Lạm phát sẽ được kiềm chế
Ngày 13/11, Quốc hội thảo luận tại tổ, cho ý kiến về dự thảo Luật Kiểm toán độc lập. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu từ nay đến cuối năm, các Bộ, ngành, địa phương tập trung các biện pháp kiềm chế lạm phát, kiểm soát, bình ổn giá; chính quyền các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp không niêm yết giá hoặc không bán theo giá niêm yết…

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, ý kiến của lãnh đạo ngành Tài chính và các chuyên gia cho thấy, mặc dù lạm phát đang có dấu hiệu trở lại nhưng nếu làm tốt các biện pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng, chúng ta có thể thực hiện tốt yêu cầu kiềm chế lạm phát.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: Điều chỉnh lộ trình tăng giá điện, than hợp lý để kiềm chế lạm phát

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, Chính phủ đã và đang chỉ đạo quyết liệt để ổn định giá, trong đó chú trọng giá lương thực, thực phẩm bởi trong cơ cấu hàng hóa tính chỉ số giá thì lương thực, thực phẩm luôn chiếm tỷ trọng cao.

Liên quan giá một số mặt hàng thiết yếu như than, điện, theo Bộ trưởng, xu hướng lâu dài là điều chỉnh giá, không để bao cấp mãi sẽ làm "méo mó" nền kinh tế. Nhà nước cũng không thể bù lỗ mãi. Tuy nhiên, tăng như thế nào là phải có lộ trình, tính toán để việc tăng giá ảnh hưởng thấp nhất đến đời sống, đó là vấn đề quan trọng nhất. 

Đối với các biện pháp khác kiểm soát giá cả, theo Bộ trưởng, quan trọng nhất là chúng ta phải cân đối hàng hóa. Bộ Tài chính đang chỉ đạo các địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp kiểm soát, thanh tra việc đăng ký giá, niêm yết giá. Theo đó, những mặt hàng phải đăng ký giá thì phải báo cáo việc hình thành giá đó như thế nào, nếu kiểm tra phát hiện vi phạm sẽ xử lý.

Lạm phát năm nay dự báo chỉ ở mức một con số.

Tiến sĩ Trần Du Lịch: Lạm phát sẽ ở mức một con số

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch: Hiện nay, trong cuộc cạnh tranh tiền tệ trên thế giới, Mỹ luôn muốn giảm đồng USD để giảm áp lực nhập siêu. Còn tại Việt Nam, USD lại tăng giá là do bản thân tiền đồng Việt Nam bị ảnh hưởng, trượt giá thông qua lạm phát. Đối với thị trường giá cả, ông phân tích: Có một phần đáng chú ý là 10 tháng từ đầu năm đến nay, diễn biến chỉ số lạm phát (CPI) không theo các quy luật những năm trước. Nguyên nhân xuất phát từ độ trễ của khối chính sách kích cầu năm ngoái phát huy tác dụng chậm hơn.

Ngoài ra, chuyện chúng ta tập trung cho các loại trái phiếu Chính phủ các dự án cũng tác động rất lớn. Năm 2010, việc chi tiêu cũng tăng rất cao do chúng ta có nhiều ngày lễ lớn. Còn vào tháng 11, 12, các công trình tập trung giải ngân, quyết toán nên dòng tiền bơm vào đây sẽ tăng mạnh hơn. Trong 2 tháng cuối năm, nếu kiềm chế lạm phát ở mức dưới 1%/tháng là rất xuất sắc và đảm bảo chỉ số CPI cả năm sẽ ở mức một con số, khoảng 9%.

Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Công bố tỷ giá USD không đổi làm giảm tâm lý đầu cơ

Ông Cao Sĩ Kiêm.

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, với những chính sách can thiệp trực tiếp vào thị trường tài chính tiền tệ như đảm bảo cung ngoại tệ để bình ổn thị trường, lãi suất vận hành theo thị trường đã có nhiều tác động tích cực. Ông nói: "Theo tôi, những chính sách này được ban hành là cần thiết trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, các chính sách ấy cũng chỉ là giải pháp tình thế, ngắn hạn".

Có 3 lý do làm cho thị trường ngoại tệ vừa qua biến động, đó là: cung - cầu vốn, ngoại tệ những tháng cuối năm thường khó khăn. Một lý do khác là do yếu tố tâm lý của người dân, thấy lạm phát, người có USD thì không gửi, người chưa cần USD cũng đi mua thêm với mục đích là tránh rủi ro và có thể kiếm lời.

Theo ông, những tuyên bố chính thức của Ngân hàng Nhà nước về những can thiệp vào thị trường ngoại tệ sẽ tạo được niềm tin cho người dân, chắc chắn sẽ có những tác động mạnh làm bình ổn thị trường ngoại tệ trong thời gian tới. Việc công bố tỉ giá USD/VND từ nay tới Tết không thay đổi sẽ khiến tâm lý đầu cơ, găm giữ của người dân và doanh nghiệp được hạn chế


Phan Đăng

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh