Cần có giải pháp hạn chế nguy cơ mất mùa do sâu cuốn lá
Một trong những nguyên nhân chủ yếu làm giảm năng suất và sản lượng vụ lúa hè-thu vừa rồi là do sâu cuốn lá phá hoại ở nhiều mức độ khác nhau trên quy mô lớn gần 48.000/55.000 ha lúa hè-thu toàn tỉnh. Bài học kinh nghiệm thất thiệt năng suất lúa vụ hè-thu do sâu cuốn lá phá hoại tưởng chừng như không lặp lại.
Bài học kinh nghiệm về phòng chống sâu cuốn lá vẫn còn đó, nhưng vụ lúa mùa sâu cuốn lá vẫn tàn phá hầu như trên toàn bộ diện tích lúa.
Kiểm tra lúa hè thu ở Diễn Châu. (Ảnh: Vương Đình Bảng)

Kiểm tra lúa hè thu ở Diễn Châu. (Ảnh: Vương Đình Bảng)

Toàn tỉnh đang gieo cấy trên 40.000 ha lúa mùa. Phần lớn diện tích này thuộc diện không có nguồn nước chủ động lại gặp nắng hạn kéo dài suốt mấy tháng vừa qua nên UBND tỉnh đã phải hỗ trợ nông dân giống lúa để tiếp tục gieo cấy hết diện tích sau khi có nước.

Sau khi gieo cấy xong, gặp thời tiết thuận lợi lúa phát triển nhan và hứa hẹn một vụ lúa mùa năng suất khá. Đang hy vọng như thế thì cuối tháng 8 đầu tháng 9 lứa sâu cuốn lá nở rộ gây hại trên lúa mùa ở tất cả các vùng trong tỉnh với mức độ rất lớn.

Tại huyện Nghi Lộc vụ lúa mùa gieo cấy 3.200 ha lúa, hầu hết diện tích này đã và đang bị sâu cuốn lá tàn phá nặng nề. Trong đó 1.650 ha bị nặng, nhiều điện tích sẽ không có thu hoạch. Riêng tại xã Nghi Văn gieo cấy 290 ha lúa. Thế nhưng tất cả diện tích lúa bị sâu cuốn lá phá hoại, 30 - 40% diện tích gần như bị tàn lụi không có thể chăm sóc trở lại.

Tại huyện Con Cuông hơn 1.000 ha lúa mùa gieo cấy vụ này cũng ở trong tình trạng bị sâu cuốn lá phá hoại. Theo anh Lang Văn Hưng-Trưởng phòng NN&PTNN khả năng sẽ giảm 50% sản lượng vì sâu cuốn lá. Trong đó 50-70 ha dễ mất trắng.

Huyện Đô Lương, theo anh Nguyễn Công Châu - Phó Chủ tịch UBND huyện thì vụ mùa này gieo cấy 500 ha lúa mùa chủ yếu ở vùng các xã: Minh, Mỹ, Trù, Đại, Giang, Hồng, Bài. Nhưng từ đầu tháng 9 lại nay sâu cuốn lá phá hoại nặng. Trước tình hình này bà con nông dân không muốn tiếp tục đầu tư chăm sóc nữa. Thậm chí có nơi như ở HTXNN Giang Sơn Đông, Giang Sơn Tây nông dân đã cày bừa phá 150 ha lúa chuyển sang trồng ngô đông cho chắc ăn.

Sâu cuốn lá có phải là đối tượng sâu hại không thể phòng trừ? Theo các chuyên gia bảo vệ thực vật thì sâu cuốn lá lúa là loại sâu dễ phòng trừ nhất so với nhiều loại sâu hại khác. Vấn đề cốt lõi để phòng chống tốt sâu cuốn lá là: Dự tính dự báo đúng và chính xác thời gian lứa sâu nở để phun thuốc diệt trừ ngay sau khi sâu non đang ở tuổi 1-3 bằng các loại thuốc đặc hiệu như: Ammate 150SC, Virtako 40WG, Regan 850 WG... Công việc này thường xuyên được Chi cục BVTV tỉnh và các trạm BVTV các huyện, thành, thị thực hiện nghiêm túc, kịp thời và chính xác.

Đợt sâu cuốn lá tàn phá nặng lúa mùa hiện nay được Chi cục BVTV tỉnh thông báo rất kịp thời và đề nghị UBND các huyện, thành thị chỉ đạo các HTXNN và bà con nông dân phun thuốc và phòng trừ theo hướng dẫn của Chi cục BVTV tỉnh.

Nhưng thật đáng tiếc, sau đó không những không hạn chế được sâu phát triển và phá hoại mà còn lây lan nhanh hơn, mạnh hơn, tàn phá nhiều hơn.

Vì sao vậy? Có nhiều nguyên nhân. Nhưng chủ yếu tập trung vào mấy nguyên nhân sau đây:

- Các địa phương triển khai tổ chức chỉ đạo phun thuốc phòng chống sâu cuốn lá lúa chưa kịp thời, chưa đồng loạt phun thuốc vào thời điểm sâu tuổi đã già và đã cuộn tròn lá lúa lại. Do vậy thuốc phun vào không còn tác dụng diệt sâu.

- Ban nông nghiệp xã, phường và hệ thống khuyến nông thôn bản chưa hướng dẫn thật đầy đủ loại thuốc cần được sử dụng, kỹ thuật pha chế, thời gian phun, liều lượng phun cho bà con nông dân biết để thực hiện.

Từ đó xảy ra tình trạng để cho bà con nông dân tự do mua thuốc trôi nổi trên thị trường với đủ loại thuốc thật, giả khác nhau. Thời gian phun chậm, liều lượng phun không đúng.

Từ đó có hiện tượng ngay trên một cánh đồng, cùng gieo cấy một giống lúa như ở xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc có nhiều thửa ruộng do được phun thuốc kịp thời, phun đúng thuốc, pha đúng nồng độ và phun đủ liều lượng nước thuốc nên sâu chết gần như 100% thì những ruộng này lúa vẫn xanh tốt. Bên cạnh đó, có những ruộng lúa gần như tàn lụi hầu hết do sâu cuốn lá phá hoại nặng.

Theo dự báo của Chi cục BVTV tỉnh thì cuối tháng 9 này sẽ có một lứa sâu cuốn lá tiếp tục nở rộ trên diện tích lúa mùa. Đây là lứa sâu phá hoại đúng vào lúc lúa làm đòng rất nguy hiểm.

Trước tình hình sâu hại như trên, biện pháp khắc phục tốt nhất để cứu vãn lúa mùa hiện nay cần tập trung giải quyết mấy việc làm sau đây:

Các địa phương cần chỉ đạo kiên quyết và cụ thể đến từng cơ sở sản xuất để bà con nông dân thực hiện tốt việc phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cuốn lá theo tinh thần hướng dẫn "4 đúng" của Chi cục BVTV: phun thuốc đúng lúc, sử dụng đúng thuốc, pha đúng nồng độ và phun đúng liều lượng qui định.

- Phân loại lúa để tiếp tục đầu tư chăm sóc với nhiều mức độ khác nhau bằng việc bón thúc phân đạm, kali và dùng loại phân bón qua lá để phun nhằm kích thích cây lúa tái hồi phục và tiếp tục sinh trưởng phát triển nhanh. Những diện tích lúa bị sâu phá hoại bình quân mỗi sào có thể bón thúc từ 3 - 4 kg đạm Urê + 2- 3 kg kali và phun một lượng (lọ hoặc gói) phân bón qua lá theo chỉ dẫn đã ghi ngoài bao bì. Loại lúa bị nhẹ hơn thì có thể bón với lượng phân đạm ít hơn tuỳ mức độ lúa xấu tốt, bị sâu hại nặng hay nhẹ hơn.

Những việc làm trên đây đối với vụ lúa mùa hiện nay rất cần thiết để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu cuốn lá gây nên nhằm góp phần bảo đảm an ninh về lương thực của tỉnh nhà.

Tác giả bài viết: Doãn Trí Tuệ

Nguồn tin: Báo Nghệ An

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh