NHỮNG CƠ DUYÊN
Trong thư phòng giản dị với rất nhiều sách, báo, tài liệu nằm trên gác 2 của ngôi nhà số 42 đường Bạch Liêu (thành phố Vinh), PGS.TS. Biện Minh Điền vui vẻ trò chuyện với chúng tôi về tiền nhân và những giá trị của quá khứ dân tộc, trong đó có Di sản của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
Sinh năm 1956, tại xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, là giảng viên Trường Đại học Vinh từ năm 1979, hơn 40 năm giảng dạy bộ môn Văn học Việt Nam cho các thế hệ sinh viên và nhiều khóa học viên cao học và nghiên cứu sinh, PGS.TS. Biện Minh Điền đã có một quá trình tìm hiểu, nghiên cứu các di sản văn hóa quá khứ của dân tộc, trong đó có Di sản của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
PGS.TS Biện Minh Điền là một chuyên gia nghiên cứu về văn học Việt Nam trung đại của Trường Đại học Vinh. Ảnh: Minh Quân |
Kể về cơ duyên đến với việc xây dựng hồ sơ khoa học về nữ sĩ Hồ Xuân Hương, PGS.TS Biện Minh Điền cho biết: “Trong một lần tham gia một chương trình trò chuyện trên truyền hình, tôi và anh Trần Đình Tuấn (một nhà nghiên cứu văn hóa, từng tham gia xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh Nguyễn Du và Chu Văn An) đều là khách mời của chương trình, gặp nhau.
ADVERTISEMENT
Sau chương trình, chúng tôi trao đổi với nhau nhiều điều về văn hóa, văn học, nghệ thuật. Anh trân trọng mời tôi tham gia Ban Vận động UNESCO của họ Hồ Việt Nam, cùng xây dựng hồ sơ trình UNESCO xem xét Hồ Xuân Hương là danh nhân văn hóa. Ngoài anh Trần Đình Tuấn, tôi, trong Ban Vận động còn có một số nhân vật khác, đặc biệt là Đại tá Nguyễn Huy Toàn – nhà nghiên cứu tư tưởng - văn hóa - quân sự và chị Nguyễn Thị Sông Hương – nhà nghiên cứu văn hóa, đang công tác tại Nhà Xuất bản của Trường Nghiên cứu cao cấp về khoa học xã hội Paris - Pháp…”.
THỬ THÁCH VÀ THÀNH CÔNG
Về những khó khăn trong quá trình xây dựng bộ hồ sơ khoa học về nữ sĩ Hồ Xuân Hương, PGS.TS. Biện Minh Điền cho biết: “Trước hết, ngay trong giới khoa học, đã có nhiều ý kiến hoài nghi về một Hồ Xuân Hương có thật, về một Hồ Xuân Hương là nữ tác giả nhiều tác phẩm nổi tiếng: “Đấy chỉ là mặt nạ” “của một tác giả hoặc nhóm tác giả”, “là một sự giả danh”, “là nam mượn giọng nữ”…
Vì thế, trong hồ sơ trình UNESCO, trước hết phải chứng minh cho được: Có một Hồ Xuân Hương thực sự, có năm sinh, năm mất, có quê quán, có tiểu sử hẳn hoi và có để lại những di sản”…
PGS.TS Biện Minh Điền (thứ hai từ trái sang) cùng một số thành viên Ban Vận động UNESCO họ Hồ Việt Nam tại khu tưởng niệm nữ sĩ Hồ Xuân Hương ở xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu). Ảnh: NVCC |
“Để chứng minh rằng, có một Hồ Xuân Hương (1772 - 1822) - con gái ông Hồ Phi Diễn (1704 - 1786) - một nhà nho ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, chúng tôi đã phải tiếp cận rất nhiều nguồn tư liệu… Chúng tôi đặc biệt coi trọng những nguồn tư liệu đáng tin cậy, nhất là từ các nhân vật lịch sử cùng thời hoặc gần với Hồ Xuân Hương như Trương Đăng Quế (1793 - 1865), Tùng Thiện Vương (1819 - 1870); trân trọng và đánh giá cao những tìm tòi của cố Giáo sư Hoàng Xuân Hãn (1908 - 1996)…".
Gần đây, có một số nghiên cứu về Hồ Xuân Hương theo phương pháp tử vi, ngoại cảm… Theo tôi, hướng tiếp cận này, cũng là tâm huyết với tiền nhân, đáng trân trọng, nhưng khó có sức thuyết phục
Khi đã xác minh được lai lịch, quê quán của Hồ Xuân Hương, tiếp theo phải chứng minh cho được rằng, giá trị của Di sản văn hóa Hồ Xuân Hương phải có ý nghĩa nhân loại và được thừa nhận rộng rãi trên phạm vi quốc tế. PGS.TS. Biện Minh Điền đề nghị Ban Vận động UNESCO họ Hồ thống nhất đề xuất 7 điểm cốt yếu, để UNESCO chấp thuận thông qua, khẳng định Hồ Xuân Hương là một nhân vật mang tầm vóc của một danh nhân văn hóa, một thi hào:
Thứ nhất, Hồ Xuân Hương có tư tưởng nhân văn, nhân bản mang ý nghĩa nhân loại sâu sắc với cốt lõi là vì con người – con người với tư cách là những thực thể tồn tại trên mặt đất với mọi nhu cầu, khát vọng sống trần thế.
Thứ hai, Hồ Xuân Hương là một hiện tượng văn hóa - thẩm mỹ đặc biệt, bà để lại cả một hệ thống quan niệm về văn hóa - thẩm mỹ độc đáo qua các tác phẩm thi ca;
Thứ ba, Hồ Xuân Hương có đóng góp lớn cho nữ quyền, cho sự bình đẳng của phụ nữ - một tiêu chí rất cơ bản mà UNESCO đang theo đuổi.
Thứ tư, Di sản của Hồ Xuân Hương không chỉ là thơ ca, mà còn là hệ ứng xử - tinh thần - ý thức vì một sự tiến bộ tốt đẹp.
Thứ năm, Hồ Xuân Hương không chỉ có đấu tranh, bảo vệ mà còn có ý thức cảnh báo, phê phán, chống lại, phủ định những gì ngăn cản sự tiến bộ của con người.
Thứ sáu, Hồ Xuân Hương và di sản của bà có một sức sống mãnh liệt, có sức lan tỏa, truyền cảm hứng đến cho không chỉ một dân tộc, một quốc gia mà còn cho nhiều dân tộc, nhiều quốc gia và có thể nói cho mọi con người trên trái đất;.
Thứ bảy, điểm quan trọng cuối cùng là tác phẩm của Hồ Xuân Hương phải được giới khoa học, giới nghiên cứu nhiều nước thừa nhận và xác minh.
PGS.TS Biện Minh Điền (giữa) cùng nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Tuấn (thứ hai từ phải sang) và đạo diễn, NSND Trần Lực (ngoài cùng bên trái. Ảnh: NVCC. |
"Dĩ nhiên bảy điểm cơ bản trên phải được chứng minh, phân tích, luận giải một cách cụ thể, khoa học, hệ thống", PGS.TS Biện Minh Điền nhấn mạnh.
HƯỚNG ĐẾN HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ
PGS.TS. Biện Minh Điền cũng cho biết, theo quy định của UNESCO, sau khi một nhân vật nào đó được công nhận là danh nhân văn hóa, quốc gia xuất thân của nhân vật đó phải tổ chức được 2 hoạt động cơ bản nhất: Hội thảo khoa học quốc tế và Lễ vinh danh có UNESCO chứng giám.
Chương trình thơ, nhạc kỷ niệm 250 năm ngày sinh và 200 năm ngày mất Danh nhân Hồ Xuân Hương tại nhà thờ họ Hồ đại tộc ở xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) được tổ chức vào giữa tháng 9 vừa qua. Ảnh: Việt Hùng |
Cuối tháng 6, đầu tháng 7 năm nay, tỉnh Bến Tre đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế và lễ vinh danh nhà giáo, thầy thuốc, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu - người được UNESCO công nhận danh nhân văn hóa cùng lúc với nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Còn tỉnh Nghệ An sẽ tổ chức các hoạt động trên vào tháng 11 này, trong đó, Hội thảo khoa học quốc tế về Hồ Xuân Hương với tên gọi “Nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772 - 1822) - Danh nhân văn hóa, thi hào và giá trị di sản”. PGS.TS. Biện Minh Điền là người thảo thư mời các nhà khoa học tham gia hội thảo, đồng thời là người chịu trách nhiệm lựa chọn, biên tập, tổ chức bản thảo các tham luận và cấu trúc kỷ yếu hội thảo…
PGS.TS Biện Minh Điền biên tập các tham luận tham gia Hội thảo khoa học quốc tế về Hồ Xuân Hương. Ảnh: Minh Quân |
PGS.TS Biện Minh Điền chia sẻ: “Sau khi thư mời được gửi đi, tôi cảm nhận được một bầu không khí sôi nổi tìm hiểu, nghiên cứu về Hồ Xuân Hương, từ công chúng bình thường đến các nhà khoa học, từ các trường phổ thông đến các trường đại học, các viện nghiên cứu, từ trong nước đến nước ngoài.
Đến nay, Ban Tổ chức đã nhận được 105 tham luận; ngoài các tham luận của các học giả trong nước, có nhiều tham luận của các học giả nước ngoài như John Balaban, Lady Borton (Mỹ), Jean Ristat (Pháp), Constantin Lupeanu, Adriana Furuna (Rumani)… hay các học giả người Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài như GS.TS. Ngô Thanh Nhàn, nhà nghiên cứu Phạm Trọng Dũng, TS. Phạm Trọng Chánh…
Các tham luận đã cung cấp nhiều nguồn tư liệu mới, nhiều góc nhìn mới về Hồ Xuân Hương; nhiều lý thuyết mới được vận dụng để tìm hiểu, nghiên cứu về Hồ Xuân Hương; nhiều khảo cứu mới về văn bản thơ Hồ Xuân Hương với quan điểm khoa học rõ ràng, đáng tin cậy. Ngoài ra, còn có những liên hệ, đối sánh với nhiều hiện tượng văn hóa trên thế giới, không chỉ trong khu vực mà còn cả ở châu Âu, châu Mỹ…, để khẳng định rằng, Hồ Xuân Hương là hiện tượng văn hóa kiệt xuất của nhân loại”.
Được UNESCO vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh, năm mất là chuyện không dễ và là niềm tự hào lớn. Nhưng điều quan trọng hơn nhiều, là từ đây, cơ hội và những đường hướng mới trong tiếp cận danh nhân và giá trị di sản họ để lại (cụ thể ở đây là trường hợp Hồ Xuân Hương) chắc chắn được mở ra, không chỉ cho người Việt mà cho mọi con người trên trái đất.