XÂY DỰNG ĐÔ THỊ VĂN MINH – CÔNG DÂN THÂN THIỆN TẠI THÀNH PHỐVINH - TỈNH NGHỆ AN - NHỮNG KINH NGHIỆM BƯỚC ĐẦU

Tham luận của đ/c Hoàng Đăng Hảo - Phó Bí thư - Chủ tịch UBND Thành phố Vinh

Kính thưa các quý vị đại biểu!

Kính thưa các đồng chí và các bạn!

Trước hết cho phép tôi được thay mặt cho Lãnh đạo Thành phố Vinh xin gửi tới quý vị lời chúc sức khoẻ, hạnh phúc và lời chào trân trọng nhất!

Kính thưa các quý vị đại biểu!

Kính thưa các đồng chí và các bạn!

Đất nước ta đang chuyển mình trong thời kỳ hội nhập quốc tế với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sau hơn 20 năm đổi mới chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng. Vị thế của dân tộc ngày càng được khẳng định trên trường Quốc tế và đang được bạn bè năm châu ghi nhận và ủng hộ.

Góp phần quan trọng cùng với sự phát triển của Đất nước là sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của các đô thị. Đến với các đô thị hôm nay của chúng ta đâu đâu cũng có các khu công nghiệp, trung tâm thương mại, các khu đô thị mới mọc lên từng ngày. Nhiều dự án phát triển hạ tầng đô thị được đầu tư, những tuyến đường mới, toà nhà cao tầng, sân bay, nhà ga, bến cảng hiện đại đang làm thay đổi diện mạo đô thị. Sự phát triển đô thị đã mang lại cho người dân được hưởng thụ chất lượng cuộc sống tốt hơn, dịch vụ xã hội được đáp ứng ngày càng đầy đủ. Kinh tế đô thị phát triển, tăng thu nhập quốc dân và tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Đời sống văn hoá tinh thần của cư dân đô thị ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển của đô thị là các vấn đề nổi cộm đang xảy ra hàng ngày như: quản lý quy hoạch đô thị, văn minh đô thị,…rất cần được các ngành, các cấp quan tâm giải quyết.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Kính thưa các đồng chí và các bạn!

Với chủ đề Hội thảo: “Văn minh đô thị, công dân thân thiện” và quá trình phát triển với những kinh nghiệm của Thành phố Vinh, tôi xin được tham gia một số nội dung sau:

Văn minh đô thị được hiểu là thái độ ứng xử của cộng đồng cư dân đô thị đối với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Một đô thị có văn minh là nơi đó con người biết bảo vệ, chăm lo môi trường sống, có ý thức cao vì cộng đồng chung, là nơi đó con người ứng xử có văn hoá với nhau, cùng bảo vệ và phát huy các giá trị văn hoá tốt đẹp.

Khi nghiên cứu về văn minh đô thị của các đô thị Việt nam nói chung, đô thị Miền Bắc nói riêng chúng tôi nhận thấy một số vấn đề có ảnh hưởng rất lớn đến văn minh đô thị cần quan tâm giải quyết. Đó là nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, khu vực công cộng để sản xuất, kinh doanh lộn xộn, nhếch nhác. Rác thải đổ bừa bãi nơi công cộng; tình trạng vi phạm luật giao thông như đi xe vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, dành đường vượt ẩu; Quảng cáo rao vặt in, dán tuỳ tiện mất mỹ quan, chiếm dụng lòng đường gây ùn tắc giao thông…v..v. đã và đang diễn ra hàng ngày gây ảnh hưởng rất lớn đến diện mạo đô thị của chúng ta. Nguyên nhân chính gây ra tình trạng này cơ bản là do ý thức con người. Cư dân đô thị của chúng ta phần lớn xuất phát từ nông dân, chưa thoát khỏi tư duy tiểu nông, chưa sẵn sàng với cơ chế đô thị. Bên cạnh đó là việc quan tâm giải quyết các vấn đề đô thị của chính quyền các cấp chưa thực sự quyết liệt và hiệu quả, cùng với quyền lực được giao của chính quyền đô thị trong công tác quản lý còn nhiều hạn chế.

