Đại ngàn về vườn đại gia

Kinh tế càng phát triển, nhu cầu của con người mỗi khác vì vậy để bằng anh bằng em, lắm đại gia tậu cây cảnh trong nhà. Đại gia chơi là để khoe mẽ, do không biết, không ham cũng chẳng có thời gian chăm sóc nên không mấy thiết tha với cây nhỏ. Cây cảnh cổ thụ đỡ phải chăm, chẳng phải lo tạo dáng mà người người đều biết dù là kẻ đi ngoài đường hay bạn bè, khách khứa nên đại gia rất kết

 
Chơi cây cảnh đang là mốt của các đại gia. Nhưng thú vui của đại gia khác các cụ già thích chăm chút, cắt tỉa, đại gia thích phô ra nên toàn chơi những cây cảnh cổ thụ. Vậy là những cây cổ thụ trên đất Nghệ đang dần được chuyển về vườn đại gia.
 
Thực tế cho thấy rừng ở Nghệ An nhiều nhưng chủ yếu là rừng tái sinh, rừng trồng còn rừng nguyên sinh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, trong rừng vẫn còn những cây cổ thụ hàng chục, hàng trăm năm tuổi, chúng tồn tại được trước những cơn bão tàn phá rừng thập niên 90 bởi thời đó gỗ của chúng không có giá trị kinh tế.
 
Cây cảnh trong vườn một đại gia ở Diễn Châu
 
Vậy là những cây như si, sung, đa, lộc vừng… bị lâm tặc bỏ qua nên sống đến ngày nay. Hiện nay phong trào chơi cây cảnh đang rộ lên nên những cây cổ thụ này không thể yên thân và đang rồng rắn về xuôi.
 
Ngày xưa xu thế chơi cây cảnh chỉ chơi về thế, dáng nên chuộng những cây nhỏ bé để dễ chăm sóc, cắt tỉa, vận chuyển và trưng bày. Kinh tế càng phát triển, nhu cầu của con người mỗi khác vì vậy để bằng anh bằng em, lắm đại gia tậu cây cảnh trong nhà.
 
Đại gia chơi là để khoe mẽ, do không biết, không ham cũng chẳng có thời gian chăm sóc nên không mấy thiết tha với cây nhỏ. Cây cảnh cổ thụ đỡ phải chăm, chẳng phải lo tạo dáng mà người người đều biết dù là kẻ đi ngoài đường hay bạn bè, khách khứa nên đại gia rất kết.
 
Mặt khác, xây cái nhà 4, 5 tầng rộng cả hecta mà chơi cây bé tý thì không hợp. Để phục vụ cho nhu cầu chơi nổi của đại gia, đại ngàn đang vắng bóng đại thụ.
 
Trong những chuyến ngược đường 48 lên Quỳ Châu, Quế Phong hay theo quốc lộ 7 đi Kỳ Sơn, Tương Dương thi thoảng lại gặp những chiếc xe tải hạng nặng lặc lè chở theo những cây gỗ lớn nguyên cành, nguyên bầu đất. Đó là những cây cổ thụ được các đầu nậu thu mua bán cho các đại gia về trồng làm cảnh trong vườn.
 
Từ khi mốt chơi cây cảnh cổ thụ bắt đầu, một số đầu nậu chủ yếu là người Diễn Châu đã tung “quân” đến các vùng sâu vùng xa móc nối với lâm tặc địa phương “săn” cây. Cây được các đại gia ưa chuộng nhất vẫn là đa lá đỏ, sanh, săng lẻ nhưng phải là cây to, có dáng độc đáo thì càng tốt.
 
Mỗi khi lâm tặc tìm được cây, đầu mối của các đầu nậu trực tiếp vào tận nơi chụp ảnh rất chi tiết rồi gửi cho các đầu nậu định giá. Nếu được đầu nậu sẽ tập trung nhân lực, phương tiện lên đào và cẩu về. Chi phí để đưa một cây cổ thụ từ rừng ra hết hàng chục triệu đồng nên các đầu nậu làm ăn rất chắc tay không để thua thiệt.
 
Qua nhiều mối quan hệ tôi quen được đầu nậu T người Diễn Hồng, một tay săn cây cảnh có tiếng ở miền Trung. T cho biết khi phát hiện ra cây đẹp, T lập trình luôn là cây này sẽ hợp với tư gia, tuổi, mệnh của đại gia nào rồi đưa ảnh đến môi giới ngay, nếu đồng ý thì sẽ ngã giá luôn, đại gia nào cẩn thận thì bố trí cho đi xem đến nơi đến chốn.
 
T cho biết thêm, hiện giờ không có cây mà bán vì các đại gia đặt hàng rất nhiều, cây trên rừng thì nhiều thật nhưng toàn ở vùng sâu nên khó chuyển ra, phải thật chắc thì mới đầu tư. Không ít đại gia đi xem cây thấy “sướng” quá chi cả trăm triệu để chuyển về.
 
Theo quốc lộ 1 qua xã Diễn Hồng, Diễn Kỷ đều thấy rất nhiều những cây cổ thụ trồng men theo quốc lộ, đó là những cây cảnh các đầu nậu đưa về trưng bày và bán cho những ai có nhu cầu. Cao có, thấp có, đủ chủng loại, vóc dáng nhưng đều là những cây người ôm không xuể và có xuất xứ từ đại ngàn.
 
Cây rẻ nhất cũng vài chục triệu đồng, có cây lên tới cả trăm triệu đồng. Đào và vận chuyển thì đơn giản bởi có phương tiện hiện đại hỗ trợ và người địa phương đưa đường chỉ lối, còn làm thủ tục lách kiểm lâm, ban quản lý rừng thì càng đơn giản. T cho biết, việc đưa một cây cổ thụ ra khỏi rừng rất dễ, thủ tục chỉ cần kiểm lâm hoặc Chủ tịch UBND huyện cấp phép là được.
 
Tất nhiên không ai cấp phép cho việc đưa cây từ rừng ra nên đầu nậu phải lách luật bằng cách chuyển sang mua cây trong vườn nhà hoặc cây của thôn bản. Muốn thế thì nhờ một người địa phương đến viết giấy xin bán cây ảo rồi đến làm luật với xã.
 
Sau khi nhận được đơn xin phép bán cây của nhân dân có chính quyền xã xác nhận, kiểm lâm cử cán bộ xuống xác minh, cán bộ gặp đầu nậu là mọi việc đâu vào đó, lực lượng kiểm lâm cấp phép ngay vì hơi đâu mà kiểm tra lại. Vậy là cây cổ thụ cứ ùn ùn về xuôi.
 
Rừng tỉnh ta vốn đã cạn kiệt nay thêm tiêu điều vì thú vui cây cảnh cổ thụ của các đại gia. Các cơ quan chức năng cần siết chặt khâu cấp phép để cổ thụ về xuôi. Không nên để vấn nạn tàn phá rừng vì mục đích làm đẹp vườn nhà.
Ngọc Hùng - Báo Công an Nghệ an
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh