Nguồn nhân lực chất lượng cao là động lực, đóng vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội, là giải pháp cơ bản đáp ứng yêu cầu hội nhập và sự cạnh tranh.
Đối với Nghệ An, đó còn là yếu tố quan trọng để hoàn thành mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI ", đưa Nghệ An thoát khỏi tình trạng nghèo và kém phát triển vào năm 2010; cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020...". Một trong những giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là phát triển các hoạt động đào tạo nghề.
|
Giờ thực hành lớp điện công nghiệp tại Trường trung cấp nghề Tiểu thủ công nghiệp Nghệ An. (Ảnh: Đình Nhật) |
Theo thống kê của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, hàng năm Nghệ An có từ 3,5 - 4 vạn người được bổ sung vào lực lượng lao động tỉnh nhà. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 1.900.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó khu vực thành thị chiếm tỉ lệ 12,3%, khu vực nông thôn 77,7%. Với số lượng lao động lớn như vậy thì vấn đề nâng cao tay nghề cho người lao động, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động đã trở thành yêu cầu cấp thiết.
Kết quả đáng ghi nhận
Trong những năm gần đây, hệ thống cơ sở đào tạo nghề ở tỉnh ta phát triển rất mạnh. Trước năm 2001, toàn tỉnh mới chỉ có 6 cơ sở đào tạo nghề với quy mô nhỏ và một số trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề thì đến nay đã có 57 cơ sở đào tạo nghề, gồm 1 trường đại học, 3 trường cao đẳng nghề, 8 trường trung cấp nghề và 45 trung tâm dạy nghề (trong đó có 16 trung tâm dạy nghề công lập và 29 trung tâm dạy nghề ngoài công lập). Ngoài ra còn có gần 10 trường chuyên nghiệp có dạy nghề khác. Các cơ sở dạy nghề có uy tín như Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật - công nghiệp Việt - Hàn, Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - công nghiệp Việt - Đức đã tranh thủ tốt các nguồn đầu tư từ nước ngoài, nâng cấp cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, mở rộng các ngành nghề đào tạo. Đặc biệt, từ năm 2008 đến nay, một số trường dạy nghề đã được đầu tư, nâng cấp hoặc thành lập mới để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của một số vùng, miền đặc thù như Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An (ở Quỳnh Lưu), Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú (đóng trên địa bàn huyện Con Cuông) và Trường Trung cấp nghề kinh tế - kỹ thuật miền Tây (đóng trên địa bàn TX Thái Hòa). Bên cạnh đó, tất cả các huyện đều có các trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề. Các ngành nghề được đưa vào chương trình đào tạo cũng được đa dạng hóa; bên cạnh các ngành nghề truyền thống như tiểu thủ công nghiệp, cơ khí, điện, may mặc... đã xuất hiện thêm những ngành nghề phục vụ thị trường lao động có tay nghề cao, cho nhu cầu xuất khẩu lao động như đóng tàu, vật liệu xây dựng, thủy điện, kỹ thuật công nghiệp... Nhờ đó đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu học nghề ngày càng tăng của người lao động. Số người được học nghề hàng năm không ngừng tăng lên. Nếu như năm 2008, các cơ sở đào tạo nghề tuyển mới 43.800 học viên thì đến năm 2009 con số đó là 66.900 học viên.
Cùng với sự phát triển về mạng lưới cơ sở đào tạo, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ, thu hút nhân lực có trình độ cao, hỗ trợ học nghề cho người lao động, tăng ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm trang thiết bị kỹ thuật cho các trường đào tạo nghề của tỉnh và các trung tâm dạy nghề ở các địa phương. Cụ thể, tỉnh đã ban hành các nghị quyết, đề án phát triển đào tạo nghề như Nghị quyết 07 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XV về phát triển đào tạo nghề, Đề án đào tạo công nhân kỹ thuật bậc cao, Đề án xã hội hóa đào tạo nghề và sắp tới là các đề án dạy nghề cho thanh niên, Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn...
Nhờ đó, kinh phí đầu tư cho đào tạo nghề hàng năm cũng tăng lên. Năm 2008 là 9 tỉ 240 triệu đồng, năm 2009 đã tăng lên 17 tỉ đồng. Đáng chú ý là theo đề án đào tạo công nhân kỹ thuật bậc cao, trong giai đoạn 2007-2010 các trường dạy nghề sẽ bổ sung cho thị trường lao động khoảng 34.000 công nhân bậc 3, 4, theo đó, kinh phí đào tạo sẽ được tỉnh đầu tư 145 tỷ đồng. Dự kiến tổng số vốn để nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị các trường dạy nghề là 112 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 59 tỷ đồng và ngân sách tỉnh là 53 tỷ đồng.
Với hệ thống cơ sở đào tạo nghề được quy hoạch phát triển và các chính sách khuyến khích có hiệu quả, hằng năm toàn tỉnh đã đào tạo cho trên 5 vạn lao động, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đến nay lên gần 40 % trong tổng nguồn lao động, trong đó đào tạo nghề 26,8%, cơ bản đáp ứng mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI. Cơ cấu ngành nghề đào tạo và chất lượng đào tạo được nâng lên từng bước đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, yêu cầu phát triển công nghệ và thị trường lao động.
Còn nhiều thách thức
Tuy đã có chuyển biến nhưng hiện nay, nhận thức về vai trò của dạy nghề, học nghề trong các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên vẫn còn nhiều hạn chế, tư tưởng "thích làm thầy hơn làm thợ" vẫn còn nặng nề.
Bên cạnh đó, hiện nay ở nhiều cơ sở dạy nghề, tình trạng cơ sở vật chất và trang thiết bị cho dạy nghề còn thiếu và lạc hậu, đặc biệt là các trung tâm dạy nghề cấp huyện và các trung tâm dạy nghề ngoài công lập, hạn chế chất lượng đào tạo. Trang thiết bị thiếu và lạc hậu cũng dẫn đến nội dung chương trình, giáo trình đào tạo chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Hiện, chất lượng lao động tỉnh nhà vẫn còn ở mức thấp. Theo khảo sát gần đây, hơn 80% học sinh tốt nghiệp các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh tìm được việc làm. Tuy vậy, hầu hết đó đều là những công việc có thu nhập thấp hoặc trung bình. Theo ông Nguyễn Văn Phượng - Trưởng phòng Quản lý đào tạo nghề (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) thì nguyên nhân chủ yếu là ở các trường hiện nay cơ cấu ngành nghề đào tạo tuy đã được đa dạng hóa nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế toàn diện. Điển hình là tình trạng nhiều trường cùng đào tạo những ngành nghề truyền thống như điện, cơ khí, giao thông vận tải, xây dựng, dệt may công nghiệp... mà lại thiếu nhiều ngành nghề kinh tế đang thiếu lao động kỹ thuật bậc cao như vật liệu xây dựng, đóng tàu... Một số ngành như động lực, đóng tàu, thủy điện... đang thiếu nhiều giáo viên nòng cốt có trình độ cao. Hơn nữa, chương trình đào tạo hiện nay ở các cơ sở còn chưa gắn với thực tiễn. Để đào tạo được công nhân lành nghề đáp ứng yêu cầu thị trường và thực tế sản xuất thì chương trình đào tạo nhà trường phải thống nhất dựa trên điều tra theo yêu cầu của các nhà máy và cơ sở sản xuất. Trong quá trình đào tạo, học sinh có thể thực tập tại các cơ sở sản xuất, sau khi ra trường đã có thể ứng dụng thành thạo ngay vào thực tiễn. Trong khi đó, tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh ta chậm, do đó chưa có nhu cầu lớn về nguồn lao động có tay nghề cao, dẫn đến đào tạo nghề chưa gắn với giải quyết việc làm. (Đây cũng là nguyên nhân khiến một số lượng lớn lao động trẻ chưa xác định được tầm quan trọng của việc học nghề, khiến cho nhu cầu học nghề trong xã hội không cao).
Theo ông Bùi Nguyên Lân - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thì để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo nghề, các ban ngành và các cấp cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, nhất là lớp trẻ về đào tạo nghề, quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Dạy nghề. Tiếp tục đầu tư đúng mức cho việc phát triển các trung tâm dạy nghề cấp huyện để bảo đảm dạy nghề cho lực lượng lao động lớn ở khu vực nông thôn, nhất là vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An. Huy động mọi nguồn lực cho đầu tư và phát triển đào tạo nghề, gắn dạy nghề với giải quyết việc làm. Chú trọng đào tạo các ngành nghề gắn với xuất khẩu lao động để giảm sức ép về việc làm cho lao động, góp phần tích cực vào xóa đói giảm nghèo.
Minh Quân
Nguồn: Báo Nghệ An