Không rõ năm tháng nào, chỉ biết từ lâu lắm chắc chắn phải mấy chục năm, tôi đã rất thích thú bài hát Em chọn lối này. Khi ấy công chúng rộng rãi hưởng thụ âm nhạc chỉ nhờ làn sóng các đài phát thanh gần như là phương tiện duy nhất, chứ không "nở rộ" trên ti vi, trên các sân khấu và mọi tụ điểm như bây giờ. Nhưng âm nhạc làn sóng khi ấy chất lượng, chú trọng giáo dục tư tưởng, tình cảm và bồi dưỡng thẩm mĩ cho người nghe, chứ không chỉ nặng về giải trí. Tôi nhớ lúc đó, cứ sau các buổi phát thanh nói về miền núi là bài hát Em chọn lối này lại vang lên.
Và tác giả của nó khi ấy còn xa lạ: An Thuyên. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, cái tên này nhanh chóng nổi tiếng bởi Em chọn lối này trở nên quen biết với người nghe và một số bài có chất lượng tiếp tục ra đời, được công chúng ưa thích: Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Xe tăng qua miền quan họ và đặc biệt là Tiếng đàn Balalaica trên sông Đà được giải Nhất cuộc thi ca khúc toàn quốc năm 1985.
Tất nhiên, lâu nay, số đông công chúng ít căn cứ vào các giải thưởng để đánh giá một tác phẩm bởi không phải bài nào cũng thuyết phục. Nhưng những cuộc thi sáng tác âm nhạc trước đây đứng đắn, minh bạch hơn sau này. Và bài Tiếng đàn Balalaica trên sông Đà... vừa nhắc là một minh chứng. Đoạt giải cao nhất trong một cuộc thi sáng tác ở phạm vi toàn quốc, ca khúc của An Thuyên đã đồng thời chiếm được cảm tình của người nghe. An Thuyên sinh năm 1949, quê ở Quỳnh Lưu (Nghệ An).
Từng công tác ở ngành Văn hóa quê nhà, rồi vào bộ đội, hoạt động ở Đoàn văn công Quân khu 4. Từ năm 1981, theo học hệ sáng tác ở Nhạc viện Hà Nội. Tốt nghiệp, về công tác ở phòng Văn nghệ quân đội, rồi được cử làm Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật quân đội đến lúc nghỉ hưu. Hiện nay, An Thuyên là phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Nổi tiếng từ khi còn là một cây bút nghiệp dư ở Nghệ An, đến khi được học sáng tác chính quy ở Nhạc viện Hà Nội, năng lực sáng tạo của An Thuyên nở rộ và phát triển với nhiều ca khúc có chất lượng: Hành quân lên Tây Bắc, Thơ tình của núi, Hát về mẹ Việt Nam anh hùng, Chín bậc tình yêu, Huế thương, Neo đậu bến quê, Ca dao em và tôi... Ca khúc của An Thuyên có bản sắc riêng rõ rệt. Chất liệu dân gian nổi rõ trong các bài hát. Tác phẩm nào của ông cũng thắm đượm hồn dân tộc.
Tuy nhiên, ông cũng biết xử lý sáng tạo chứ không quá nệ vào âm nhạc ngũ cung để tạo cho bài hát của mình có dáng dấp mới mẻ, hiện đại, gây cho người nghe cảm giác thú vị. Có thể thấy rõ điều này ở những bài Xe tăng qua miền Quan họ, Hành quân lên Tây Bắc, Thơ tình của núi. Bên cạnh đó là những bài thuần phác dân ca, nghe rõ phong vị "xẩm" nhưng văn minh, khỏe khoắn (Neo đậu bến quê, Ca dao em và tôi, Huế thương).
Ngoài ca khúc, An Thuyên cũng có sáng tác thêm một số thể loại khác như kịch hát (Các vở Trương Chi, Đôi đũa Kim Giao, Biểu tình cay đắng), khí nhạc (Concerto cho Flute và dàn nhạc giao hưởng) và làm nhạc cho nhiều tác phẩm sân khấu. Tuy nhiên, nói đến An Thuyên, người ta nhớ đến những bài hát đậm đà bản sắc dân tộc.
Sinh ra ở một vùng quê nghèo, không phải là "con nhà nòi" nhưng An Thuyên đã sớm khẳng định được tài năng và có nhiều đóng góp đáng quý cho đời sống âm nhạc nước nhà. Ông đã lộ rõ một sức phấn đấu, rèn luyện đáng nể. Nhiều người nhận xét ông khôn ngoan, hết cách được lòng mọi người để thăng tiến nhanh.
Điều đó nếu có cũng chẳng nên luận bàn bởi rõ ràng, An Thuyên không nằm trong số những người thay thế tài năng bằng những khôn khéo. Hiệu quả những bài hát của ông là không thể phủ nhận. Trong số những nhạc sĩ ở tuổi trên dưới 60 hiện nay, không thể không nhắc tới An Thuyên, bởi dấu ấn tác phẩm của ông đã in đậm trong lòng những người hâm mộ.
Riêng tôi thấy An Thuyên luôn là người dễ chịu. Có thể không là bạn thân nhưng giao du bình thường, thù tạc, đàm đạo với ông luôn thoải mái. Tôi đặc biệt quý ông ở một điểm: biết người, biết mình. Ông chịu khó nghe thay vì nói nhiều, lấn lướt - căn bệnh của nhiều người có chút thành đạt!
Ai cũng bảo An Thuyên có số "hên": cuộc đời lên như diều, làm văn nghệ mà mang lon thiếu tướng quả là ở nước ta chỉ có vài ba người. May thay, những tác phẩm âm nhạc của An Thuyên đã "bảo vệ" được cho ông thật vững chắc. Ông có thể hoàn toàn yên tâm!
Nguyễn Đình San - Báo Nghệ An |