Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức sáng 21/10. (Ảnh: VPQH) 

Quy định số 69 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm

Quy định 69-QĐ/TW của Bộ Chính trị, ngày 06/7/2022, về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, thay thế Quy định số 07-QĐi/TW, về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm và Quy định số 102-QĐ/TW, về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm của Bộ Chính trị khóa XII. Quy định mới bổ sung nhiều nội dung nhằm phù hợp tình hình thực tiễn, đồng thời cụ thể hóa các hình thức kỷ luật đối với những vi phạm.

Vấn đề kỷ luật trong Đảng là một trong những nguyên tắc cơ bản trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, để giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch vững mạnh. Nội dung trong Quy định 69 có thể được coi như một bộ luật hình sự của nội bộ Đảng, có ý nghĩa rất lớn, đó là tính răn đe, cảnh báo, thức tỉnh lương tâm của những đảng viên suy thoái, tự diễn biến tự chuyển hóa. Đồng thời nghiêm trị những hành vi vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, củng cố uy tín, niềm tin chính trị và tính chính danh của Đảng trong lòng Nhân dân.

Trong nội dung Qui định 69 tại Điều 4 nêu rõ: Thời hiệu kỷ luật đảng viên vi phạm như sau: 5 năm (60 tháng) đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức khiển trách; 10 năm (120 tháng) đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức. Không áp dụng thời hiệu kỷ luật đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức khai trừ; vi phạm chính trị nội bộ; vi phạm quốc phòng, an ninh, đối ngoại có xâm hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc; việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp.

Theo đó kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng, phải kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước, đoàn thể.

Hội nghị Trung ương 6 vừa qua cho thấy Quy định 69 được thực thi ngay lập tức trong ngày đầu tiên của phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 6 và việc làm đầu tiên của Hội nghị đó là kỷ luật và chấp nhận hình thức từ chức của một số Ủy viên Trung ương.

Đây là tiền lệ rất tốt mở đường cho văn hóa từ chức, làm gương cho các chức danh khác trong hệ thống chính trị, bộ máy Nhà nước để thay thế dần những người xứng đáng hơn.

Với vai trò Đảng cầm quyền, lãnh đạo đất nước việc kỷ luật đảng viên thể hiện sự nghiêm minh “không có vùng cấm”, công bằng, nhân văn. Việc Chính phủ kịp thời ra nghị quyết về thời hiệu kỷ luật hành chính đối với công chức, viên chức khi chưa sửa Luật Công chức được cho là rất kịp thời đáp ứng với yêu cầu hiện nay.

Kỷ luật hành chính đồng bộ với kỷ luật đảng

Sáng 21/10, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Nhấn mạnh về sự cần thiết ban hành nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, hiện nay quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật đảng và thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức còn khác nhau. Cùng là khiển trách, thời hiệu kỷ luật đảng là 5 năm, kỷ luật hành chính là 2 năm. Hay cảnh cáo, thời hiệu kỷ luật đảng là 10 năm, còn hành chính là 5 năm.

“Sự khác nhau ấy dẫn tới thực tế phát sinh một số trường hợp đã bị kỷ luật đảng nhưng khi xem xét kỷ luật hành chính thì các cơ quan kiến nghị không xử lý do đã hết thời hiệu theo quy định của luật. Điều này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện Quy định số 69 của Trung ương về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Trong đó, kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng, phải kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước, đoàn thể. Vướng mắc này cũng ảnh hưởng đến chủ trương kỷ luật nghiêm, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” của Đảng trong thời gian qua” – Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ.

Để khắc phục vướng mắc này, Bộ Nội vụ cho rằng, cần sửa đổi các quy định có liên quan của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Tuy nhiên, quy trình sửa đổi Luật cần có thời gian vì phải thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định. Sau khi xin ý kiến và được sự thống nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 4. Trong đó, quyết nghị việc áp dụng ngay thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính đồng bộ với quy định xử lý kỷ luật của Đảng trong thời gian nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi các luật có liên quan.

Theo đó, sẽ áp dụng thời hiệu kỷ luật 5 năm đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức đến mức phải xử lý khiển trách; 10 năm đối với hành vi vi phạm đến mức phải cảnh cáo trở lên. Các trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Cũng tại phiên họp Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tán thành với Tờ trình của Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 4 theo trình tự, thủ tục rút gọn việc áp dụng ngay thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính đồng bộ với quy định xử lý kỷ luật của Đảng, qua đó, giải quyết vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, bảo đảm cơ sở pháp lý chặt chẽ để thực hiện thống nhất các quy định về nội dung này./.

 
VM