Nếp sống văn hóa: Mã hóa... tiếng Việt!

(Thế hệ 8X, 9X được hiểu là các em sinh những năm 1980 về sau và 1990 trở đi. Nếu sinh 1981 thì gọi là 8X đời đầu, 1999 là 9X đời cuối... cứ thế được gom chung lại thành thế hệ “tuổi teen”.

Tên gọi này phải “dịch” sang tiếng Việt một lần nữa mới hiểu là giới trẻ, từ đây mang một nghĩa rất hình tượng là thế hệ @. Mệt thế đấy, “Tây, ta” lẫn lộn nên ngôn ngữ các em dùng giao tiếp với nhau không chỉ khi chat trên mạng mà thể hiện bằng văn bản giấy trắng mực đen cũng rối rắm, kỳ quặc,  người lớn  “hiểu chết liền”.

Hiện nay đang nóng lên vấn đề “tuổi teen” dùng ngôn ngữ biến dạng, méo mó trong giao tiếp khiến tiếng Việt không còn trong sáng mà bị lệch chuẩn. Hiện tượng này ngày càng phổ biến, mang tính lây lan dây chuyền trong giới trẻ mà hầu hết đều là học sinh, có cả sinh viên, làm cho các bậc phụ huynh lo ngại, mọi người đặc biệt quan tâm và tất nhiên những nhà ngôn ngữ học giật mình. Không lo ngại, quan tâm và giật mình sao được khi hai  “teen” giao tiếp với nhau bằng thứ ngôn ngữ kỳ quặc sau đây:

- S4*g ney nh4^.n ddu*0*c. tjn nh4*n ku4 3m 4nh mu*g lém.
- 4nh mu*g th4^.t hey gj4 vo* ddo. Ngh3 4nh k0a 3m sug su*O*g w é.
- Bít rùi.

Dịch sang... tiếng Việt:
- Sáng nay nhận được tin nhắn của em anh mừng lắm.
- Anh mừng thật hay giả vờ đó. Nghe anh ca em sung sướng quá.
- Biết rồi.

Trên đây chỉ là những câu sơ đẳng, rất đời thường mà các “teen” giao tiếp với nhau, bảo đảm các bậc phụ huynh và người lớn có đọc thấy cũng chẳng biết đó là tiếng của nước nào, có khi còn lo lắng con em mình đã dùng  “mật mã” để trao đổi những chuyện gì bí mật ghê gớm, hoặc cứ tưởng đó là ngôn ngữ của... người ngoài hành tinh. Nếu so với chuẩn tiếng Việt thì cách sử dụng ngôn ngữ thư thế rõ ràng là... méo mó, kỳ dị, không thể chấp nhận. Tất nhiên là phải cần phê phán, thậm chí lên án.

Nhưng vấn đề phức tạp ở đây là bên cạnh làn sóng dư luận phê phán, có không ít nhà  “tâm lý học” lại phân tích theo quan niệm khác, nào là thế giới  “tuổi teen” đang trong quá trình biến đổi  “tâm, sinh lý”, các em muốn đổi mới, muốn khẳng định mình và muốn tạo ra môn ngôn ngữ riêng để giao tiếp trong phạm vi hẹp chỉ có những người cùng giới hiểu thì cũng có thể... chấp nhận được, người lớn phải cảm thông và không nên khe khắt thái quá. Rồi nào là chúng ta đang ở vào thời kỳ hội nhập, giới trẻ các nước cũng có ngôn ngữ riêng để giao tiếp với nhau, tại sao giới trẻ ở ta lại không? Huống chi ngày nay các em có điều kiện học sinh ngữ, nên việc nói, viết tiếng Việt thỉnh thoảng chêm vào những từ tiếng Anh thông dụng cũng là điều bình thường, hoặc đơn giản hóa tiếng Việt theo cách của các em, thay thế một chữ cái, hoặc một từ ngắn mà mang nhiều nghĩa cũng là một cách tiết kiệm thời gian trong đời sống công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Rồi thì việc này ngẫm ra cũng chẳng chết chóc ai...

Các bao biện như thế chỉ nói lên duy nhất một điều là muốn chứng tỏ mình sành tâm lý giới trẻ, đúng là những nhà “tâm lý học sành điệu”, chứ thật ra không thể thuyết phục được ai mà còn khuyến khích giới trẻ sa lầy vào một việc không nên làm mà hậu quả trước mắt cũng như về lâu dài rất tai hại. Hầu hết các em đều còn trong lứa tuổi học trò, môi trường giáo dục rất quan trọng, nguyên tắc sư phạm không thể được xem nhẹ để các em đi lệch chuẩn mà rèn luyện ngôn ngữ, viết đúng chuẩn tiếng Việt, trong đó có viết đúng chính tả là điều mà thầy cô phải hết sức quan tâm. Người viết bài này thấy không có lý do gì để bao biện, bênh vực cho kiểu nói và viết lệch chuẩn, làm méo mó, kỳ quặc tiếng Việt trong khi ta đang hô hào phải làm trong sáng tiếng Việt. Chính vì tiếng Việt bị các em sử dụng méo mó, kỳ dị mà một em học sinh cùng lứa “tuổi teen” học Trường THPT Trần Đại Nghĩa TP. Hồ Chí Minh đã phải kỳ công “nghiên cứu” soạn ra phần mềm V2V (Việt sang Việt) nhằm mục đích “dịch” lại thứ ngôn ngữ của “người ngoài hành tinh này” cho mọi người hiểu. Tuy nhiên với tốc độ làm “biến thái” tiếng Việt của giới “tuổi teen” thì phần mềm này cũng theo không kịp và nhanh chóng lạc hậu, khiến em học sinh nọ lại phải soạn ra phần mềm khác để  đáp ứng yêu cầu “mã hóa” ngôn ngữ của “người ngoài hành tinh” nên đến nay đã có phiên bản V2V 1.3 và V2V 1.4. Và tới đây sẽ còn phiên bản nào nữa?

Không lẽ chúng ta giáo dục thế hệ trẻ phải ngày càng “trong sáng hóa” tiếng Việt bằng cách... dịch tiếng Việt ra tiếng Việt với bộ “mã hóa” V2V mà phiên bản của nó mỗi ngày càng... dài ra?

 
  TỪ KẾ TƯỜNG - BNS
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh