Lo lắng “chờ” điểm chuẩn
Mặc dù điểm trúng tuyển vào lớp 10 đã công bố hơn 1 tuần nhưng với mức điểm là 22,94 điểm, gia đình anh Nguyễn Văn Nam (thành phố Vinh) vẫn chưa thể yên tâm, vì đây chưa phải là mức điểm an toàn để trúng tuyển vào Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng.
Gần 10 ngày “đứng ngồi không yên”, vì thương con, gia đình cũng đã tính tới rất nhiều phương án khác nhau, nhưng cuối cùng cả gia đình quyết định “chờ” trông vào sự may mắn. Nói về điều này, anh Nam cho biết: “Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng có hơn 1.000 thí sinh dự thi và mức điểm của con tôi đang xếp thứ hơn 900 và nếu tính theo lý thuyết thì cháu đã trượt vì trường chỉ có 630 chỉ tiêu. Tuy nhiên, tôi hy vọng một số học sinh trúng tuyển vào trường sẽ nhập học vào các trường chuyên và khi đó sẽ tăng cơ hội cho các thí sinh còn lại”.
Thí sinh tham dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh: Mỹ Hà |
Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng luôn luôn là ngôi trường có điểm trúng tuyển đầu vào lớp 10 cao nhất tỉnh trong liên tục nhiều năm trở lại đây. Năm nay, theo tính toán của nhà trường, điểm trúng tuyển vào nhà trường khoảng 23 điểm (không cao hơn năm ngoái nếu chia theo trung bình môn). Nhưng đây cũng chỉ là dự kiến vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan khác.
Chia sẻ về điều này, thầy giáo Phan Xuân Phàn - Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết: “Điểm trúng tuyển vào Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng phụ thuộc rất nhiều vào số lượng học sinh đăng ký vào trường, nhưng sau đó chuyển sang học Trường THPT chuyên Đại học Vinh hoặc Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Trong khi đó, năm nay, con số này rất khó dự đoán, vì năm nay, Trường THPT chuyên Đại học Vinh có nhiều thay đổi trong phương án tuyển sinh. Điều đó cũng sẽ tác động đến số lượng thí sinh dự thi và nhập học vào trường. Chẳng hạn, như các năm trước có những đối tượng thí sinh thuộc diện tuyển thẳng và trường Huỳnh sẽ dễ dàng sàng lọc và biết được thí sinh nào sẽ đi hay ở lại trường. Nhưng năm nay thì không thể sàng lọc theo phương án này mà phải chờ các trường công bố học sinh trúng tuyển”.
Thí sinh làm bài thi lớp 10. Ảnh: Mỹ Hà |
Tuy số lượng thí sinh biến động sẽ không nhiều như Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, nhưng điểm chuẩn vào 2 trường THPT khác trên địa bàn thành phố Vinh là THPT Lê Viết Thuật và THPT Hà Huy Tập cũng khó có thể dự đoán do còn phụ thuộc vào thí sinh đăng ký vào các trường chuyên. Thầy Hoàng Minh Lương - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Viết Thuật cho biết: “Năm nay, do tất cả các trường công lập trên địa bàn thành phố Vinh không tuyển nguyện vọng 2 thì học sinh đăng ký vào các trường sát với năng lực các em hơn những năm trước và vì vậy, chất lượng tuyển sinh cũng cao hơn. Chúng tôi đang tính toán điểm chuẩn sẽ rơi vào 21 điểm, nhưng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố”.
Tại Trường THPT Hà Huy Tập, qua thống kê của nhà trường, điểm dự kiến cũng sẽ trên 20 điểm, do số học sinh thi vào trường nhưng sẽ nhập học vào các trường chuyên khá đông. Trường năm nay cũng có tuyển sinh 1 lớp có Chứng chỉ ngoại ngữ. Tuy vậy, hiệu trưởng nhà trường cho biết, nếu lớp này không đủ chỉ tiêu thì nhà trường sẽ tuyển sinh các học sinh khác có điểm trúng tuyển cao để tăng cơ hội trúng tuyển cho các thí sinh.
Do năm học 2022 - 2023, nhiều trường trên địa bàn thành phố Vinh đều không tuyển nguyện vọng 2 nên năm nay dự kiến Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố điểm trúng tuyển các trường công lập trên địa bàn thành phố Vinh trong cùng một thời điểm.
Cũng trong tháng 7, Sở sẽ bắt đầu xét điểm trúng tuyển cho các trường khác trên địa bàn toàn tỉnh theo thứ tự xét tuyển các trường tuyển sinh nguyện vọng 1 trước rồi mới xét điểm trúng tuyển các trường có tuyển sinh nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2.
Băn khoăn tuyển sinh đầu vào
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022 - 2023, số lượng học sinh trên toàn tỉnh tăng hơn rất nhiều so với các năm trước, trong khi chỉ tiêu đầu vào của nhiều trường không tăng, khiến cho áp lực tuyển sinh đầu vào rất lớn, nhất là ở những trường ven thành phố.
Tại Trường THPT Phạm Hồng Thái (Hưng Nguyên), năm nay trường có chỉ tiêu 6 lớp 10 với trên 250 học sinh. Tuy nhiên, trong số gần 400 hồ sơ thí sinh đăng ký thi vào trường thì có đến 80 hồ sơ của học sinh vùng phụ cận, trái tuyến. Với tỷ lệ chọi “căng” (nằm trong tốp đầu của tỉnh) thì việc điểm trúng tuyển đầu vào cao hơn các năm trước là điều không tránh khỏi. Nhưng một trong những điều khiến ban giám hiệu nhà trường và phụ huynh trên địa bàn băn khoăn, đó chính là cơ hội học tập cho học sinh của địa phương.
Thí sinh tham dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại điểm thi Trường THPT Phạm Hồng Thái. Ảnh: Đức Anh |
Một phụ huynh có con trên địa bàn xã Châu Nhân cho biết: “Học sinh ở thành phố Vinh hoặc ở các vùng phụ cận về thi chắc chắn sẽ có nhiều cháu có học lực tốt hơn con em ở trên vùng và điều ấy sẽ đẩy điểm trúng tuyển tăng lên và những học sinh nằm trên vùng tuyển sinh của trường sẽ rất khó cạnh tranh. Nếu vậy, thì con em chúng tôi sẽ mất cơ hội học tập và phải đi học trường dân lập”.
Bài toán này cũng diễn ra ở một số trường khác nằm trên địa bàn các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, bởi có rất nhiều thí sinh vùng trái tuyến đến đăng ký tuyển sinh tại các trường và buộc học sinh của địa phương phải chia sẻ cơ hội trúng tuyển. Do áp lực tuyển sinh “căng” nên nhiều ý kiến trái chiều cũng xôn xao trong dư luận càng khiến nhiều phụ huynh lo lắng.
Thí sinh tham dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh: Mỹ Hà |
Như tại Trường THPT Nam Đàn 1, theo số lượng hồ sơ đăng ký vào trường chỉ có 1 hồ sơ có hộ khẩu ở Vinh nhưng dư luận hiện nay là có gần 70 hồ sơ trái tuyến. Qua trao đổi, cô giáo Trịnh Thị Diệu Thúy - Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết: “Năm nay trường chúng tôi chỉ có hơn 500 chỉ tiêu, nhưng có đến 740 hồ sơ đăng ký dự thi. Như vậy, sẽ có đến 196 học sinh bị trượt khi đăng ký thi vào trường và điều này hoàn toàn khách quan do số lượng học sinh trên địa bàn huyện Nam Đàn cao hơn các năm trước. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, điều này khiến điểm chuẩn vào trường tăng cao, nhưng qua tổng hợp sơ bộ thì điểm chuẩn của trường sẽ khoảng 15,2 điểm, nếu tính điểm trung bình sẽ không cao hơn các năm trước”.
Việc học sinh điều chỉnh đăng ký nguyện vọng trên thực tế cũng cho thấy không trái với các quy định và quy chế của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Bất cập ở đây là từ năm học này và dự kiến trong những năm tới, số học sinh thi vào lớp 10 sẽ tiếp tục tăng nhưng quy mô trường lớp lại không thay đổi. Điều này, vô hình trung, khiến cho áp lực của kỳ thi này ngày càng tăng và gây nên những bất hợp lý như trên.
Một bài toán tương tự cũng sẽ diễn ra với những trường tuyển sinh nguyện vọng 2, vì có thể có rất nhiều học sinh ở các vùng thuận lợi sẽ xét tuyển nguyện vọng 2 lên các trường vùng cao, vùng xa. Tuy vậy, sau khi trúng tuyển các em sẽ không học mà chỉ lấy kết quả để xét tuyển vào các trường tiên tiến. Trong khi đó, học sinh có nhu cầu thực sự lại không có cơ hội trúng tuyển vì khó có thể cạnh tranh về điểm số.
Thí sinh thi vào Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Đức Anh |
Trước đó, một bất cập khác dễ dàng nhìn thấy đó là điểm trúng tuyển đầu vào chênh lệch giữa các trường công lập trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, trong khi nhiều trường học sinh chỉ cần có điểm, hoặc điểm thi dưới trung bình có thể trúng tuyển vào trường công lập thì tại nhiều địa phương, nhất là thành phố Vinh điểm trúng tuyển lại rất cao (thậm chí trung bình 7 điểm/môn cũng khó có thể trúng tuyển). Chính điều này khiến nhiều thí sinh và phụ huynh thấy không công bằng và đến mùa tuyển sinh, lại xuất hiện tình trạng sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo công bố phương án tuyển sinh, phụ huynh tìm cách đổi nguyện vọng, đổi trường. Đó cũng là lý do, dù đã có điểm thi tuyển nhưng để dự đoán điểm trúng tuyển vẫn chưa bao giờ là điều dễ dàng.