Nhận thức rõ được yêu cầu giải quyết các vấn đề đô thị nói trên,   ngay từ năm 2005, Thành uỷ Vinh đã có nghị quyết số 06/ NQ-Th.U về xây dựng văn hoá đô thị Vinh giai đoạn 2006 – 2010. Đây là nghị quyết khởi đầu, mang tính chiến lược để từng bước xây dựng văn minh đô thị trên địa bàn Thành phố Vinh. Và từ đó đến nay, Văn minh đô thị luôn là chủ đề hàng đầu của Thành phố trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Trước hết là làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục:

Để xây dựng văn hoá đô thị, đầu tiên là đẩy mạnh công tác tuyên truyền xây dựng nhận thức và trước hết là xây dựng nhận thức cho đội ngũ cán bộ. Thành phố đã tổ chức nhiều diễn đàn, chuyên đề, hội thảo, tập huấn… về văn hoá đô thị, về Nghị quyết 06 của Thành uỷ để nắm vững lý luận và phương pháp thực hiện cho đội ngũ cốt cán. Tổ chức sơ kết 4 năm thực hiện Nghị quyết để thấy rõ hơn về thực trạng nhận thức và hành động của cấp uỷ trong việc lãnh đạo thực hiện văn hoá đô thị. Đặc biệt là kiểm điểm về nhận thức và tổ chức thực hiện của các cấp chính quyền từ Thành phố đến phường, xã. Quán triệt tinh thần xây dựng văn hoá đô thị là nội dung cơ bản, xuyên suốt, thường xuyên của từng ngành, đơn vị, từng phường, xã. Vì vậy 100% ban ngành, đơn vị, phường, xã đã xây dựng chương trình hành động và thực hiện có hiệu quả.

Việc xây dựng nhận thức cho cộng đồng dân cư là nhiệm vụ tuyên truyền vô cùng quan trọng. Bởi trong cộng đồng hội tụ đầy đủ các tầng lớp để từ đây lan toả cho cả xã hội. Thành phố đã tổ chức tuyên truyền thường xuyên chuyên đề về văn hoá đô thị trên đài truyền thanh cơ sở, hệ thống phát thanh truyền hình của Tỉnh và Thành phố, hệ thống cổ động trực quan pa-nô, áp phích nơi công cộng với thời lượng, quy mô lớn đưa thông tin một cách đầy đủ cho người dân, đồng thời thể hiện quyết tâm lớn về xây dựng văn minh đô thị của Đảng và chính quyền. Tổ chức 2 năm một lần Hội thi Văn minh đô thị từ cơ sở khối, xóm, phường, xã đến Thành phố thu hút đông đảo nhân dân tham dự. Đối tượng tham gia hoạt động văn hoá này là học sinh, sinh viên, trí thức, lao động phổ thông, doanh nghiệp, các hộ kinh doanh. Đặc biệt là hội thi được diễn ra tại từ khối, xóm dân cư, tại các điểm công cộng, đã có tác dụng tuyên truyền rất lớn. Người dân vừa thể hiện khả năng nghệ thuật vừa thể hiện khả năng hiểu biết của mình về văn minh đô thị để từ đó người dân thấy rõ trách nhiệm của chính mình với cộng đồng.

Cùng với việc tuyên truyền giáo dục về nếp sống văn minh đô thị, Thành phố còn tập trung tuyên truyền, giáo dục về lịch sử, truyền thống và những nét đẹp của quê hương. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, thi viết, vẽ về lịch sử, truyền thống cho thiếu niên, học sinh; tổ chức nhiều hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật như: sáng tác ca khúc, sáng tác thơ, sáng tác mỹ thuật, ảnh nghệ thuật,…về Thành phố, phổ biến rộng rãi các tác phẩm viết về đề tài quê hương trên các phương tiện truyền thông để công dân thân thiện hơn với thành phố và có ý thức trách nhiệm hơn trong việc xây dựng Thành phố văn minh.

Trong thời gian tới, Thành phố sẽ tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền giáo dục riêng nhằm vào từng loại đối tượng cụ thể với các hình thức tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu dễ nhớ, tạo thuận lợi cho người dân thực hiện. Như giáo dục về luật giao thông, ứng xử văn hoá giao cho các học sinh từ bậc tiểu học trở lên đến Đại học, những lái xe, những người làm dịch vụ vận tải, tài xế taxi, xe ôm…. Tuyên truyền giữ gìn vệ sinh môi trường cho các cộng đồng dân cư. Tuyên truyền văn minh thương mại cho các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh. Tuyên truyền không lấn chiếm hành lang, vỉa hè, bảo vệ cây xanh cho các hộ dân cư ở mặt phố.v.v..Đặc biệt là cách chương trình sẽ được thực hiện tại những nơi công cộng như: Vườn hoa, công viên, bến xe, ga tàu….

Hai là tăng cường thực thi Pháp luật về trật tự đô thị

Để có văn minh đô thị, công dân thân thiện, cần phải thực hiện áp lực pháp luật. Ngoài giáo dục ý thức thì xử phạt các vi phạm cũng góp phần tạo ra thói quen sống có văn hóa và văn minh, tôn trọng người khác và cộng đồng. Khi ứng xử văn hóa đã trở thành nề nếp, thói quen thì bất cứ ở môi trường nào tính tự giác của ngươi dân cũng được phát huy tốt nhất. Để thực hiện được việc này, Thành phố đã xây dựng ban hành các văn bản quản lý về trật tự đô thị như: Nghị quyết của Hội đồng nhân dân k ỳ h ọp thứ 13 về việc cấm một số hành vi vi phạm về trật tự đô thị như thả rông trâu bò, đổ VLXD, rác thải xây dựng, dựng rạp cưới, rạp tang trên đường; Quy định tạm thời về quản lý các hoạt động dịch vụ văn hoá thể thao, ăn uống; các chỉ thị về quản lý dịch vụ ăn đêm, dịch vụ văn hóa, quảng cáo rao vặt…và hiện tại đang chuẩn bị ban hành, thực hiện Quy chế quản lý đô thị. Song song với việc xây dựng ban hành văn bản QPPL là công tác tổ chức xử lý các vi phạm trật tự đô thị được Thành phố đặc biệt quan tâm. Thành phố có đội Thanh tra đô thị Thành phố và 25 Đội quy tắc của 25 phường, xã thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh vi phạm các hành vi vi phạm văn minh đô thị. Mỗi tuần một đến hai lần, 100% phường, xã ra quân cùng với Thanh tra đô thị Thành phố tổ chức giải toả hành lang vỉa hè, liên tục xử lý vi phạm, tháo dỡ, dọn dẹp lòng đường, hè phố. Đoàn kiểm tra liên ngành văn hoá Thành phố, và các phường xã kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm các hành vi thiếu văn hóa, các hoạt động quảng cáo tùy tiện. Do vậy, vỉa hè các tuyến phố của Thành phố Vinh cơ bản đảm bảo được sự thông thoáng cần thiết.

Ba là: Xây dựng văn hoá đô thị, công dân thân thiện phải từ sự nghiêm minh của chính quyền.

Nhận thức được vấn đề này, Thành phố đã có nhiều biện pháp chỉ đạo Cơ quan UBND Thành phố các ban ngành, đoàn thể, các đơn vị phường, xã xây dựng văn hoá công sở với phương châm “ Kỷ cương” hàng đầu. Chấn chỉnh nghiêm mệnh lệnh hành chính, kỷ luật lao động, xây dựng văn hoá ứng xử đúng mực, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo đúng thời gian, kỷ luật thích đáng cán bộ vi phạm. Hiện đại hoá công sở, thực hiện tốt cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân khi giải quyết thủ tục hành chính. Người dân khi tiếp xúc với chính quyền đều được thấy được sự chuyển biến rõ rệt về văn hoá công sở. Quản lý tốt đội ngũ cán bộ làm công tác giữ gìn trật tự đô thị, xử lý vi phạm trật tự đô thị nghiêm minh. Không có các ngoại lệ hay chiếu cố, tạo công bằng cho mọi người dân khi sử dụng những tiện ích chung và công trình chung. Do vậy người dân đã yên tâm hơn với chính quyền và tự nguyện thực hiện các quy định về trật tự đô thị.

Bốn là: Tạo điều kiện cho người dân thực hiện văn minh đô thị:

Khi môi trường sống chưa được đảm bảo đầy đủ còn gặp nhiều bất tiện kẹt xe, ngập nước, thiếu nhà vệ sinh công cộng,… rất dễ khiến người ta có những cách ứng xử thiếu văn hoá. Trong thời gian qua, Thành phố Vinh đã tập trung cao cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng và công trình kỹ thuật. Cùng với việc đầu tư của Thành phố và Tỉnh, việc huy động nguồn lực đầu tư các công trình kỹ thuật với tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm đã đạt được kết quả tốt đẹp. Hệ thống đường giao thông, đèn chiếu sáng, mương thoát nước của Thành phố đã cơ bản hoàn chỉnh. Hành lang vỉa hè đường được lát gạch block hơn 90%; 100% khối, xóm có nhà văn hoá; lắp đặt hệ thống thùng rác công cộng, xây dựng vườn hoa, công viên sạch đẹp, trồng mới cây xanh, tạo không gian thông thoáng và các điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong sinh hoạt để từ đó người dân có điều kiện tốt hơn để thực hiện nếp sống văn minh đô thị

Năm là: Xây dựng phong trào quần chúng:

Xây dựng văn minh đô thị, công dân thân thiện từ các phong trào quần chúng được quan tâm đúng mức. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; Thành phố đã xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng danh hiệu GĐVH, khối, xóm văn hoá” với quan điểm đưa nếp sống văn minh đô thị gắn vào các tiêu chuẩn bình xét công nhận danh hiệu. Hàng năm Thành phố tổ chức kiểm tra, phúc tra lại toàn bộ các khối xóm đã đạt danh hiệu và đăng ký công nhận danh hiệu. Khối xóm nào vi phạm các tiêu chuẩn đều bị thu hồi danh hiệu. Cùng với phong trào này, Phong trào”Toàn dân tham gia tự quản đô thị” ; Phong trào xây dựng “Ngõ phố văn minh” được triển khai rộng rãi và được nhân dân ủng hộ. Tuy thời gian triển khai các phong trào này chưa được nhiều nhưng đã cho kết quả tốt đẹp. Thực sự các phong trào này đã có  tác dụng rất tích cực trong việc xây dựng văn hoá đô thị.

Với các việc làm như trên, nếp sống văn minh đô thị cuả Thành phố Vinh đang dần được cải thiện đáng kể. Bộ mặt đô thị đang dần biến đổi theo thời gian. Tuy nhiên kết quả vẫn chưa đạt được theo yêu cầu mong muốn, nhưng xác định được việc xây dựng văn minh đô thị, công dân thân thiện là một quá trình lâu dài, kiên trì và nhiều khó khăn, nên trong thời gian tới Thành phố Vinh sẽ tăng cường mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp đã thực hiện, xây dựng một Thành phố Vinh văn minh, phát triển, hoà cùng với sự phát triển tốt đẹp của các đô thị bạn. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Tôi đề nghị Hiệp hội đô thị Việt Nam cần có kiến nghị cụ thể với Chính phủ để tăng cường trách nhiệm, quyền hạn của chính quyền đô thị đối với lĩnh vực quản lý đô thị, đặc biệt là đối với các đô thị vừa và lớn trực thuộc Tỉnh. Tổ chức nhiều hơn các đợt sinh hoạt về chuyên đề xây dựng văn minh đô thị để cùng nhau trao đổi, học hỏi kinh nghiệm cùng nhau phát triển.

Hy vọng rằng, với một số việc làm nói trên tuy chưa được thực sự hay và đặc sắc của Thành phố Vinh nhưng tôi cũng xin được trao đổi cùng quý vị để góp phần cho đợt sinh hoạt này thành công. Thiết nghĩ rằng, những việc làm của chúng ta hôm nay đang chỉ mới dừng lại ở mức độ vừa làm, vừa học tập và tích luỹ kinh nghiệm. Nếu các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng tốt được văn minh đô thị thì các đô thị còn lại của chúng ta sẽ có điều kiện thuận lợi  hơn  trong giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, mặc dù vậy tôi nghĩ rằng với quyết tâm cao, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng được văn minh đô thị với khả năng của chính mình. Nhân dịp này tôi xin đưa ra thông điệp của Thành phố Vinh là:

“Xây dựng văn minh đô thị, công dân thân thiện bắt đầu từ bạn, từ tôi và từ tất cả mỗi chúng ta”.

Một lần nữa xin kính chúc quý vị sức khoẻ, hạnh phúc và thành công, dành nhiều thắng lợi trong việc xây dựng văn minh đô thị!

Xin trân trọng cảm ơn!

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh