Trước đây, để giải quyết các thủ tục hành chính, doanh nghiệp phải đi đến nhiều sở, ban, ngành liên quan, rất phiền toái, tốn thời gian. Nay, chỉ cần đến Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, hoàn tất một thủ tục giao dịch và hẹn ngày nhận kết quả, không có hiện tượng nhũng nhiễu, câu giờ như trước…
“Trên cơ sở môi trường đầu tư tốt, với chính sách ưu đãi và hỗ trợ cho xúc tiến đầu tư của tỉnh Nghệ An, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với hiệu quả của việc thực hiện giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh. Cụ thể, chúng tôi đã hoàn thành các thủ tục xin cấp phép Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chỉ trong vòng 10 ngày làm việc. Điều này đã tạo niềm tin cho chúng tôi tiếp tục mở rộng đầu tư vào tỉnh Nghệ An”, đó là nhận xét của ông Giang Hồng Trại – Phó Chủ tịch cao cấp Tập đoàn Goertek, Tổng Giám đốc Công ty.
Goertek Vina đã đầu tư dự án Nhà máy chế tạo sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện Goertek Vina tại Khu Công nghiệp WHA Industrial Zone 1 – Nghệ An. Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 100 triệu USD, địa điểm đầu tư tại Khu Công nghiệp WHA Industrial Zone 1 Nghệ An. Tháng 1/2021, chỉ 3 tháng sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Goertek Vina đã tiến hành khởi công xây dựng nhà máy. Ngày 11/1/2022, tỉnh Nghệ An đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư lần 2 cho Goertek Vina. Theo đó, Goertek Vina quyết định tăng vốn thêm 400 triệu USD vào dự án tại Nghệ An, nâng tổng vốn đầu tư của dự án lên 500 triệu USD. Dự kiến dự án sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 người lao động sau khi hoàn thành.
Trong suốt quá trình triển khai dự án, Goertek Vina đã luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo từ lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh cùng các sở, ban, ngành của tỉnh Nghệ An để dự án được triển khai thuận lợi, đảm bảo tiến độ.
Để nhà đầu tư có được những ấn tượng tốt đẹp và quyết định mở rộng, tăng quy mô như dự án chỉ trong một thời gian ngắn, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Nghệ An xác định cải cách thủ tục hành chính là một trong những điều kiện tiên quyết để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh trong việc giải quyết các thủ tục hành chính tại cơ quan nhà nước. UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung rà soát, tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính, phê duyệt quy trình điện tử, quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị.
UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đơn giản hóa thành phần hồ sơ, cắt giảm thời gian giải quyết, cắt giảm thành phần hồ sơ, tăng cường giải quyết hồ sơ trên hệ thống phần mềm một cửa của tỉnh. Đồng thời đã chọn năm 2021 là năm đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong cải cách hành chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Năm 2022 được UBND tỉnh chọn là năm chủ đề “Tập trung chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước tỉnh Nghệ An” trong công tác cải cách hành chính.
Sau hơn 1 năm đưa vào hoạt động, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nghệ An đã thể hiện được vai trò là đầu mối việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết các thủ tục hành chính cấp tỉnh. Bên cạnh việc đẩy mạnh ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin, phần mềm điện tử trong quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tiếp, trực tuyến, Trung tâm còn thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ từ xa, nhận trả kết quả tại nhà qua chuyển phát nhanh giúp người dân hạn chế được thời gian, chi phí đi lại.
“Trước đây, để hoàn tất các thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp, tôi phải đi đến nhiều sở, ban, ngành liên quan, rất phiền toái, lại tốn thời gian. Nay, chỉ cần đến đây, hoàn tất một thủ tục giao dịch và hẹn ngày nhận kết quả. Cán bộ ở đây hướng dẫn nhiệt tình, nếu thiếu các thủ tục thì được hướng dẫn chỉ có bổ sung một lần duy nhất, không có hiện tượng nhũng nhiễu, câu giờ như trước”- ông Hoàng Quốc Khánh, cán bộ Công ty cổ phần Trung Đô cho biết.
Để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, Nghệ An cũng nhanh chóng triển khai quá trình chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và chất lượng cung cấp dịch vụ công của chính quyền các cấp. Với nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay công tác chuyển đổi số ở Nghệ An đã đạt được một số kết quả tích cực. Hiện Cổng dịch vụ công trực tuyến đã cung cấp trên hệ thống 1.833 dịch vụ công, trong đó có 1.160 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Toàn tỉnh có 20 sở, ban, ngành; 21 huyện, thành, thị và 100% các đơn vị sự nghiệp thuộc các sở, ngành triển khai việc thực hiện chữ ký số. Nhiều đơn vị đã rút ngắn thủ tục hành chính, tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Điển hình như Kho Bạc nhà nước Nghệ An đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 và Ứng dụng cảnh báo rủi ro trên thiết bị di động. Ngành Thuế đã tập trung quyết liệt thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Hiện 100% doanh nghiệp đang hoạt động, tham gia sử dụng dịch vụ khai, sử dụng dịch vụ nộp thuế, hoàn thuế điện tử; (những tỷ lệ này đều cao hơn mức bình quân chung của cả nước). Các năm 2020, 2021, Công an Nghệ An dẫn đầu toàn quốc về công tác cải cách hành chính.
Theo kết quả công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ (diễn ra vào ngày 25/5/2022), thì năm 2021, chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của Nghệ An đạt 87,59 điểm, xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố, tăng 1 bậc so với năm 2020.
Không chỉ ở cấp tỉnh, tại các trung tâm giao dịch một cửa của cấp huyện, cấp xã cũng đã có nhiều nỗ lực trong nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ. Cùng với đó là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị đã có những hoạt động, mô hình cụ thể như: “Ngày thứ Bảy vì nhân dân phục vụ”, “Làm hết việc chứ không hết giờ”, “Nâng cao chất lượng công vụ”, “Văn hóa ứng xử nơi công sở”, “Tự soi tự sửa”…
“Trước đây, việc giải quyết thủ tục hành chính còn chậm trễ, người dân phải chờ đợi và đi lại nhiều lần mới xong. Thời gian gần đây, chúng tôi thấy thuận lợi hơn rất nhiều, thường ít phải chờ đợi. Lề lối làm việc, văn hóa ứng xử, tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ công chức có chuyển biến đáng kể”- bà Nguyễn Thị Hoa, người dân xã Phúc Sơn (Anh Sơn) chia sẻ.
Theo Trưởng phòng Nội vụ huyện Anh Sơn – đồng chí Nguyễn Đức Vĩnh cho biết: Nhằm tạo chuyển biến hơn nữa trong tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn yêu cầu phòng Nội vụ hàng tháng phải có báo cáo nhanh, hàng quý có báo cáo đánh giá về kết quả việc thực thi đạo đức công vụ của cán bộ, công chức trên các chỉ tiêu về thực hiện chuyển đổi số, xử lý thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, không để tồn đọng việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (6 tháng đầu năm 2022 không có hồ sơ tồn đọng). Huyện tổ chức đăng ký các mô hình mới, sáng kiến đến nay đã có 75 đề tài được cán bộ, công chức từ huyện đến cơ sở đăng ký sáng kiến trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Đồng thời huyện tăng cường đối thoại với nhân dân không chỉ qua các hội nghị mà cử cán bộ trực tiếp xuống trao đổi với người dân; tăng cường trao đổi học tập kinh nghiệm giữa các địa phương, đơn vị nào còn yếu lĩnh vực nào đến địa phương làm tốt hơn lĩnh vực đó để học tập.
Để theo dõi, kịp thời chấn chỉnh công tác cải cách hành chính trên địa bàn toàn tỉnh, hàng tháng Ban chỉ đạo cải cách hành chính cấp tỉnh đều có văn bản “Báo cáo tình hình thực hiện thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh”, đồng thời ra các văn bản nhắc nhở, chỉ đạo công tác cách cải hành chính đến tận từng ngành, từng huyện, thành, thị xã trên địa bàn toàn tỉnh. Như ngày 22/4/2022, UBND tỉnh đã ban hành văn bản “Khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính quý I/2022”. Tại văn bản này đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại hạn chế như: “Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân cấp huyện vẫn còn để xảy ra sai sót về thể thức, thẩm quyền; Việc công khai thủ tục hành chính tại một số đơn vị chưa đầy đủ, chưa đúng quy định; Việc rà soát làm sạch dữ liệu giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên Hệ thống Thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh chưa được các cơ quan, đơn vị quan tâm xử lý, làm sạch dữ liệu dẫn đến trên Hệ thống báo cáo tình trạng giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trễ hạn còn khá lớn.
Tính chủ động, hiệu quả công tác, ý thức trách nhiệm, kỷ luật kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn chưa tốt, vẫn còn tình trạng công chức, viên chức vi phạm pháp luật đến mức phải khởi tố vụ án, bắt tạm giam, điều tra, xét xử. Việc thực hiện cơ chế tự chủ của một số cơ quan, đơn vị còn lúng túng, ứng dụng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, các dịch vụ công mức độ cao chưa hiệu quả, việc chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước ở một số đơn vị tiến độ thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu đề ra”…
Để khắc phục những tồn tại hạn chế nêu trên, UBND tỉnh yêu cầu: “Người đứng đầu cơ quan, đơn vị tiếp tục chỉ đạo chặt chẽ, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát hiện, xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao; tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện cải cách hành chính ở các cơ quan, đơn vị, địa phương mình quản lý; đảm bảo các kế hoạch/nhiệm vụ được triển khai kịp thời, đúng tiến độ…”.
(Còn nữa)