Về thiết chế văn hoá, cho đến nay khi nói cũng như ngay trong các văn bản chính thức vẫn có nhiều nhầm lẫn. Nhiều người chỉ đơn giản nghĩ đó là cơ sở vật chất. Sự nhầm lẫn này đã dẫn đến sự phiến diện trong đầu tư hoặc các hoạt động khác có liên quan đến thiết chế văn hóa. Vậy thực chất thiết chế văn hoá là gi? Có thể tìm thấy nhiều định nghĩa khác nhau về thiết chế văn hoá. Tuy nhiên, một cách chính thống và đầy đủ nhất, chúng tôi cho rằng đó là định nghĩa đã được ghi trong Từ điển Bách khoa Việt Nam. TĐBKVN xác định:
“ THIẾT CHẾ VĂN HOÁ thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong ngành văn hoá Việt nam từ những năm 70 thế kỷ 20. TCVH là chỉnh thể văn hoá hội tụ đầy đủ các yếu tố: cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, nhân sự, quy chế hoạt động, nguồn kinh phí; chỉ riêng ngôi nhà hoặc công trình văn hoá chưa đủ để gọi là thiết chế văn hoá”[1].
Tuy nhiên, từ định nghĩa chung nhất đó chúng ta cần phải nghiên cứu để có sự vận dụng thích hợp trong điều kiện ngõ phố, một đơn vị văn hóa đặc biệt mang tính chất tự quản là chính. Từ định nghĩa chung về thiết chế văn hóa đô thị, soi vào thực tiễn thành phố Vinh, chúng ta có thể hình dung một số nét chính trong mô hình thiết chế văn hóa ngõ phố như sau:
- Cơ sở vật chất: là những cơ sở, điều kiện cần có tối thiểu cho các hoạt động văn hóa, nhất là các sinh hoạt cộng đồng diễn ra. Trong đó quan trọng nhất chính là không gian sinh hoạt cộng đồng.
- Bộ máy tổ chức nhân sự: Là tổ chức tự quản do dân lập ra một cách không chính thức (phi thể chế), những người tham gia là theo cơ chế tự nguyện hoặc theo sự phân công của cộng đồng.
- Quy chế hoạt động: Cũng do cư dân trong ngõ xây dựng theo nguyên tắc thỏa ước, tự quản.
- Kinh phí hoạt động: Do nhân dân đóng góp một cách tự nguyện và các nguồn tài trợ, hỗ trợ hợp pháp khác.
Từ mô hình chung trên đây, trong điều kiện của thành phố Vinh hiện nay cần phải gia cố thêm một số yếu tố nhằm hoàn thiện hơn thiết chế văn hóa ngõ phố.
Trước hết về cơ sở vật chất, trong mỗi ngõ phố phải xác định không gian sinh hoạt cộng đồng là ở đâu, cái gì. Tất nhiên, nhà văn hóa, sân chơi thể thao, phòng đọc sách báo…là những cơ sở lý tưởng mà chỉ một số rất ít ngõ có được. Với những ngõ khác cần phải tìm và gia cố thêm để có không gian chung cho sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên ở những ngõ phố chật hẹp, diện tích ở quá nhỏ thì không nhất thiết”phải có một địa điểm riêng biệt mà sự lồng ghép nhiều chức năng vào nhau là hoàn toàn có thể. Điều này đã thành công ở Philipinnes khi người dân biến nhà ở thành nơi tụ họp, họp hành, đọc kinh tập thể và vui chơi giải trí.
Có thể là một khoảnh đất đang trống chủ; một mảnh sân nhà ai đó rộng rãi và rộng …lòng; một quán cà phê, bi-a trong ngõ mà gia chủ không ngần ngại cho mượn khi cần; thậm chí là bản thân con đường trong ngõ được bê tông hóa sạch sẽ khang trang cũng có thể trở thành không gian sinh hoạt cộng đồng hàng ngày. Bên cạnh đó cũng nên và có thể vận động một số gia đình có điều kiện và tâm huyết xây dựng tủ sách, sắm bàn bóng bàn, cờ tướng, thậm chí như một số nơi đã làm được là xây sân cầu lông để hỗ trợ sinh hoạt chung, hoặc tổ chức dịch vụ cho bà con trong ngõ. Có thể nói những không gian “dân lập” này là một cứu cánh hiện nay, trong điều kiện đất đai trong ngõ đều đã có chủ. Tất nhiên, với những khu vực đang còn đất công, hoặc nằm trong quy hoạch sẽ trở thành phố phường, chính quyền cần chủ động quy hoạch để giành đất cho các không gian công cộng.
Về tổ chức quản lý: như đã nói ngõ phố không phải là một đơn vị hành chính, ở đây hoạt động quản lý chủ yếu và thực chất là tự quản. Do vậy, dù trùng hay không trùng với tổ dân cư, thì ngõ phố cũng nên hình thành một “bộ máy” quản lý. Tổ chức tự quản này do dân lựa chọn suy tôn hoặc bầu ra. Chính quyền phường hoặc ban cán sự khối chỉ nên tham dự việc họp của dân chứ không nên “định hướng”, “cơ cấu” hay thực chất là áp đặt ai vào vị trí này. “Bộ máy” tự quản này có vai rò quan trọng trong việc vận động và tổ chức cho nhân dân thực hiện quy chế và nếp sống văn hóa, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, quản lý và giáo dục thiếu niên nhi đồng, thực hiện các hoạt động nhân đạo, từ thiện, văn hóa thể thao, hòa giải tranh chấp mâu thuẫn… Nếu quản lý ngõ là người có uy tín, tâm huyết và trách nhiệm với cộng đồng thì mọi hoạt động trong ngõ được thực hiện thuận lợi và có hiệu quả cao. Bên cạnh “bộ máy quản lý” trong mỗi ngõ phố cũng cần có một số người đóng vai trò là hạt nhân, nòng cốt cho các hoạt động. Thực tế cho thấy không thiếu những người như vậy, chỉ cần biết phát hiện và khơi gợi. Đó là những người có tâm huyết với hoạt động của cộng đồng, có một chút năng khiếu trong văn nghệ thể thao hoặc khả năng tập hợp quần chúng. Những cán bộ tuyên huấn trong quân đội, cán bộ dân vận, văn ngệ sỹ, giáo viên về hưu là những người thích hợp cho vai trò này. Đó là những tình nguyện viên, mà thiếu họ đời sống cộng đồng khó lòng mà sôi động.
Về quy chế hoạt động: Là một đơn vị tự quản các quy chế hoạt động của ngõ phố là do dân xây dựng và thống nhất ban hành thực hiện. Có thể coi đó là một dạng hương ước mới. Tất nhiên, Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền, mọi quy định của các tổ chức dù dưới hình thức nào cũng phải tuân thủ nguyên tắc không được trái với pháp luật. Quy ước của ngõ cũng vậy. Tuy nhiên thực tế chứng minh rằng dù đầy đủ đến mấy pháp luật cũng không bao giờ bao gói hết mội ngõ ngách của đời sống con người. Cuộc sống vẫn có chỗ cần thiết cho những quy định riêng có thể tồn tại. Mặt khác, người dân có quyền làm những điều mà pháp luật không cấm, vì vậy quy ước của ngõ vẫn là cần thiết. Đây là những thỏa ước tập thể, vừa mang tính bắt buộc của luật pháp vừa là những quy chuẩn mang tính đạo đức để khuyến khích người ta tuân theo. Những quy định cụ thể về nếp sống như nuôi lợn, nuôi chó, vệ sinh đường ngõ, góp tiền điện thắp sáng đường, khen thưởng các cháu học giỏi, thăm hỏi người ốm đau hoạn nạn, phân công tuần tra bảo vệ an ninh, ngăn ngừa tệ nạn…là những điều hết sức cần thiết trong đời sống cộng đồng. Trên thực tế những quy ước đó có tính hiện thực rất cao và được nhân dân thực hiện rất nghiêm túc. Tuy nhiên, cũng cần uốn nắn một số lệch lạc trong việc xây dựng quy ước ngõ phố ở một số nơi, dẫn đến vi phạm pháp luật hoặc gây phản cảm, như quy định người đến mua đất trong ngõ phải nộp tiền “xây dựng quê hương”; hay thu tiền lộ phí, đóng cọc không cho xe cơ giới vào ngõ vì sợ hỏng đườn; hoặc tùy tiện đặt ra các khoản phạt, thậm chí quy định “giờ giới nghiêm”… Cho nên, cần phải biết “lồng ghép”, khéo léo đưa pháp luật vào các quy ước, qua đó mà đưa pháp luật vào đời sống ngõ phố. Việc thực hiện đời sống pháp luật trong ngõ phố có thể được hình thành một cách gần gũi và ít ràng buộc hơn, thông qua việc cụ thể hoá quy định của pháp luật thành những quy ước của ngõ để xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, hình thành những quy tắc đạo đức ứng xử trong gia đình và cộng đồng, bảo vệ trật tự an ninh đô thị. Để làm được điều đó thì cán bộ công tác tại cơ sở cần được đào tạo về các kỹ năng tương tác cộng đồng và các kiến thức về cơ sở văn hoá xã hội, làm sao liên kết được tinh thần cộng đồng vào các hoạt động tập thể của ngõ phố.
Về kinh phí hoạt động: Hoạt động nào cũng cần có kinh phí, trong ngõ phố cũng vậy. Nguồn kinh phí cho các hoạt động từ trước đến nay và từ nay về sau chủ yếu vẫn sẽ do dân đóng góp. Cũng có người lo ngại là dân phải đóng góp quá nhiều những khoản không có trong quy định của nhà nước. Tuy nhiên, trong thực tế rất ít có lời phàn nàn khi phải đóng góp các khoản chi tiêu cho sinh hoạt cộng đồng trong ngõ phố. Có lẽ vì do những đồng tiền đó đã được chi dùng có ích, mang lại hiệu quả cao, mặt khác mức đóng góp cũng không phải cao, đồng thời chủ yếu là tự nguyện, không bắt buộc, không đóng cũng chẳng sao. Ngoài ra trong các hoạt động cộng đồng trong ngõ luôn có những “mạnh thường quân” tài trợ và ủng hộ. Có thể là một người trong ngõ mới đi xa về, một người vừa chuyển nhà đến cư trú trong ngõ có nguyện vọng ra mắt, một gia đình vừa có chuyện vui muốn bày tỏ lời cám ơn với xóm giềng…tất cả ủng hộ với sự tự nguyện cao và hết sức vui vẻ vô tư. Thực tế nếu biết khai thác và huy động nguồn kinh phí cho các sinh hoạt cộng đồng là không khó, thậm chí khá dồi dào.
Tóm lại thiết chế văn hóa ngõ phố đã là, nên là và cần phải là một thiết chế mang tính tự quản, do dân, vì dân. Nhà nước chỉ nên và chỉ cần định hướng và dẫn dắt về mặt pháp luật, để cho các hoạt động tự quản đó không vi phạm pháp luật. Không nên áp đặt một khung cứng cho tất cả các ngõ phố, không nên “hành chính hóa”, “chính trị hóa” bộ máy quản lý, càng không nên áp đặt “nhân sự” cho ngõ phố. Làm như vậy sẽ khiến cho văn hóa ngõ phố trở nên xơ cứng, thiếu hồn nhiên và thực chất là mất sinh khí.
Tác giả: Phạm Thị Quỳnh Trang
[1] Từ điển Bách khoa VN, t4, nxb TĐBK, HN, 2003, tr 230.