiều chính sách như khảo sát năng lực giáo viên ngoại ngữ toàn tỉnh, tuyển thẳng học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Vì sao Sở lại có những động thái này?

- Trong bối cảnh thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung rất cần có nguồn nhân lực tốt, đảm bảo số lượng và chất lượng, sẵn sàng cho việc toàn cầu hóa.

Nghệ An cũng đang đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thúc đẩy du lịch, chuẩn bị triển khai các dự án trọng điểm. Việc nâng cao trình độ ngoại ngữ là một trong những hành trang tốt nhất để con em Nghệ An nhanh chóng tiếp cận, hội nhập quốc tế khi đi lao động, du học, hay làm việc trong môi trường công nghiệp hiện đại.

Sau 10 năm thực hiện kế hoạch dạy và học ngoại ngữ trong cơ sở giáo dục trên địa bàn giai đoạn 2010-2020, chất lượng dạy và học ngoại ngữ đại trà thấp, kết quả thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh của học sinh Nghệ An thấp hơn mặt bằng chung của cả nước. Cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu...

Vì những lý do trên, tháng 7/2020 UBND Nghệ An phê duyệt đề án nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Tháng 2/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh ban hành kế hoạch khảo sát năng lực giáo viên tiếng Anh và chủ trương tuyển thẳng vào lớp 10 trường THPT chuyên Phan Bội Châu, THPT Huỳnh Thúc Kháng và một số trường THPT học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.

- Trải qua 10 năm triển khai kế hoạch dạy và học ngoại ngữ, kết quả thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh của học sinh toàn tỉnh vẫn thấp, năng lực sử dụng ngoại ngữ cũng vậy, đâu là lý do thưa ông?

- Vấn đề này có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan. Nhưng trước hết Sở nhận thấy việc chỉ đạo tổ chức dạy học ngoại ngữ theo chương trình 10 năm chưa đảm bảo yêu cầu đồng bộ, liên thông giữa các cấp. Thực tế hiện nay, học sinh chủ yếu học ngoại ngữ theo chương trình 7 năm.

Công tác quản lý trường học có thời điểm còn thiếu sự quyết liệt, sáng tạo trong việc thúc đẩy giáo viên bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ, đổi mới phương pháp dạy học. Công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực để tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng môi trường dạy học ngoại ngữ trong nhà trường chưa hiệu quả, chưa thực sự xây dựng được một môi trường thích ứng cho việc dạy và học, sử dụng tiếng Anh trong nhà trường cũng như ở ngoài cộng đồng.

Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hải
 

Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hải

- Tỉnh từng xây dựng 4 đơn vị thí điểm về đổi mới toàn diện công tác dạy và học ngoại ngữ gồm: Tiểu học Trung Đô, THCS Trung Đô, THPT Lê Viết Thuận, Cao đẳng Sư phạm Nghệ An từ năm học 2014-2015. Sau 6 năm, ông đánh giá hiệu quả và khả năng nhân rộng mô hình này thế nào?

- Do điều kiện khó khăn, tỉnh chưa đủ nguồn lực đầu tư trang thiết bị dạy học ngoại ngữ đồng bộ cho 4 trường. Nói là thí điểm nhưng thực tế tỉnh chưa có cơ chế cụ thể để khích lệ hay ưu tiên cho các trường. Vì vậy, các trường chưa có môi trường dạy học ngoại ngữ tốt, chưa thành mô hình cho các trường khác học tập.

Hiện có nhiều chương trình tăng cường tiếng Anh trong nhà trường để nhân rộng chứ không riêng gì mô hình của 4 đơn vị thí điểm nói trên. Toàn tỉnh có 14 trường trọng điểm, trong đó chủ yếu là bậc THCS. Các trường này sẽ thúc đẩy phát triển mô hình học cả trong nhà trường và ngoài cộng đồng. Bậc THPT công lập, từ năm học 2021-2022, mỗi trường được tuyển thẳng vào lớp 10 một lớp tiếng Anh, trước mắt ưu tiên những trường top đầu của huyện, thành phố, thị xã.

Thời gian tới, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh và xin ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xây dựng trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (có bề dày trên 100 năm) thành trường trọng điểm của vùng, trong đó chú trọng phát triển tất cả mô hình quản trị, ngoại ngữ, tin học... để học sinh có kỹ năng toàn diện.

- Đề án liệt kê nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, vậy đâu là trọng tâm?

- Để thay đổi chất lượng dạy học tiếng Anh, quan trọng nhất vẫn là tạo môi trường dạy học, sử dụng tiếng Anh trong và ngoài nhà trường. Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ phải có chiến lược, kế hoạch dạy học tiếng Anh một cách bài bản từ giáo dục mầm non, phổ thông cho đến đại học, có hướng dẫn cụ thể cho nhà trường triển khai.

