Giá trị của dân ca xứ Nghệ sẽ được gìn giữ và phát triển hơn nếu trong thời gian tới UNESCO công nhận dân ca xứ Nghệ là Di sản văn hoá thế giới...
|
Một tiết mục trong Hội thi hát dân ca trong trường học. |
Gìn giữ, bảo tồn và phát huy kho tàng dân ca quê hương đã được tỉnh ta và trực tiếp là Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ thực hiện trong nhiều năm nay. Trước đó, công tác sưu tầm, nghiên cứu dân ca cũng đã được nhiều thế hệ đi trước nghĩ tới, trong đó có nhiều công trình nghiên cứu công phu của các nhà nghiên cứu, các nhạc sỹ như Nguyễn Đổng Chi, Ninh Viết Giao, Vi Phong, Lê Hàm, Thanh Lưu, La Quán Miên, Dương Hồng Từ... Đặc biệt sau những thể nghiệm để đưa dân ca kịch lên sâu khấu hoá thì dân ca Nghệ An đã có những bước phát triển chuyên nghiệp với nhiều vở diễn tạo được tiếng vang như Cô gái Sông Lam, Lời thề thứ 9... và mới đây nhất là Soi vào quá khứ, Một cây làm chẳng lên non, Lời Người lời của nước non...
Từ năm 1998 đến nay, dân ca cũng đã được dạy ở các trường học thông qua các giáo án của Trung tâm Bảo tồn soạn để phù hợp với từng độ tuổi của từng học sinh. Tỉnh cũng đã tổ chức được hai lần "Cuộc thi Hát dân ca trong trường học" để tuyển chọn những hạt nhân cho bộ môn nghệ thuật này. Cũng nhờ những nỗ lực trên nên dân ca xứ Nghệ với ví đò đưa, ví phường vải, dặm ru, dặm vè, hò xẻ gỗ, hò kéo lưới...dù có trải qua bao nhiêu năm tháng nhưng vẫn luôn tồn tại vững chãi trong tâm hồn mỗi người dân Nghệ Tĩnh. Và đó thực sự là nguồn động viên vô giá để đến năm 2015 chúng ta có thể hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESSCO công nhận dân ca xứ Nghệ là Di săn văn hoá thế giới, nhất là trong thời điểm còn quá nhiều khó khăn như hiện nay.
"Chặng đường đó sẽ còn rất dài và còn rất nhiều gian nan, nếu chúng ta không nỗ lực thì chắc chắn không thể đạt được kế hoạch đề ra" - NSƯT Hồng Lựu, PGĐ Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ khẳng định với chúng tôi điều đó khi đề cập đến tiến độ của dự án. Khó khăn này, bắt nguồn từ điều căn bản nhất của dân ca xứ Nghệ, đó là dân ca phải gắn với cộng đồng, là sinh hoạt cộng đồng thường xuyên của người dân xứ Nghệ...Để xây dựng tiêu chí này, thời gian qua tỉnh ta tích cực thành lập các câu lạc bộ hát dân ca. Thế nhưng qua tìm hiểu có một thực tế đáng buồn khi biết rằng, hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An chỉ có khoảng 15 câu lạc bộ hoạt động trên tổng số gần 70 câu lạc bộ hát dân ca xứ Nghệ đã thành lập. Nguyên nhân của sự "chết chìm" này là thiếu kinh phí, thiếu sự quan tâm của địa phương, phong trào không phát triển được. Ngay như Câu lạc bộ Hồng Sơn (Quỳnh Lưu) dù đã hoạt động thường xuyên hơn 10 năm nay và được đánh giá là hiệu quả nhất, nhưng hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn bởi hiện câu lạc bộ không thuộc xã nào quản lý nên không được hỗ trợ về kinh phí và địa điểm để diễn tập (vì thành viên CLB được tập hợp từ ba xã Quỳnh Hồng, Quỳnh Hậu, Quỳnh Thạch). Để được hát, để được sống với dân ca những nghệ sỹ "chân lấm tay bùn" hàng năm vẫn phải tự đóng kinh phí để mua sắm nhạc cụ, trang phục. Tình cảnh đó, cũng là điều thường thấy ở tất cả các câu lạc bộ khác. Riêng tại Thành phố Vinh, mang tiếng là nơi "đô hội", nơi có nhiều điều kiện nhất để phát triển nhưng đến nay vẫn chưa có câu lạc bộ nào thành lập.
Tiêu chí phải có nghệ nhân hát dân ca xứ Nghệ cũng là một điều nan giải. Những năm trước, toàn tỉnh có hơn 10 cụ già đã được trao danh hiệu là nghệ nhân (của tất cả các môn nghệ thuật), thế nhưng với yêu cầu của UNESCO đưa ra "nghệ nhân đã truyền nghề cho bao nhiêu thế hệ và truyền được bao nhiêu làn điệu" thì lại là một câu hỏi khó. Một cuộc kiểm tra mới đây nhất của Viện Nghiên cứu Âm nhạc dân gian Việt Nam với các nghệ nhân hát dân ca của xứ Nghệ thì kết quả cho thấy: phần lớn các cụ đã già và khá lâu rồi cũng không còn hát dân ca. Việc truyền nghề cũng rất khó khăn bởi trí nhớ của các cụ đã không còn minh mẫn nữa. Quá trình tìm lại các tư liệu cũ liên quan đến dân ca xứ Nghệ cũng gặp nhiều khó khăn bởi những năm qua công tác bảo quản chưa được các ngành quan tâm. Ví như, tư liệu về Bác Hồ về lại quê nhà nghe hát Phường vải nay không tìm thấy hồ sơ gốc. Đó lại là một chi tiết quan trọng để khẳng định dân ca đã rèn dạy cho con người xứ Nghệ chí khí yêu nước - NSƯT Hồng Lựu cho biết thêm.
Trước những nan giải vừa nêu, quả thực khó có thể "lạc quan" để hoàn thiện bộ hồ sơ chỉ trong vòng 5 năm. Động lực hiện nay để các cán bộ, nhân viên anh em nghệ sỹ ở Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ (đơn vị được giao hoàn thiện hồ sơ) là tấm lòng và tình yêu với dân ca quê hương, tuy nhiên với nỗ lực đó cũng khó hoàn thành tốt, khi tất cả vẫn đang "tay không bắt giặc". Anh em cũng đang mong được đi thực tế tại quê hương của các làn điệu Quan họ, Ca trù hay Nhã nhạc Huế để tìm hiểu về cách làm của tỉnh bạn, nhưng đang gặp khó khăn về kinh phí. Trước những vấn đề cấp bách này, thiết nghĩ để một chủ trương lớn sớm được thực hiện và để dân ca xứ Nghệ sớm được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới thì tỉnh ta cần một chiến lược và một chính sách hỗ trợ đặc biệt. Chính quyền các cấp và các ban ngành liên quan cũng cần phải có những động thái tích cực để sớm đưa dân ca xứ Nghệ trở lại với đời sống cộng đồng, để gìn giữ và phát triển một di sản văn hoá quý báu mà cha ông đã để lại!
Mỹ Hà
Nguồn: Báo Nghệ An.