Ở độ cao 1.500m, thủ lĩnh thanh niên Nguyễn Trọng Cảnh trải qua những ngày "nếm mật nằm gai", vượt bao gian nan, thử thách để dựng làng lập nghiệp, nuôi cá hồi, trồng chè Tuyết shan, hoa ly. Từ cổng trời cao chót vót, cá hồi, hoa ly theo đào mai xuống phố rộn ràng đón Xuân.
|
Mô hình nuôi cá hồi tại Làng Thanh niên lập nghiệp Na Ngoi (Kỳ Sơn). | Năm 2003, Nguyễn Trọng Cảnh lúc đó là Chủ nhiệm HTX Nam Xuân (huyện Nam Đàn, Nghệ An) được tỉnh điều động làm Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP 8 tại xã Huồi Tụ huyện Kỳ Sơn. Điểm dừng chân là nơi thâm sơn cùng cốc, cách thị trấn Mường Xén gần 30 km đường rừng cheo leo, hiểm trở.
Quăng thân vào miền biên ải, là chấp nhận thiệt thòi, hy sinh cả tuổi xuân. Vị thủ lĩnh chọn cho mình 12 thanh niên trai tráng, trong đó có 2 người Mông để làm...phiên dịch. "Từ Mường Xén, anh em đội viên khởi hành vào Huồi Tụ, xã nằm giữa lưng chừng trời, đường vào rất nguy hiểm!", Nguyễn Trọng Cảnh nhớ lại. Bên vực, bên suối, các đội viên phải dùng dao mở lối mà đi. Nhiều hôm trời đổ mưa, bốn bề ngập nước, đội hình TNXP bị chia cắt, mất liên lạc. Không tiếp cận được nhà dân, mấy anh em đành mắc võng ngủ lại giữa rừng, làm mồi cho muỗi, vắt. Không ít lần vị thủ lĩnh chết hụt vì sảy chân, suýt rơi xuống vực.
Thường thì, khi triển khai một công việc gì đó tại bản làng, cán bộ làm việc trước với lãnh đạo huyện, nhưng Nguyễn Trọng Cảnh ngược lại. Anh gõ cửa từng người Mông, bàn với dân trước, sau đó mới xin ý kiến của huyện. "Chỉ cần dân nhất trí, dân ưng cái bụng, là xong!", Cảnh tâm sự. Cách làm từ dân mà ra của vị thủ lĩnh trẻ tuổi có kết quả. Người Mông ở Huồi Tụ nhường cơm, sẻ áo, chia đất cho các đội viên TNXP để họ lập làng. Trong một cuộc rượu cần cùng bà con bản địa, Nguyễn Trọng Cảnh được già làng buộc chỉ cổ tay, đổi họ tên thành Vừ Xa Lỳ. Từ đó, chàng trai miền xuôi trở thành một thành viên của đồng bào người Mông.
Hai bàn tay trắng, Nguyễn Trọng Cảnh cùng anh em dựng lều, trồng lúa, rau màu, làm quen với cơ chế tự cung tự cấp. "Với mức lương ban đầu 400.000 đồng/người, đội viên buộc phải xoay xở để có thể trụ lại với núi rừng!" - Cảnh nói. Khi làng TN lập nghiệp đã có hình hài, anh vận động đội viên vỡ đất trồng chè Tuyết shan. Loại chè chỉ sống được ở vùng núi cao quanh năm mù sương, hợp với khí hậu, thổ nhưỡng Huồi Tụ- Kỳ Sơn.
Từ vài ha thử nghiệm, Tổng đội TNXP Huồi Tụ mở rộng lên 400 ha chè Tuyết shan. Có nguyên liệu, anh lặn lội ra tận Phú Thọ tìm một chuyên gia chế biến chè, mời về Kỳ Sơn truyền thụ kinh nghiệm chế biến. Tỉnh đầu tư cho Tổng đội 200 triệu đồng mua 7 chiếc lò quay mini, mỗi ngày cho ra lò hơn 1 tấn sản phẩm. Tổng đội tự mày mò chế tạo bao bì, đóng gói, tự tìm thị trường tiêu thụ. Chè Tuyết shan thành nguồn thu nhập chính, giúp TNXP trụ vững nơi miền biên ải.
Giống hoa ly nhập từ Hà Lan sau chặng đường nghìn dặm, đến đất Kỳ Sơn gặp khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp, đua nhau đâm chồi nảy lộc. Với hơn 1.000 cây hoa ly bán ra thị trường dịp Tết, Tổng đội TNXP 8 có thu nhập thêm khoảng 300- 400 triệu đồng. TƯ Đoàn quyết định thành lập Làng thanh niên lập nghiệp Na Ngoi tại bản Ca Trên, Nguyễn Trọng Cảnh được điều động sang làm "trưởng làng" và mang theo hàng nghìn cây hoa ly trồng thử nghiệm. Các đội viên đào ao, xây 6 bể nuôi cá hồi, thả gần 1.000 con cá giống. Với nền nhiệt ổn định từ 15-18 độ C, đàn cá hồi sinh sôi nảy nở. "Từ năm 2008 đến nay, Làng thanh niên lập nghiệp Na Ngoi đã xuất bán được 3 mẻ cá hồi, thu về hàng trăm triệu đồng!" "trưởng làng" - Nguyễn Trọng Cảnh khoe.
Chè Tuyết shan, hoa ly, cá hồi là sản phẩm của tuổi trẻ miền Tây xứ Nghệ. Trên mỗi cánh hoa thấm đậm giọt mồ hôi, nước mắt của người đội viên tình nguyện. Từ cổng trời chót vót Huồi Tụ, Na Ngoi núi rừng Kỳ Sơn, cánh hoa rộn ràng về phố...
Quang Long Nguồn: Báo Nghệ An |