Chùa Tập Phúc bao giờ được phục dựng?

Chùa Tập Phúc, là một ngôi chùa lớn, có lịch sử hàng trăm năm, là địa chỉ tâm linh trong tín ngưỡng của nhân dân đã bị chiến tranh tàn phá. Hiện nay, đông đảo Phật tử TP Vinh có nguyện vọng phục dựng chùa. Tuy nhiên, khó khăn vướng mắc vẫn còn nhiều.

Vài nét về chùa Tập Phúc
Phật giáo đã có lịch sử hơn 2.000 năm đồng hành cùng dân tộc, có vị trí đặc biệt trong lịch sử đất nước và đời sống tâm linh của nhân dân. Nói đến Phật giáo là nói đến các ngôi chùa, vừa là nơi thờ Phật, tu hành, cầu phúc, hướng thiện, vừa là công trình kiến trúc có giá trị văn hoá mang bản sắc dân tộc.
Chùa Tập Phúc (Tập Phúc tự: 集福寺) được xây dựng vào khoảng năm 1926(1), do các nhà hảo tâm của Nghệ An và cả nước phát tâm xây dựng. Chùa ngoảnh hướng Tây (nay là đường Nguyễn Văn Cừ), vị trí được xác định: “Lấy nhà tỉnh đội làm mốc ta đi xuống chừng 200m rẽ về phía tay trái vào đó khoảng 1km, ta sẽ đến tới chùa Tập Phúc. Chùa ở gần khu dân dụng Yên Phúc”(2). Chùa Tập Phúc thờ Đức Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, Phật Quan Âm, Đức Thánh Trần và Đức Thánh Quan. Vị trí của chùa theo nhiều người cao tuổi xác định nay thuộc khối Bình Phúc, phường Hưng Phúc, TP Vinh. Về tên gọi của chùa, có người giải thích do nhà chùa có hai khu nghĩa địa rất rộng (Tập Phúc trên và Tập Phúc dưới) để người quá cố tứ xứ có nơi yên nghỉ nên gọi là Tập Phúc (tập hợp lại để làm phúc). Cũng có ý kiến cho rằng chùa có tên ấy vì Hội Tập Phúc, trong đó có nhà đại tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi, đứng ra quyên góp xây chùa.        
Trong kí ức của người dân, chùa Tập Phúc là ngôi chùa lớn nhất của Nghệ An thời ấy và thuộc hàng chùa lớn của miền Trung. Tổng diện tích khuôn viên chùa hiện có nhiều ý kiến khác nhau, có ý kiến cho rằng khoảng 60, 70 mẫu ta(3). Còn theo cụ Hồ Viết Chanh, 90 tuổi, quê gốc ở xã Hưng Dũng, nay trú tại khối 23, phường Hưng Bình, thì tổng diện tích của chùa, bao gồm nghĩa địa, ruộng và khuôn viên chùa là 100 mẫu, vì trước cổng chùa có vế câu đối “Bách mẫu bình nguyên, tập thành lạc thổ” (Một trăm mẫu lập nên mảnh đất vui). Chùa kiến trúc kiểu chữ “tam” (三) ngoài cửa đi vào có một cái tháp 9 tầng, cao 12m, gian trung điện dài 8,5m, rộng 14m, hạ điện dài 8,5m, rộng 5,4m; thượng điện dài 8,5m, rộng 6m. Trong chùa có một cái chuông bằng đồng cao 1m, đường kính 0,48m, 1 lư hương bằng đá cao 60cm, đường kính 27cm. Chùa có tượng Phật Thích Ca ngồi trên bệ sen cao 1,45m, bề ngang 1,65m; hai tượng phật A Di Đà cao 1,5m, bề ngang 1m; hai tượng Phật Quan Âm cao 1,3m, bề ngang 80cm; một tượng Đức Thánh Trần cao 1,2 m, bề ngang 60cm; một tượng Đức Thánh Quan cao 1,65m, bề ngang 1,2m. Phía ngoài cổng có tượng hai ông Hộ Pháp cao 1,55m, bề ngang 1m. Ngoài ra còn có 30 tượng làm bằng gỗ mít kích cỡ to nhỏ khác nhau(4). Chùa có bia bằng đá granito khắc chữ Hán và chữ Pháp, ngoài ra còn có nhiều hoành phi, câu đối, đồ tế khí trang trọng. Chùa Tập Phúc là nơi sinh hoạt tâm linh của đông đảo Phật tử và người dân. Mỗi năm vào rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy, lễ Phật đản, lễ Vu Lan…được tổ chức rất linh đình, có sự tham dự của các quan chức cao cấp, đông đảo Phật tử và người dân.   
Chùa Tập Phúc là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của Nghệ An. Năm 1941, sau khi xử tử hình Đội Cung, Pháp cho người đem thi hài ông chôn ở nghĩa địa chùa Tập Phúc, nơi trồng nhiều cây phi lao. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền TP Vinh di dời hài cốt ông về địa điểm hiện nay. Trong nạn đói khủng khiếp 1945, nhà chùa Tập Phúc đã tổ chức nhiều đợt phát chẩn cứu dân. Nhiều thi hài các nạn nhân chết đói được qui tập về mai táng tại nghĩa địa chùa, vị trí đến nay nhiều người còn nhớ. Năm 1945, cán bộ và người dân đã họp tại chùa Tập Phúc để bàn phương án cướp chính quyền. Sau năm 1954, Nhà máy in Nghệ An dời vào chùa hoạt động một thời gian. Trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một đơn vị bộ đội thông tin đã đóng quân tại chùa, vì vậy chùa mới trở thành mục tiêu oanh tạc của máy bay Mỹ và bị hư hỏng nặng. Sau nhiều lần bị trúng bom cộng với sự thiếu gìn giữ của con người, một số hạng mục của chùa bị tháo dỡ để làm nhà ở, trụ sở, công trình công cộng, các đồ tế khí bị phá hỏng, thất thoát, chùa đã trở thành phế tích, chỉ còn lại tháp 9 tầng. Tháng 2 năm 1975, chính quyền xã Hưng Dũng đã cho nổ mìn phá tháp để lấy gạch xây trụ sở HTX, chùa trở thành bình địa. Hiện nay có một số đồ tế khí như bát hương, hoành phi được đưa về đền Tiên Cảnh, một bức tượng Phật được lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ An, một chiếc chuông lưu lạc vào tận chùa Ba (Đà Nẵng)...
Vấn đề phục dựng chùa Tập Phúc
Việc chùa Tập Phúc, một di tích lịch sử - văn hoá, bị phá hỏng là một mất mát lớn. Hiện nay, đông đảo Phật tử TP Vinh và các vùng khác có nguyện vọng tha thiết muốn phục dựng chùa Tập Phúc trên nền đất cũ. Tuy nhiên, hiện nay, tại vị trí mà nhiều người cao niên xác định là nền cũ của chùa đã được triển khai xây dựng trường Mầm non tư thục Hưng Phúc, khởi công từ tháng 9/2010, hiện nay đã xây được phần móng và bờ rào. Cho rằng công trình xây dựng trên nền chính điện chùa Tập Phúc, tháng 9/2009, ông Nguyễn Văn Kiên, 74 tuổi, trú tại khối 11, phường Hà Huy Tập cùng gần 400 Phật tử TP Vinh đã viết đơn kiến nghị dừng thi công trường Mầm non tư thục Hưng Phúc, xin phục dựng chùa trên nền đất cũ. Đơn, tư liệu về chùa cùng bản tập hợp chữ kí, nguyện vọng của 400 Phật tử trên địa bàn TP Vinh được gửi đến UBND phường Hưng Phúc, UBND TP Vinh, Ban Tôn giáo Sở Nội vụ, Ban Quản lí Di tích - Danh thắng, Sở VH - TT & DL, UBND tỉnh. UBND tỉnh đã có công văn số 5557/UBND.ĐC ngày 13/9/2010 giao các sở, ban ngành và địa phương liên quan tổ chức họp, xem xét và tham mưu cho UBND tỉnh. Ngày 25/10/2010, Sở Xây dựng có công văn số 1770/SXD.QHKT - QLN yêu cầu tạm ngừng việc thi công xây dựng công trình trường Mầm non tư thục Hưng Phúc, tạm thu hồi giấy phép xây dựng công trình từ ngày 28/10/2010.    
Tuy nhiên, một vấn đề còn gây tranh cãi là vị trí của nền chùa Tập Phúc. Quan điểm của UBND phường Hưng Phúc(5) là vị trí đang xây dựng trường Mầm non tư thục không nằm trong đất cũ của chùa Tập Phúc, nên việc phục dựng chùa không có cơ sở. Vì vậy, UBND phường Hưng Phúc đề nghị cho tiếp tục thi công trường Mầm non để có thể khai giảng vào năm học 2011 - 2012. Trong khi đó, tại cuộc họp đại diện các Phật tử trên địa bàn TP Vinh có sự tham gia của đại diện Ban Tôn giáo Sở Nội vụ vào chiều ngày 28/10/2010, nhiều ý kiến của các cụ cao niên, sinh ra và lớn lên trên địa bàn, hiểu rõ lai lịch của chùa, khẳng định vị trí đang xây dựng trường Mầm non tư thục Hưng Phúc nằm trên nền chính điện của nhà chùa. Cụ Hồ Viết Chắt, 84 tuổi, trú tại khối Trường Tiến, phường Hưng Bình đã vẽ lại sơ đồ của chùa Tập Phúc, gồm 32 ô hình vuông, xác định rõ vị trí của từng ô, trong đó các công trình kiến trúc của chùa xây dựng trên 6 ô với diện tích 12 mẫu, khẳng định vị trí cổng chùa cũ nay là cửa hàng xăng dầu Hưng Phúc. Cụ Hồ Viết Chanh, 90 tuổi, là người gốc ở TP Vinh, hiểu rõ lai lịch chùa xác định vị trí đang xây móng trường Mầm non tư thục Hưng Phúc thuộc nền nhà chùa cũ. Đây cũng là ý kiến của nhiều cụ cao niên trong cuộc họp nói trên. Do đó, không hiểu căn cứ vào đâu để UBND phường Hưng Phúc khẳng định rằng vị trí xây dựng trường Mầm non Hưng Phúc không thuộc đất chùa Tập Phúc? Ngày 28/10, Sở Xây dựng đã giao UBND phường Hưng Phúc tổ chức họp, lấy ý kiến người dân để xác định vị trí chính xác của chùa Tập Phúc. Từ đó sẽ tham mưu cho UBND tỉnh quyết định về những vấn đề xung quanh việc xây dựng trường Mầm non Hưng Phúc và phục dựng chùa Tập Phúc.
    Tại Chỉ thị số 1940/CT-TTg “Về nhà, đất liên quan đến tôn giáo” ngày 31/12/2008, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến: “Nhà, đất liên quan đến tôn giáo mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng thì cơ quan, tổ chức được giao quản lý, sử dụng phải sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến tình cảm tôn giáo của quần chúng tín đồ. (…) trường hợp cơ sở tôn giáo có nhu cầu chính đáng sử dụng nhà, đất đó vào mục đích tôn giáo thì tùy từng trường hợp cụ thể, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể xem xét giao nhà, đất với diện tích phù hợp; hoặc tạo điều kiện cho tổ chức tôn giáo xây dựng cơ sở mới theo quy định của pháp luật;”. Theo ông Nguyễn Đình Trọng, Phó trưởng Phòng Tôn giáo khác, Ban Tôn giáo Sở Nội vụ, trong thời gian vừa qua, UBND tỉnh đã có quyết định đồng ý cho phục dựng 13 ngôi chùa, còn 5 ngôi chùa khác đang hoàn tất hồ sơ xin phục dựng. Trên cơ sở đó, nguyện vọng của đông đảo Phật tử TP Vinh là muốn phục dựng chùa Tập Phúc trên nền đất cũ, còn trường Mầm non có thể bố trí xây dựng ở một vị trí khác, trong quỹ đất của phường. Mặt khác, các Phật tử TP Vinh trong đơn kiến nghị ngày 20/8/2010 nêu ý kiến: “Trường Mầm non tư thục là nơi chắp cánh cho những thế hệ tương lai không thể xây dựng ngay trên một ngôi chùa bề thế, nguy nga và linh thiêng đã tồn tại hàng trăm năm lịch sử”.  
Như vậy, có thể khẳng định rằng, đã có một ngôi chùa Tập Phúc bề thế, linh thiêng trên địa bàn phường Hưng Phúc và việc phục dựng chùa trên nền đất cũ là nguyện vọng chính đáng của đông đảo Phật tử, phù hợp với quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn giáo. Vấn đề còn lại là xác định chính xác vị trí nền cũ của chùa Tập Phúc. Việc này, theo chúng tôi là không quá khó, bởi vì trong lịch sử tồn tại hàng trăm năm, chùa đã có hàng vạn người biết. Hiện nay các nhân chứng, những người đã sinh ra, lớn lên trên mảnh đất này, gắn bó với chùa vẫn còn nhiều(6). Các tài liệu, hiện vật về chùa vẫn còn không ít, trong đó tài liệu của UBHC xã Hưng Dũng lập năm 1964, lúc chùa vẫn còn nguyên trạng là rất đáng tin cậy. Chỉ cần một thái độ cầu thị, sẵn sàng lắng nghe từ phía UBND phường Hưng Phúc, chủ đầu tư công trình và các ban ngành liên quan.
 
Chú thích:
(1) - Chúng tôi dựa theo tài liệu “Bản lược kê lý lịch Di tích lịch sử” của UBHC xã Hưng Dũng ngày 25/5/1964 do Chủ tịch Nguyễn Tiến Chiến kí. Ngoài ra, tài liệu “Lý lịch hiện vật” của Bảo tàng Nghệ An ngày 27/12/2006 ghi là chùa được xây dựng vào năm 1939. Theo chúng tôi, tài liệu của UBHC xã Hưng Dũng đáng tin cậy hơn. Một tài liệu khác của UBHC xã Hưng Dũng (năm 1971) lại ghi chùa được xây dựng vào năm 1925. Một số cụ cao niên  khẳng định chùa được xây từ rất lâu đời.
(2) - Tài liệu “Bản lược kê lý lịch Di tích lịch sử”, mục “Đường đi đến” (tức vị trí di tích) của UBHC xã Hưng Dũng ngày 25/5/1964, tài liệu đã dẫn.
(3) - Mẫu Trung Bộ, một mẫu bằng 4.970 m2.
(4) - Theo “Bản lược kê lý lịch Di tích lịch sử” của UBHC xã Hưng Dũng ngày 25/5/1964, tài liệu đã dẫn.          
(5) - Thể hiện ở các văn bản: Công văn số 57/BC – UBND ngày 24/9/2010 “Báo cáo quá trình triển khai thực hiện quy trình thủ tục xây dựng trường Mầm non tư thục Hưng Phúc và nguồn gốc đất xây dựng trường”. Biên bản “Khảo sát vị trí chùa Tập Phúc – khối Bình Phúc – phường Hưng Phúc – TP Vinh” ngày 7/10/2010.              
(6) – Đó là các cụ Hồ Viết Chắt, cụ Hồ Viết Chanh là những người từ nhỏ đã gắn bó với chùa, cụ Đậu Đình Tiến (khối 2, phường Trường Thi) là người đánh chuông chùa Tập Phúc, ông Nguyễn Văn Kiên, người cày ruộng rẽ của nhà chùa, và rất nhiều người cao tuổi khác.      
 Tác giả: Trần Quang Đại - VHNA
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh