Khắc phục sớm nhất vướng mắc về cơ chế, thủ tục, không để ảnh hưởng tới sức khỏe người dân
11/6/2022 8:26:43 PM

Cần giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; phản ứng chính sách kịp thời trước các diễn biến của tình hình, khắc phục khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục trong thời gian ngắn nhất, không để ảnh hưởng tới sức khỏe người dân và các hoạt động kinh tế-xã hội.

Sáng 6/11, báo cáo tại Phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, đại diện Bộ Y tế cho biết, tính đến ngày 30/10/2022, trên thế giới ghi nhận hơn 635,3 triệu ca mắc Covid-19, trên 6,59 triệu trường hợp tử vong. Trong 7 ngày vừa qua, có 16 nước, vùng lãnh thổ ghi nhận số ca tử vong cao (từ 100 ca trở lên)- cho thấy đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường.

Ở nước ta, đến nay đã ghi nhận trên 11,5 triệu ca mắc, hơn 10,6 triệu người khỏi bệnh (92,2%) và hơn 43.000 ca tử vong (0,38%). Tháng 10, cả nước ghi nhận 24.283 ca mắc mới, giảm 64,8% so với tháng trước; 15 ca tử vong, giảm 16 ca. Đáng chú ý, trong nước cũng đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng, mới nhất là biến thể phụ BA.2.75.

Đối với công tác tiêm vắc-xin, tính đến hết ngày 2/11/2022, Việt Nam đã triển khai tiêm được hơn 262 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19. Trong đó, tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%; tỷ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 78,9% và 83,2%; tỷ lệ tiêm mũi 3 người từ 12 đến dưới 18 tuổi là 63,8%; tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 88,9% và 62,1%. Riêng trong tháng 10, cả nước tiêm được 1,9 triệu liều vắc-xin, trung bình mỗi ngày tiêm được 60.000 liều, giảm so với trung bình tháng 9/2022 (100.000 liều/ngày), tháng 8/2022 (350.000 liều/ngày) và tháng 7/2022 (430.000 liều/ngày).

Tại Phiên họp, các đại biểu cho rằng, đến nay công tác phòng chống dịch Covid-19 được thực hiện đúng hướng, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Nhờ đó, dịch bệnh được kiểm soát trên phạm vi cả nước, tạo điều kiện phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững; được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Các đại biểu cũng chỉ rõ những khó khăn, hạn chế như: Một số nơi chưa quyết liệt trong phòng chống dịch; công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện phòng chống dịch chưa đồng đều, chưa nhất quán; các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc cùng với ngành Y tế; có tâm lý chủ quan, lơ là; tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó dự đoán…

Do đó, các đại biểu đề nghị ngành Y tế và các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục theo dõi chặt, đánh giá, phân tích tình hình, chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với mọi tình huống của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch; tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vắc-xin; sẵn sàng và tổ chức tốt công tác thu dung, điều trị; bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng chống dịch; đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai nghiên cứu, sản xuất vắc-xin, sinh phẩm, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế...

Nêu ý kiến tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, chúng ta đã làm rất tốt công tác phòng chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội. “Quốc hội, các tổ chức quốc tế đánh giá cao các thành tựu này; và gần đây thế giới cũng như trong nước đều đánh giá rất cao việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 ngày 11/10/2021 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Năm 2022, dự kiến tăng trưởng GDP cả nước đạt 8%, hơn 10 tỉnh, thành phố tăng trên 10%, trên 40 địa phương tăng trưởng hơn 6%, có tỉnh từng có dịch Covid-19 rất nặng như Bắc Giang, Khánh Hòa dự kiến tăng trưởng hơn 20%”- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thông tin.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán; cũng như xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trước dịch bệnh. Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không để dịch chồng dịch; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; cần nâng cao tinh thần chủ động, khả năng phòng chống dịch, nhất là thúc đẩy việc tiêm vắc-xin.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh tiêm chủng vắc-xin theo các mục tiêu đã đề ra, có phương án bảo đảm, phân bổ kịp thời vắc-xin đáp ứng yêu cầu của các địa phương; tăng cường đôn đốc, hỗ trợ, hướng dẫn và thúc đẩy việc tổ chức tiêm vắc-xin tại các địa phương theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả. “Bộ Y tế có kế hoạch cụ thể, thực hiện nghiêm túc kết luận của Chính phủ, Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ về mua vắc-xin; không để thiếu vắc-xin, nếu để thiếu vắc-xin, Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm”- Thủ tướng lưu ý.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu cần giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Phải khắc phục khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục trong thời gian ngắn nhất, rút ra bài học kinh nghiệm và quyết tâm làm bằng được. Các quy định không thể bao phủ hết góc cạnh cuộc sống, trong khi thực tế có những diễn biến nhanh, khó lường, chưa có tiền lệ, nên các bộ, ngành, địa phương phải bám sát thực tiễn, cập nhật tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, tránh làm ảnh hưởng tới sức khỏe người dân và các hoạt động kinh tế-xã hội.

“Phát huy tinh thần đoàn kết, tinh thần chủ động, sáng tạo, sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan để giải quyết các vướng mắc, bất cập, khó khăn, thử thách có thể gặp phải trong tình hình hiện nay. Việc thuộc thẩm quyền cấp nào thì cấp đó phải giải quyết, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp tổ chức tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP và Nghị quyết số 30 của Quốc hội khóa XV về cơ chế, chính sách phòng chống dịch Covid-19, đề xuất điều chỉnh và có cơ chế chính sách mới phù hợp với tình hình, bối cảnh mới. Đồng thời, chủ động hơn nữa trong công tác truyền thông; lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu; khuyến cáo, hướng dẫn người dân tin tưởng, ủng hộ, chủ động tham gia các biện pháp phòng chống dịch.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh