Sức mua tăng mạnh
Khác với sự đìu hiu của thị trường đồ chơi trẻ em mùa Trung thu năm 2021 do ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19, năm nay thị trường đồ chơi trẻ em trên địa bàn tỉnh có sự khởi sắc. Dạo quanh các tuyến đường chuyên bán đồ chơi trẻ em tại TP.Vinh như Đinh Công Tráng, Lê Lợi, Nguyễn Văn Cừ, khu vực chợ Vinh, các siêu thị, công viên... dễ dàng nhận ra các mặt hàng đồ chơi trẻ em tràn ngập, được bài trí bắt mắt để thu hút các bậc phụ huynh và trẻ nhỏ.
Người dân tìm mua đồ chơi trẻ em trong dịp Trung thu năm nay. Ảnh: Quang An |
Chị Nguyễn Quỳnh Nga, chủ cửa hàng đồ chơi trẻ em tại TP. Vinh cho biết: “Để chuẩn bị cho mùa Trung thu năm nay, từ tháng Bảy âm lịch, chúng tôi đã bắt đầu nhập về các mặt hàng đồ chơi trẻ em với đầy đủ mẫu mã, chủng loại phục vụ các khách hàng nhí. Từ đầu tháng 8, số lượng khách đến mua hàng và đặt hàng online tăng vọt và càng cận ngày Trung thu càng nhiều đơn hàng. Vì là mùa làm ăn chính trong năm nên tôi phải huy động người nhà phụ bán và ship hàng kịp cho khách”.
Theo ghi nhận của phóng viên, các mặt hàng đồ chơi trẻ em năm nay có sự đa dạng. Với tiêu chí chọn các món đồ chơi có thể vừa giải trí, vừa kích thích, khơi gợi trí tò mò, ham học hỏi của trẻ, các bậc phụ huynh thường tìm đến những món đồ chơi thông minh như xếp hình, ghép chữ, bộ đất nặn, bảng chữ... để mua làm quà cho con. Do đó, loại sản phẩm này thường có sức mua cao hơn.
Các mặt hàng đồ chơi trẻ em đa dạng, phong phú. Ảnh: Quang An |
Bên cạnh đó, các mặt hàng đồ chơi trẻ em truyền thống như đèn kéo quân, đèn ông sao, đèn cá, mặt nạ giấy, đầu lân, sư, rồng… với giá bán chỉ dao động từ vài chục nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng, được làm từ các chất liệu gần gũi với thiên nhiên như giấy, tre, nứa... bảo đảm độ an toàn cho trẻ em, nên cũng được nhiều phụ huynh lựa chọn làm quà tặng cho các bé. Những trò chơi này giúp các con tìm hiểu những giá trị văn hóa như tinh thần hiếu học, lòng yêu nước; hiểu biết về hình ảnh các nhân vật dân gian Việt Nam quen thuộc như ông Địa, chú Tễu...
Theo khảo sát, so với năm trước thì giá thành các loại đồ chơi trẻ em năm nay tăng nhẹ từ 10 – 15%. Cụ thể, đèn ông sao có giá từ 15.000-70.000 đồng/chiếc, loại to có giá 80.000 - 150.000 đồng/chiếc, trống từ 10.000 - 150.000 đồng/chiếc, đèn lồng giấy phát nhạc từ 50.000 - 70.000 đồng/chiếc, các bộ đồ chơi lắp ráp, mô hình xe cộ, nhân vật hoạt hình quen thuộc có giá từ 50.000 – 300.000 nghìn đồng/ bộ. Những sản phẩm cao cấp khác có giá cao hơn nhưng không quá 2 triệu đồng.
Những đồ chơi truyền thống được thị trường ưa chuộng. Ảnh: Quang An |
Chia sẻ về sức mua của các loại đồ chơi năm nay, chị Lê Thị Mai, chủ một cửa hàng đồ chơi trẻ em cho biết: So với thời điểm năm ngoái thì năm nay lượng đồ chơi trẻ em tiêu thụ tăng gấp 2 – 3 lần do dịch Covid-19 đã được kiểm soát, nhiều phụ huynh cũng mua quà động viên con trong năm học mới. Bên cạnh đó, các nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, khu vui chơi... đặt hàng với số lượng lớn đồ chơi để trang trí cửa hàng. Các đoàn thanh niên, hội nhóm cũng đặt nhiều để biểu diễn văn nghệ, phục vụ Trung thu cho trẻ nhỏ nên sức mua tăng lên đáng kể.
Tăng cường kiểm soát đồ chơi độc hại
Mặc dù các loại đồ chơi thông minh, đồ chơi truyền thống năm nay chiếm phần nhiều vẫn có nhiều mặt hàng đồ chơi mang tính bạo lực, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng được bày bán trên thị trường. Đặc điểm dễ nhận biết nhất của những mặt hàng này là không có nhãn mác, giá thành rẻ để đánh vào tâm lý người tiêu dùng. Đặc biệt, các loại đồ chơi bạo lực như: súng, gươm, giáo, mặt nạ kinh dị… vẫn còn bày bán công khai tại các điểm tập trung đông người như trường học, công viên, khu vui chơi...
Người tiêu dùng cần lựa chọn kỹ đồ chơi trẻ em, tránh các đồ chơi độc hại, bạo lực. Ảnh: Quang An |
Đặc biệt, với sự bùng nổ của mạng xã hội, các em nhỏ hiện nay tiếp xúc nhiều với các hình ảnh, văn hóa độc hại khi xem điện thoại, máy tính bảng nên việc tìm hiểu, đua đòi các mặt hàng đồ chơi bạo lực, phản cảm diễn ra ngày càng phổ biến. Khác với việc mua hàng truyền thống trước đây, hiện nay nhiều đồ chơi trẻ em được đặt hàng online nên việc kiểm tra, xử lý các mặt hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng cũng gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Hường - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Nghệ An cho biết: Tết Trung thu là thời điểm việc kinh doanh các mặt hàng như bánh kẹo, đồ chơi trẻ em diễn ra sôi động nhất trong năm. Đây cũng là thời điểm nở rộ tình trạng buôn, bán và vận chuyển các mặt hàng bánh Trung thu, đồ chơi không rõ nguồn gốc. Đơn vị đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường trên địa bàn tăng cường áp dụng biện pháp nghiệp vụ, chủ động phối hợp với ngành chức năng có liên quan để kịp thời kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các mặt hàng đồ chơi trẻ em, bánh Trung thu kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ.
Lực lượng QLTT cùng cơ quan chức năng tịch thu đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực. Ảnh ĐVCC |
Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần thay đổi nhận thức và thói quen tiêu dùng, không vì ham mua đồ chơi rẻ mà làm ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Khi chọn đồ chơi cho con trẻ, phụ huynh nên lưu ý tới nhãn mác, xuất xứ, thành phần của sản phẩm. Đồng thời, nên chọn các thương hiệu đồ chơi uy tín, chất lượng để đảm bảo sức khỏe cho con trẻ, tránh các sự cố đáng tiếc khi chơi các đồ chơi độc hại.
Mới đây, tại xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu và xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh phối hợp các đơn vị liên quan phát hiện và thu giữ 2.500 chiếc bánh Trung thu; 130 súng, 80 kiếm nhựa các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Toàn bộ số hàng hóa vi phạm được cơ quan chức năng tạm giữ và tiếp tục điều tra xử lý.