Đại hội Đảng bộ TP. Vinh khóa XXII (nhiệm kỳ 2010 - 2015)-Tự tin với nhịp độ tăng trưởng kinh tế mới

5 năm (2005 -2010) chuyển động khẳng định thực sự là một "đầu tàu" tăng trưởng kinh tế của tỉnh, Thành phố Vinh đã có một giai đoạn tăng tốc vượt qua những khó khăn lạm phát, suy thoái kinh tế và hàng loạt vấn đề mới đặt ra trong hội nhập kinh tế quốc tế và nhất là khi được chính thức công nhận đô thị loại I vào quãng giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ Thành phố khoá XXI (9 - 2008).

Những chỉ số đạt được trong triển khai thực hiện 12 chương trình, đề án phát triển kinh tế trên địa bàn ở nhiệm kỳ qua thực sự tạo một dấu ấn mới  góp phần tạo niềm tin, bài học kinh nghiệm quý cho không riêng Thành phố mà tất cả các địa phương trong tỉnh.

 

 Một góc thành phố Vinh.  Ảnh: Ngọc Đức


Được Chính phủ quy hoạch trở thành trung tâm phát triển của khu vực Bắc Trung bộ, ngày càng là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư là các tập đoàn kinh tế, các doanh nhân lớn trong và ngoài nước với hàng loạt các dự án được xúc tiến ký kết, triển khai thực hiện sôi động và hiệu quả đã tạo cho Vinh một nội lực sung mãn dần phát huy lợi thế tiềm năng, phát triển mạnh mẽ.

Diện mạo đô thị mới hiện đại và hoạt động thương mại sầm uất lên từng ngày đang không ngừng lan toả tạo nên một Vinh mở rộng. Điều kiện phát triển giao thông đường bộ, đường sắt, đường không (Sân bay Vinh) và Cảng Cửa Lò phía biển cũng đã góp phần nhân lên một lợi thế tổng lực cho Thành phố Vinh đà phát triển mới.

Đã không còn hiện trạng đáng lo ngại về một sức phát triển yếu ớt của lĩnh vực công nghiệp như đầu những năm bước vào thiên niên kỷ mới. Ấy là thời điểm có nhiều hoài nghi, bi quan về hiệu quả quy hoạch, xây dựng các khu công nghiệp; các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn phần lớn loay hoay chưa có giải pháp thị trường, nâng chất lượng và sản lượng sản phẩm.

Thành phố đã có các bước đánh giá, rà soát lại và có những điều chỉnh về cơ chế chính sách riêng, đặt ra những chỉ tiêu mới sát hợp cho phát triển công nghiệp nhằm đưa lại mức tăng trưởng thực chất.

Đến nay Thành phố đã hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng và thu hút lấp đầy 100% diện tích đất cho thuê của Khu công nghiệp Bắc Vinh và 3 cụm công nghiệp Đông Vĩnh, Nghi Phú, Hưng Lộc; đang đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp Hưng Đông với diện tích 39,5 ha và quy hoạch mới tại Nghi Ân, Nghi Kim, Nghi Liên.

Đồng thời, bám sát định hướng, mục tiêu phát triển công nghiệp của tỉnh, bước vào nhiệm kỳ 2005 -2010 Thành phố đã tập trung chỉ đạo tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất công nghiệp tạo nhiều sản phẩm đáp ứng chiến lược của nhà sản xuất và nhu cầu thị trường, yêu cầu hợp tác kinh doanh đa dạng của các nhà đầu tư.

Cụ thể như tạo điều kiện mở rộng và đầu tư các dự án ứng dụng công nghệ cao, ít ô nhiễm môi trường, thu hút nhiều lao động, như: Nhà máy sản xuất bao bì SABECO Sông Lam, Nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em và dụng cụ thể thao, Nhà máy sản xuất bật lửa gas Trung Lai, Dự án công viên phần mềm của Công ty VTC o­nline,...

Đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn. Nhờ vậy một số sản phẩm tăng mạnh so với đầu nhiệm kỳ như bao bì các loại tăng 120,5%, phân NPK vi sinh tăng 71,5%, bia chai tăng 45,6%, giấy bìa tăng 37,2%, ống thép mạ kẽm tăng 28,5%, quần áo may mặc sΩn tăng 23,9%..., Một số sản phẩm mới đã xuất hiện ở cuối nhiệm kỳ như bao bì SABECO, bật lửa gas, cửa cuốn Austdoor, đồ chơi trẻ em...

Ngay sau khi chính thức được công nhận đô thị loại I, Thành phố Vinh đã nhanh chóng trở thành một trung tâm "sự kiện kinh tế" với Hội Nghị xúc tiến đầu tư vào Nghệ An đầu năm 2009, các cuộc tọa đàm xúc tiến đầu tư với các tập đoàn kinh tế, các doanh nhân lớn trong và ngoài nước mà kết quả thu hút về cho tỉnh nhà các cam kết đầu tư trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng.

Hoạt động đó sẽ là sự kiện thường niên diễn ra ở Thành phố; tạo thêm điều kiện để Thành phố tăng năng lực đầu tư trên địa bàn mở rộng biên độ kinh tế đa ngành thời kỳ hội nhập hướng mạnh tốc độ đô thị hoá.

Theo đó số lượng các hộ kinh doanh, doanh nghiệp tăng nhanh. Số liệu cho thấy, thu hút đầu tư trong nhiệm kỳ qua của Thành phố đạt khá: tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm (2005 -2010) dự ước 25.246 tỷ đồng, gấp 3 lần nhiệm kỳ trước, tăng bình quân hàng năm 14,45%; đến nay số doanh nghiệp được thành lập mới là 4.271 đơn vị, tăng bình quân 21,65 hàng năm; số hộ được cấp đăng ký kinh doanh 12.852 hộ, tăng bình quân 11,1%; các dự án trong và ngoài tỉnh được cấp phép đầu tư trên địa bàn từ giai đoạn 2006 - 2009 có 72 dự án với tổng vốn đăng ký 9.147 tỷ đồng.

Trong kinh tế đối ngoại công tác thu hút đầu tư được quan tâm thực hiện, chủ động và thay đổi phương thức tiếp cận để vận động các nhà đầu tư vào tìm hiểu và tiếp xúc đầu tư trên địa bàn. Thành phố cũng đã  thực hiện các dự án: Cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 13,6 triệu EURO, trong đó vay của Cộng hoà dân chủ Đức 9 triệu EURO; dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn quy mô 53 ha ở Nghi Yên với số vốn đầu tư 3 triệu EURO vay của Ngân hàng tái thiết Đức và 2,5 triệu USD của Chính phủ Đan Mạch; trong 4 năm 2006 -2009 có 72 dự án được cấp phép với tổng số vốn đăng ký đạt 9.174 triệu đồng.

Hiện nay Dự án phát triển đô thị Vinh bằng nguồn vốn ngân hàng thế giới với tổng mức đầu tư 125 triệu USD đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dự án và đang lập báo cáo đầu tư để kịp đàm phán hiệp định vay vốn với Ngân hàng Thế giới trong năm 2011.

Hoạt động thương mại trong nhiệm kỳ qua của Thành phố cũng đã thể hiện sự năng động mới, hàng hoá phong phú đa dạng, tiếp tục đóng vai trò quan trọng là đầu mối thương mại cho cả tỉnh và khu vực; riêng giá trị bán lẻ trên thị trường năm 2010 ước đạt 4.735 tỷ đồng, nhịp độ tăng bình quân trong 5 năm 2006 - 2010 đạt 24,6%.

Thành phố đã từng bước hình thành các hình thức dịch vụ thương mại, trung tâm thương mại, hội chợ triển lãm quy mô vùng như siêu thị BigC và văn phòng cho thuê INTIRMEX, trung tâm thương mại dầu khí, BMC, quy hoạch trung tâm thương mại và hội chợ triển lãm 20ha tại đường Nguyễn Viết Xuân.

Thành phố cũng thực hiện có hiệu quả Đề án "quy hoạch, xây dựng và phát triển hệ thống chợ, phố chuyên doanh trên địa bàn đến năm 2010" với việc xây dựng và đưa vào hoạt động chợ Vinh, chợ Vinh Tân và chợ Hưng Chính; thi công các chợ khu vực Nghi Phú, Hà Huy Tập và Bến Thuỷ (chợ đại học); thu hút đầu tư xây dựng hệ thống mạng lưới các trung tâm dịch vụ thương mại, chợ Ga Vinh và các chợ khu vực.

Từng bước hình thành các phố chuyên doanh trên địa bàn như điện thoại di động và máy vi tính ở phố Minh Khai; trang thiết bị nội thất cao cấp ở đường Trần Phú; xe máy, xe đạp ở đường Quang Trung; dịch vụ y tế ở đường Nguyễn Phong Sắc... Số lượng các ngân hàng cũng có một chỉ số tăng vượt trội, từ năm 2005 mới chủ yếu là các chi nhánh ngân hàng thương mại Nhà nước, đến nay trên địa bàn thành phố đã có 48 chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng bảo hiểm được thành lập và đi vào hoạt động.

Bước đầu hình thành trung tâm dịch vụ tài chính, ngân hàng của khu vực, đến năm 2010 tổng nguồn vốn huy động ước đạt 20.400 tỷ đồng, dư nợ cho vay ước đạt 25.500 tỷ đồng.

Nhịp độ tăng trưởng kinh tế bình quân của TP. Vinh hàng năm giai đoạn 2006 -2010 ước đạt 16,1%, tăng 3,65% so thời kỳ 2001 -2005, trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 17,5%, dịch vụ tăng 15,3%, nông - lâm - ngư nghiệp tăng 8,1%. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng 5 năm (2005 - 2010) tăng bình quân 19,5%.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: tỷ trọng ngành công nghiệp xây dựng tăng từ 37,9% lên 40,7%; dịch vụ giảm từ 605 xuống 57,7%; nông -lâm -ngư giảm từ 2,1% xuống còn 1,6%.

Sôi động nhịp độ phát triển của nội đô Vinh trong suốt một nhiệm kỳ nỗ lực bứt phá nay được minh hoạ thêm bằng những kết quả mới của sản xuất nông - ngư nghiệp của bốn phía vành đai ven đô. Nông nghiệp ngoại thành đã có bước chuyển đổi tích cực, thực hiện chuyển đổi cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá có hiệu quả đồng thời với chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất gắn luân canh, từng bước tích tụ ruộng đất, quy hoạch các vùng chuyên canh tập trung với 7 vùng đã hình thành có thu nhập bình quân trên 80 triệu đồng/ha, lãi ròng trên 30%.

Diện tích nuôi trồng thuỷ sản tăng từ 389,8 ha năm 2005 lên 536 ha năm 2010. Hạ tầng sản xuất nông nghiệp được quan tâm đầu tư, hoàn thành và đưa vào sử dụng các dự án nuôi trồng thuỷ sản như nuôi tôm ở Hưng Hoà, nuôi cá rô phí đơn tính ở Hưng Lộc; các dự án rau, hoa, cây cảnh và nuôi trồng thuỷ sản ở các phường xã Đông vĩnh, Hưng Đông, Nghi Kim, Nghi Liên, Nghi Ân, Hưng Chính... với các mô hình trang trại ngày càng nhiều góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống nông dân. Vui hơn là sản phẩm từ sản xuất nông - ngư nghiệp của bà con đã góp phần làm phong phú thêm cho lựa chọn tiêu dùng trên thị trường thành phố; mà đã, đang được dần cải thiện về chất lượng.

Tự tin với kết quả một nhiệm kỳ 2005 - 2010 chú trọng phát triển kinh tế tạo động lực quan trọng để phát triển toàn diện, Thành phố Đỏ quê hương Bác Hồ kính yêu đang thể hiện quyết tâm cao giành những thành tựu kinh tế mới trong nhiệm kỳ tới (2010 -2015) với 8 chỉ tiêu sẽ được khởi động thực hiện theo 2 phương án: đạt mức khá hoặc mức cao. Kỳ vọng bắt đầu đặt vào Đại hội nhiệm kỳ mới 2010 - 2015 với những đổi mới về chất trong định hướng và hành động.

Đ.S - Báo NA

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh