Trẻ em "nghiện" game và vấn nạn

Có thể nói hiện tượng "nghiện" chơi game trong giới trẻ là một trong những vấn đề bức xúc nhất hiện nay. Các con nghiện hầu hết là thế hệ 9X - tuổi học sinh phổ thông.

Tại sao trẻ "nghiện" chơi game?
 
Với những đòi hỏi ngày càng cao từ gia đình, nhà trường, xã hội, giới trẻ hiện nay không khỏi có cảm giác mất đi khả năng làm chủ những gì xảy ra xung quanh và chính bản thân chúng. Chỉ khi ngồi trước màn hình vi tính chúng mới có cảm giác dành lại được khả năng kiểm soát mọi thứ trên đời.
 
Biết rằng đó là thế giới ảo, những cảm xúc mà chúng thấy được khi say sưa bấm phím hoặc di chuyển con trỏ là thật. Các trò chơi hiện nay được các "phù thủy" game thiết kế sống động như thật.
 
Thậm chí đối với những bộ óc non nớt thì nó còn thật hơn cả cuộc sống hàng ngày. Các nhà thiết kế cừ khôi đã khái quát hóa đời sống, phóng chiếu nó với độ rõ nét và sinh động cực lớn.
 
Ảnh minh họa
 
Cuộc sống trong các trò chơi điện tử mang lại cảm xúc mạnh, "rất đã", khiến đứa trẻ sau khi rời màn hình chỉ thấy cuộc sống xung quanh mình trở nên tẻ nhạt, nhàm chán. Khi trò chơi được hiển thị lên màn hình bạn có thể điều khiển các nhân vật trong trò chơi tuân theo ý muốn và trí tưởng tượng của mình.
 
Bạn có thể điều chỉnh trò chơi bằng cách lựa chọn hành động một cách thoải mái. Cảm giác làm chủ giả tạo này có sức hấp dẫn như ma lực, đưa bạn vào “sống" trong thế giới ảo do chính mình tạo ra một cách đam mê, thoả thích.
 
Các trò chơi loại này đánh trúng một điểm: Con người nói chung thích cảm giác được làm chủ và thấy bất lực, bi quan nếu mọi việc không theo ý mình.
 
Một lý do khác khiến giới trẻ thích trò chơi điện tử là vì nó mang lại kết quả tức thì. Chỉ trong nháy mắt với vài thao tác đơn giản, chúng có thể trở thành "người quan trọng hơn", “giàu có hơn", “thành công và giỏi giang hơn"...
 
Game đặc biệt có sức hấp dẫn với những đứa trẻ có cảm giác bị bỏ rơi, lạc lõng, vô tích sự trong cuộc sống (như thiếu sự quan tâm, thương yêu của bố mẹ, bị bạn bè bắt nạt, học hành yếu kém, thầy cô khiển trách...).
 
Các trò chơi trong thế giới ảo mang lại cho những đứa trẻ bị tổn thương này cảm giác lấy lại những điều đã mất và chúng trở thành “người hùng" oai phong không hề bị ai coi thường, sẵn sàng "xử đẹp" bất cứ kẻ nào đáng ghét.
 
Điều tai hại là các nhà thiết kế sản xuất, kinh doanh game do bị "mờ mắt” vì siêu lợi nhuận nên đã bất chấp tất cả. Họ ngày càng cung cấp nhiều sản phẩm game độc hại. Đó là các chương trình game kích thích tính dữ dằn, hiếu chiến, bạo lực. Kích thích các "hành vi khiêu dâm, trụy lạc, các trò chơi cờ bạc, đỏ đen... đủ cả.
 
Trẻ em khi đã "nghiện" game thì tính cách bắt đầu đổi khác: đờ đẫn, vô hồn, vô cảm với thế giới xung quanh do triền miên mất ngủ vì thức chơi game và sống theo ảo giác. Sức khỏe sa sút do ăn uống thất thường, thiếu ngủ, thiếu hoạt động. Chán học, bỏ học thường xuyên vì thế lực học kém hẳn.
 
Dần dần xem việc học như là một cực hình. Nói năng tục tĩu, tính nết cục cằn, ngại tiếp xúc và trầm cảm. Tính giả dối, thiếu trung thực bắt đầu xuất hiện. Để có tiền chơi game chúng phải dùng các chiêu lừa bố mẹ (như xin tiền đi học thêm, đóng quỹ lớp, sinh nhật bạn... thường xuyên).
 
Hơn thế nữa là cắm xe cho các hiệu cầm đồ, vay tiền người thân, trộm cắp, xin đểu và rồi bỏ nhà đi mấy ngày, mấy tuần... Các trẻ rơi vào hoàn cảnh này rất dễ bị đối tượng xấu dụ dỗ, mua chuộc, lợi dụng lôi kéo vào các băng cướp, buôn bán sử dụng chất ma túy.
 
"Nghiện" game và vấn nan của nó đã hiển hiện khắp mọi nơi, ngày càng nhiều đối với tuổi trẻ học đường. Cùng với ma túy, HIV - AIDS, "nghiện" game với giới trẻ hiện nay là quốc nạn và là quốc tế nạn. Nó đưa lại nỗ đau cho mọi gia đình, thảm họa cho xã hội, băng hoại về thể chất, trí tuệ, đạo đức, làm suy tàn giống nòi của cả một thế hệ cho mọi quốc gia.
 
Để hạn chế vấn nạn này, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của gia đình, nhà trường và xã hội. Việc xây dựng ý thức, nhận thức định hướng hành động cho trẻ nghiện game vốn đã trở thành vấn nạn trong một bộ phận lớp trẻ ngày nay.
Cao Đăng Chuyên - Congannghean.vn 
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh