Uống rượu vẫn lái xe
Trưa 6/1, chúng tôi có mặt cùng tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 1 (Phòng CSGT Công an tỉnh) làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tại Km 29 Quốc lộ 48 thuộc địa phận xã Đông Hiếu, thị xã Thái Hòa. Ghi nhận chỉ hơn 1 tiếng đồng hồ, đã có 2 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn bị lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện theo quy định.
Vào hồi 13h05’, kiểm tra xe ô tô mang biển kiểm soát 37K-123xx do anh N.K.K (SN 1980), trú tại huyện Quỳ Châu điều khiển, tổ công tác phát hiện anh K. có nồng độ cồn là 0,23mg/lít khí thở. Anh K. cho biết, khi xuống nhà anh em ở xã Quỳnh Tam (Quỳnh Lưu) chơi, buổi trưa có uống mấy ly rượu, không nghĩ lại vượt ngưỡng cho phép. “Với mức phạt 7 triệu đồng, tước GPLX 11 tháng, nghĩa là Tết này tôi sẽ không được điều khiển xe ô tô, kế hoạch đi chơi xa của cả gia đình cũng phải hủy bỏ, nhưng cũng là bài học kinh nghiệm đối với tôi”, anh K. nói.
Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 1 kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện. Ảnh: Đình Tuyên |
Trung tá Cao Đăng Hùng - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 1 cho biết: Phần lớn lái xe đồng tình với việc cần kiểm soát chặt, bởi nếu để những người đã uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông sẽ là mối họa cho nhiều người khác. Tuy nhiên, vẫn còn số ít lái xe say xỉn cự cãi, tìm lý do để biện minh cho hành vi vi phạm của mình.
Trên thực tế, việc uống rượu rồi vẫn cầm lái vì cho rằng mình chưa say… là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Theo một bác sỹ tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể, song theo ghi nhận chung số ca cấp cứu liên quan đến TNGT trên địa bàn vào những tháng cuối năm có phần tăng hơn, đặc biệt là TNGT do sử dụng rượu, bia, trong đó, gồm cả trường hợp bị tai nạn và gây tai nạn do sử dụng rượu, bia trước khi lái xe. Bác sỹ này cho biết thêm, theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, rượu, bia làm chậm khoảng 10-30% tốc độ phản ứng, đồng thời, hạn chế khả năng phối hợp giữa các bộ phận cơ thể, hạn chế khả năng nhận biết vật từ xa, tầm nhìn ban đêm giảm tới 25%...
Theo người nhà anh M.T.T, trú ở TP.Vinh, hiện nằm điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, dù vụ tai nạn xảy ra cách đây hơn 1 tháng, nhưng đến nay anh T. vẫn phải nằm điều trị, chi phí lên đến cả trăm triệu đồng. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do sau khi uống rượu, trên đường từ thị trấn Quán Hành về Vinh, anh T. đã đâm vào cột mốc bên đường khiến chấn thương sọ não. “Cũng may thời điểm vào buổi trưa, người tham gia giao thông ít, nếu không khó có thể lường trước”.
Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 5 kiểm tra giấy tờ lái xe. Ảnh: Đ.C |
Kiểm soát chặt, xử lý nghiêm
Thống kê của lực lượng chức năng, trong số các vụ tai nạn xảy ra thì có 15% số vụ TNGT nghiêm trọng có nguyên nhân do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia dẫn đến mất khả năng tập trung rồi đi sai phần đường, làn đường, không làm chủ tốc độ, không chú ý quan sát, tránh vượt sai quy định… Bởi vậy, trong kế hoạch tuần tra, kiểm soát, vi phạm nồng độ luôn được xử lý nghiêm. Riêng trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2023 đã có 45 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý.
Trong kế hoạch tuần tra, kiểm soát trước, trong và sau Tết, lực lượng CSGT tỉnh tiếp tục huy động và bố trí lực lượng, phương tiện, sử dụng triệt để các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ tổ chức tuần tra, kiểm soát, phát hiện, để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT, trong đó, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Các đội, trạm phối hợp với Công an các địa phương tích cực tuyên truyền và triển khai kiểm tra, xử lý thường xuyên trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, tập trung kiểm tra mạnh vào buổi trưa, tối, các ngày nghỉ, ngày lễ và các tuyến đường có lưu lượng người tham gia giao thông đông. Ngoài ra, lực lượng CSGT Công an 21 huyện, thành, thị đồng loạt triển khai các tổ công tác để kiểm tra, xử lý các lỗi vi phạm nói chung, trong đó có vi phạm về nồng độ cồn trên tất cả các tuyến đường do địa phương quản lý.
Đây cũng là một trong những nội dung trọng tâm được đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh quán triệt tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác bảo đảm TTATGT năm 2022 diễn ra sáng 23/12, cũng như tại Công điện số 34/CĐ-UBND ngày 29/12/2022 của UBND tỉnh Nghệ An về tăng cường công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023.
Theo đó, yêu cầu lực lượng CSGT tập trung kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông như: người điều khiển phương tiện trong cơ thể có chứa chất ma túy, vi phạm tốc độ trên đường bộ; phương tiện chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, phương tiện kinh doanh vận tải hành khách chở quá số người quy định…, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn.
Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 1 tuyên truyền cho chủ nhà hàng. Ảnh tư liệu: Đình Tuyên |
Đảm bảo thực hiện nghiêm túc, nghiêm minh các quy định và bất cứ ai vi phạm cũng đều bị xử lý. Nếu người vi phạm là đảng viên, lực lượng vũ trang, cán bộ, công chức Nhà nước thì thông tin với cơ quan, đơn vị công tác để phối hợp xử lý. Đặc biệt, nghiêm cấm cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tác động, can thiệp đến việc kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông của lực lượng chức năng theo Chỉ thị số 19/CT-UBND, ngày 20/9/2022 của UBND tỉnh.