Cao nguyên đá Đồng Văn chính thức bước ra thế giới

Cao nguyên đá Đồng Văn sừng sững với những dãy núi đá tai mèo được hình thành cách đây hàng triệu năm do biến đổi của vỏ trái đất đang được “đánh thức”.

Sau hơn 1 năm chuẩn bị hồ sơ và chờ đợi kết quả, mới đây hôm 3/10 tại Lesvos (Hy Lạp), tổ chức GGN (Global Geoparks Network - Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu) đã chính thức công nhận Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) là Công viên Địa chất Toàn cầu thứ hai tại Đông Nam Á.

Trả lời trên báo Tiền Phong, PGS TSKH Vũ Cao Minh cho biết, tiêu chí chủ yếu để cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là Công viên Địa chất Toàn Cầu là những giá trị địa chất, địa mạo, văn hóa của các dân tộc trên cao nguyên đá: cảnh quan caster phong hóa hàng chục triệu năm rất đẹp; nền địa chất đa dạng; nền văn hóa địa phương phong phú.

 

Mô tả ảnh.
Đường lên Cao nguyên đá Đồng Văn.

 

Địa chất cao nguyên Đồng Văn phần lớn là núi đá vôi với các trầm tích cổ sinh địa tầng và cấu trúc địa chất có tuổi từ Cambri đến Trias. Trên Cao nguyên Đồng Văn có khoảng 40 loại đất, đá với thành phần hóa học khác nhau, nhiều loại có niên đại trên 600 triệu năm.

Cao nguyên đá còn rất đa dạng về các loại thạch địa tầng, các loại hình khoáng sản và sự đa dạng cổ sinh học với hàng nghìn loại thuộc 120 giống của 17 nhóm sinh vật.

Kết quả nghiên cứu, khảo sát của các nhà khoa học cũng phát hiện gần 40 điểm di sản thiên nhiên có giá trị tài nguyên mang ý nghĩa quốc gia, quốc tế. Trong đó, có 7 di sản về tiến hoá trái đất; 3 điểm quan sát toàn cảnh; 7 vườn đá, rừng đá; 6 điểm di sản về vách đá dốc đứng cao từ 200 - 600m; 7 di sản hang động; 5 di sản về các trũng kiến tạo karst; 3 điểm bảo tồn cổ sinh học.

 

Mô tả ảnh.
Bao đời nay, con người nơi đây vẫn cần mẫn gieo trồng trên núi đá.

 

Việc Cao nguyên Đồng Văn được công nhận là Công viên Địa chất Toàn có ý nghĩa rất lớn, tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân sở tại thông qua hoạt động du lịch, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, gia tăng nhận thức về môi trường địa chất....

Chính điều này cũng khiến người dân có ý thức bảo tồn giá trị vốn có của quê hương mình (Trước đây, việc khai thác đá bừa bãi về làm bờ rào, xây nhà, làm đường dường như là điều tất yếu của người dân Hà Giang).

Tuy nhiên, trao đổi trên báo Đất Việt, TSKH Trần Tân Văn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và khoáng sản (Bộ TN-MT) cũng bày tỏ không ít những trăn trở của mình trước sự kiện trên. Ông cho biết, việc để được GGN công nhận đã là khó và là cả một chặng đường. Rõ ràng, việc giữ gìn, bảo tồn và quảng bá nó ra thế giới cũng là điều quan trọng không kém.

Hiện tại, Việt Nam đang tìm kiếm đối tác của Đức để cử chuyên gia qua lại, trao đổi mẫu vật, giúp quảng bá hình ảnh trên các phương tiện của nhau…

 

Mô tả ảnh.
Việc bảo tồn và phát huy những gì vốn có của Cao nguyên Đồng Văn là vô cùng quan trọng.

 

Trước những thành công bước đầu là Cao nguyên Đồng Văn được công nhận là Công viên Địa chất Toàn, trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, PGS TSKH Vũ Cao Minh cho biết, các nhà khoa học cũng như các nhà quản lý đang có ý định xa hơn đó là việc đệ trình UNESCO công nhận cao nguyên đá Đồng Văn là di sản thiên nhiên thế giới.

Tuy nhiên, để làm được điều này cũng là một thách thức không nhỏ, các nhà khoa học đã có ý tưởng chọn lựa một khu vực hẹp hơn, tìm những giá trị đặc biệt nổi bật, để làm hồ sơ công nhận di sản thiên nhiên thế giới. Chính vì thế, việc bảo tồn và phát huy những gì vốn có của Cao nguyên Đồng Văn là vô cùng quan trọng.

 

Cao nguyên đá Đồng Văn nằm ở phía Bắc Hà Giang, bao trùm 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc với diện tích tự nhiên trên 2.300 km2, dân số trên 250 nghìn người. Từ nhiều đời nay, người dân sống trên Cao nguyên Đồng Văn luôn cần mẫn gieo trồng, canh tác trên nền của đá. Nhưng họ chưa bao giờ nghĩ vùng quê đá nơi mình sinh sống lại có ý nghĩa vô cùng lớn, có thể trở thành Công viên Địa chất quốc gia. Năm 2008, một Hội thảo khoa học được tổ chức với chủ đề “Cao nguyên đá Đồng Văn - những giá trị độc đáo, định hướng bảo tồn và phát triển”.

Hiện nay, trên thế giới mới chỉ có 55 công viên ở 17 nước được UNESCO công nhận và tham gia mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu. Trong số đó, 10 công viên có hiện tượng địa chất Karst nhưng Cao nguyên Đồng Văn mang đặc trưng riêng với những kiến tạo tự nhiên gồm các hoang mạc đá, rừng đá phong hoá, rừng đá trẻ... ở Việt Nam, một số địa danh như Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Hồ Ba Bể (Bắc Kạn) cũng có thể trở thành Công viên Địa chất nhưng sự đa dạng và kiến tạo đặc biệt như Cao nguyên Đồng Văn thì chỉ duy nhất.

 

  • Minh Hồ -VNN  (Tổng hợp)
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh