Tiếng Thái: Hỏ là gói; mọc là thức ăn có bột gạo nấu cùng.
Nguyên liệu để làm một gói “hỏ mọc” chủ yếu là bột gạo nếp, muối, cây xả thái nhỏ, lõi non cây chuối rừng (gọi là “duộc”), cá, thịt gà, thịt lợn băm nhừ (ngoài ra không bỏ các loại thịt khác và cá thứ khác vào nữa) tất cả trộn đều với nhau, chế nước vừa đủ để vắt thành cục, lấy lá chuối hay lá dong gói lại, buộc túm một đầu, lấy dao cắt phần thừa của lá cho đẹp, xong thì bỏ vào hông xôi để hông cho chín, rất ít khi người ta luộc gói “hỏ mọc”. Khi đã chín rồi, “hỏ mọc” toả một mùi thơm rất quyến rũ và thân thuộc…
(Một mâm hỏ mọc trong ngay cúng ''cắm phạ ky mọc'' 20-8(âl) ở bản Phảy, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp)
Người Thái có mặtt ở khắp nơi trên đất nước ta, dân số trên cả triệu người, lại sống ở những vùng miền với những đặc trưng văn hoá quanh khu vực cư trú khác nhau, chắc chắn sẽ có những sự khác nhau ít nhiều trong cách làm “hỏ mọc”, nhưng cơ bản vẫn như cách miêu tả ở trên!
“Hỏ mọc” là một loại thức ăn đặc biệt của đồng bào dân tộc Thái. “Hỏ mọc” được làm ra không chỉ để ăn như những thức ăn ngày thường, và cũng không phải lúc nào, ngày nào người ta cũng làm “hỏ mọc” để mà ăn. Nguồn gốc ra đời của loại thức ăn đặc biệt này ra sao, còn chưa ai rõ, nhưng trước hết “hỏ mọc” chỉ được làm ra để phục vụ các ngày lễ, cúng, ngày tết mà thôi, nó được đặt ở trên các mâm cúng rất trang trọng, mang đậm dấu ấn tâm linh, bởi thiếu nó là không thành một mâm cúng hoàn chỉnh. Theo nhiều ông, bà mo trong vùng cho biết, từ xa xưa người Thái đã biết làm “hỏ mọc” để cúng trời (gọi là “ky mọc cắm phạ”), cúng các vị thần linh (ky mọc xờ phí), cúng các vị có công dựng bản, lập mường (ky mọc chả ớn pủ bàn, pủ mương)… đền Choọng (xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp) nổi tiếng là linh thiêng, trên thờ trời, dưới thờ Tạo mường và “nàng tóc thơm”, vậy mà mâm cúng đền Choọng vào dịp 28 tết hàng năm cũng chỉ có thịt lợn, thịt gà, “hỏ mọc” mà thôi. Pủ Chiêng Yến, Nhả Póm và anh em Chệt Chai, theo truyền thuyết là những người có công rất lớn trong trận đánh thắng giặc “xấc Hãn” (Quân Minh-khoảng năm 1424) trên núi Pu Chẻ, đem lại bình yên cho cả vùng Khủn Tinh, được nhân dân Khủn Tinh coi như những vị anh hùng, lập đền thờ ghi nhớ công ơn cho đến tận ngày nay, nhưng mâm cúng thờ hàng năm vào ngày 20-8 (âl), cũng chỉ cúng thờ chủ yếu là những gói “hỏ mọc”, ngoài ra không còn thứ gì khác nữa…
Chúng ta chưa biết hết ý nghĩa sâu xa của gói “hỏ mọc” luôn được cha ông mình đặt lên mâm cúng, nhưng qua lời cúng của các ông mo, rõ ràng gói “hỏ mọc” mang một quan niệm tri ân với trời cao, với tổ tiên, với những vị “thần” cao cả có công với dân, với nước, với bản với mường…là chắc chắn! Hãy nghe một lời cúng sau đây sẽ thấy rõ hơn quan niệm tri ân thông qua gói hỏ mọc của người Thái: “Xó mơi Phạ têng húa lông nằng tư thù; Xó mơi pủ chẩu Căm Lạn ma nằng tư phướn; xó mơi ống chá cuống hươn ma nằng tư thồi…mảnh lơ chẹp khẳm dắc; mảnh lơ chắc khẳm cạp…mi tè húa tâng tô cảy tồm; mi tẻ tôn tóng nói hỏ mọc pá tết…” (tạm dịch: Xin kính mời ông trời trên cao xuống cầm lấy đũa; xin kính mời pủ mường Căm Lạn đến ngồi chủ mâm; xin kính mời tổ tiên, ông cha đến cầm lấy bát…miếng nào đẹp gắp trước; miếng nào ngon cứ ăn…có đủ cả gà luộc dâng lên; có đủ cả lá dong gói hỏ mọc cá chày…)!