Các cơ sở giáo dục sẽ phải chủ động phối hợp với trung tâm ngoại ngữ có người nước ngoài để xây dựng chương trình tiếng Anh tăng cường, với cam kết chuẩn đầu ra theo từng lớp học, cấp học và công khai cho học sinh, phụ huynh, cộng đồng biết để cùng giám sát chất lượng.

Đặc biệt, Sở sẽ phải phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng sân chơi, môi trường trải nghiệm tiếng Anh cho học sinh, tổ chức câu lạc bộ dạy tiếng Anh cho người dân tại trung tâm học tập cộng đồng, nhất là địa phương có tiềm năng phát triển du lịch. Được tiếp xúc, học tập với giáo viên tiếng Anh nước ngoài sẽ góp phần tạo hứng thú học ngoại ngữ cho học sinh.

Trong công tác tuyển dụng, tỉnh sẽ có chính sách ưu tiên cho sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, hoặc có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Hiện tại, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An triển khai đánh giá thực trạng đội ngũ giáo viên tiếng Anh theo tiêu chuẩn quốc tế, qua đó xây dựng các chương trình bồi dưỡng thích hợp; xây dựng cơ chế khuyến khích giáo viên tự học, tự bồi dưỡng để dự thi lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, phấn đấu đạt tiểu chuẩn giáo viên toàn cầu.

Công tác tuyển sinh lớp 10 hiện vẫn theo truyền thống, tổ chức thi tuyển 3 môn: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ. Trong đó Toán và Văn nhân điểm hệ số 2, ngoại ngữ hệ số 1. Sở Giáo dục và Đào tạo dự kiến nghiên cứu, thay đổi cách tính tương đồng nhau, hoặc tiếng Anh được tính hệ số 2, để khuyến khích học sinh nâng cao chất lượng học ngoại ngữ.

 
 
 
Video Player is loading.
Hiện tại 0:05
/
Thời lượng 1:38
Đã tải: 0%
 
 
Tiến trình: 0%
 
 
Quảng cáo có thể hiển thị sau 5 giây

Ông Thành chia sẻ giải pháp cải thiện năng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh. Video: Nguyễn Hải.

Nghệ An có địa hình rộng, điều kiện cơ sở vật chất, mặt bằng chất lượng giáo dục ở miền núi và thành thị chênh lệch lớn. Làm thế nào để việc triển khai đề án này giữa các địa phương đạt hiệu quả đồng đều?

- Khâu tuyển dụng giáo viên cho các huyện miền núi đang là vấn đề cấp thiết. Hiện tại có 5 huyện miền núi thiếu nhiều giáo viên tiểu học. Khi đã đủ thì chúng tôi sẽ bồi dưỡng, nâng cao năng lực. Thứ hai, Sở dự kiến đưa các chương trình tăng cường tiếng Anh trong nhà trường lên các huyện miền núi bằng cách kêu gọi trung tâm tiếng Anh lên mở lớp ở miền núi.

Các Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện phải đánh giá sâu sát từng trường để đề xuất với cấp trên tăng ngân sách, hoặc tìm nguồn xã hội hóa để phát triển, mở rộng mô hình "trường giúp trường, phòng giúp phòng". Cụ thể, một trường có điều kiện ở miền xuôi sẽ có trách nhiệm giúp đỡ một trường ở miền núi đang khó khăn bằng cách giao lưu hỗ trợ chuyên môn và cơ sở vật chất.

Ngoài khó khăn về nhân lực giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất ở các huyện miền núi thì thì khâu truyền thông ý thức dạy và học tiếng Anh cũng rất khó. Việc truyền thông thế nào để tạo được ý thức sử dụng tiếng Anh "mọi lúc, mọi nơi" trong cộng đồng sẽ rất quan trọng. Nếu chỉ học trong nhà trường mà về nhà không dùng để giao tiếp, đọc sách thì chất lượng sẽ không thể cao.

Ông kỳ vọng gì khi triển khai đề án dạy và học ngoại ngữ?

Chúng tôi kỳ vọng tạo bước đột phá về chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở các cấp học và trình độ đào tạo, xây dựng môi trường học và sử dụng ngoại ngữ trên địa bàn. Mục tiêu là đến năm 2025, 70% cơ sở giáo dục mầm non đủ điều kiện triển khai chương trình làm quen với ngoại ngữ (hiện chỉ hơn 13% trong tổng số 556 trường đủ điều kiện), đến năm 2030 là 100%.

Đến năm 2025, có ít nhất 20% học sinh lớp 5, 9 và 12 đạt chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế (A1 đối với lớp 5, A2 lớp 9 và B1 lớp 12); năm 2030 là 70%.

Không tính tiền xây dựng phòng học ngoại ngữ và mua sắm bổ sung thiết bị, giai đoạn 2020-2025, đề án dạy và học ngoại ngữ dự kiến cần 57 tỷ đồng. Trong đó 10 tỷ đồng dành để khảo sát năng lực ngoại ngữ cho khoảng 2.500 giáo viên trên địa bàn, 47 tỷ dành bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ.

Nguyễn Hải-VNexpress

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh