KẾ HOẠCH SỐ 159/KH-UBND.VX NGÀY 08/05/2009 VỀ PHÒNG CHỐNG DỊCH CÚM A(H1N1) Ở NGƯỜI, TỈNH NGHỆ AN
A. Tình hình chung
1. Bệnh cúm và đại dịch cúm: Cúm ở người là bệnh của cơ quan đường hô hấp do vi rút có tính chất lây nhiễm cao gây nên, là bệnh có nguy cơ đe dọa sức khoẻ cộng đồng vì lây lan nhanh. Vi rút cúm có nhiều chủng khác nhau, gây bệnh cho gia súc, gia cầm và con người. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng nặng như viêm phổi bội nhiễm và dễ tử vong. Vi rút cúm dễ biến đổi gen và đã từng phát thành đại dịch trong lịch sử.
2. Dịch cúm A(H1N1): - Trên thế giới : Dịch cúm A(H1N1) được phát hiện đầu tiên tại Mexico vào ngày 18/3/2009. Đến ngày 5/5/2009 bệnh đã được ghi nhận ở 21 nước của 5 châu lục với hơn 1.000 ca xét nghiệm dương tính với vi rút cúm A(H1N1), ở châu Á đã có 2 quốc gia là Trung Quốc và Hàn Quốc được thông báo có bệnh nhân nhiễm cúm A(H1N1). Mexico, nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất đã có 26 người bị tử vong. - Tại Việt Nam: Hiện tại chưa có trường hợp nào được xác nhận nhiễm cúm A(H1N1).
3. Nhận định và dự báo nguy cơ xảy ra đại dịch: Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã báo động dịch ở mức 5 (trên 6 mức độ). Dịch cúm A(HlNl) đang diễn biến hết sức phức tạp, đã được ghi nhận là vi rút truyền từ người sang người, tốc độ lây truyền nhanh. Nguy cơ dịch sẽ xảy ra tại Việt Nam nói chung và Nghệ An là rất cao.
B. MỤC TIÊU VÀ CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG
I. KHI CHƯA CÓ DỊCH XẨY RA
1. Mục tiêu - Giám sát phát hiện sớm ca bệnh mắc đầu tiên, điều trị, khống chế và bao vây không để dịch lây lan trên diện rộng. - Nâng cao nhận thức của cộng đồng về tính chất nguy hiểm, đường lây truyền, cách phòng bệnh, các triệu chứng và xử trí bệnh dịch. - Các cơ sở Y tế từ tỉnh đến xã (phường, thị trấn) chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng phòng chống dịch có hiệu quả. - Hạn chế tối đa những ảnh hưởng không tốt của dịch bệnh đến sự phát triển kinh tế xã hội, đời sống của nhân dân và khách du lịch.
2. Các giải pháp phòng, chống dịch 2.1. Công tác Thông tin tuyên truyền - Làm tốt công tác tuyên truyền cho toàn dân, các cấp các ngành, các tổ chức chính trị, đoàn thể cần nâng cao nhận thức về tính chất nguy hiểm, đường lây truyền, cách phòng bệnh, các triệu chứng và xử trí bệnh dịch. - Nâng cao ý thức trách nhiệm về thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, làng xóm; vệ sinh công sở, công trường, nhà máy, trường học đến vệ sinh gia đình, cá nhân,... thực hiện 4 khuyến cáo và 6 thông điệp về vệ sinh an toàn thực phẩm. - Tăng cường thời lượng đưa tin tại chuyên mục thời sự trên hệ thống phát thanh, truyền hình, báo,... với nội dung phù hợp với tình hình diễn biến dịch trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng để người dân dễ tiếp cận với thông tin về tình hình dịch và cách phòng chống bệnh. 2.2. Xây dựng kê hoạch đảm bảo về nhân lực, hậu cần: Đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, hoá chất, dịch truyền, phương tiện bảo hộ,... phục vụ công tác phòng chống dịch. Sở Y tế, phòng Y tế các huyện chịu trách nhiệm chỉ đạo sử dụng cơ số thuốc, hoá chất dự phòng đạt hiệu quả cao, đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh, huyện (TP, TX) xử lý kịp thời thuốc, hoá chất cho phòng, chống dịch. 2.3. Tổ chức tập huấn Công tác chuyên môn về phòng, chống dịch cho cán bộ Y tế cơ quan, trường học, nhà hàng, khách sạn (chú ý các điểm vui chơi, khu du lịch,...). 2.4. Giám sát phát hiện ca bệnh: Giám sát phát hiện sớm ca bệnh mắc đầu tiên. Giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu biên giới, chốt kiểm dịch động vật và bến cảng, các cơ sở du lịch,... Đảm bảo tất cả các khách nhập cảnh phải hoàn chỉnh tờ khai báo sức khoẻ, đo thân nhiệt, cách ly xử lý những trường hợp nghi ngờ bị bệnh dịch. Những người từ vùng dịch ở nước khác đến phải được theo dõi trong vòng 7 ngày ở nơi cư trú.
II. KHI CÓ DỊCH BỆNH XẨY RA
1. Mục tiêu - Phân loại, tổ chức thu dung tại chỗ, điều trị tích cực, đúng phác đồ Bộ Y tế ban hành; đồng thời khống chế không để dịch lây lan trên diện rộng; - Hạn chế tối đa số người mắc bệnh và tử vong; - Chủ động phòng, chống dịch đạt hiệu quả trong mọi tình huống.
2. Các giải pháp phòng, chống dịch 2.1. Công tác Thông tin tuyên truyền - Tăng cường Công tác tuyên truyền trong cộng đồng về tính chất nguy hiểm, đường lây truyền, cách phòng bệnh, các triệu chứng mắc bệnh và xử trí bệnh dịch. - Đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, sản xuất và cung cấp đầy đủ tờ rơi về các biện pháp phòng, chống địch cúm A đến cộng đồng và hộ gia đình nhằm nâng cao ý thức về trách nhiệm thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống. Đặc biệt theo dõi sát tình hình diễn biến tại thời điểm dịch xảy ra tại địa bàn. 2.2. Công tác chuyên môn: a. Công tác Y tế dự phòng: Chuẩn bị kế hoạch phòng chống khẩn cấp: Xây dựng kế hoạch về nhân lực, vật tư hoá chất, phương tiện bảo hộ, kinh phí đảm bảo cho công tác chống dịch trên địa bàn toàn tỉnh. Sở Y tế có trách nhiệm trình UBND tỉnh phê duyệt. Triển khai tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về năng lực giám sát, phát hiện ca bệnh; xác định đặc điểm dịch tễ học của bệnh cúm mới, bao gồm cả thời gian ủ bệnh, tiến hành điều tra theo mẫu chung; ngăn chặn sự lây lan và xử lý ổ dịch theo đúng quy định. Tăng cường công tác giám sát từ tỉnh đến huyện, xã phường thị trấn: thu thập thông tin về dịch cúm và vi rút cúm đề ra các chính sách và biện pháp phòng chống dịch cúm kịp thời và hiệu quả. Kết hợp quân dân y, các đoàn thể xã hội trong giám sát phòng chống dịch, vệ sinh môi trường. b. Công tác điều trị: Tăng cường về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực cho bệnh viện Tỉnh để sẵn sàng tiếp nhận thu dung điều trị cách ly bệnh nhân cúm A (H1N1). Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế toàn tỉnh về "Hướng dẫn chẩn đoán, xử trí và phòng lây nhiễm cúm A(HlNl) ở người" ban hành kèm theo Quyết định số 1440/QĐ-BYT ngày 29 tháng 4 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Đảm bảo trang thiết bị chẩn đoán, điều trị và theo dõi như. X-Quang tại giường, xét nghiệm tại giường, monitor, máy thở, trợ hô hấp, bơm tiêm điện. Đảm bảo đủ thuốc: Kháng sinh chống bội nhiễm, các thuốc kháng vi rút, dịch truyền. Khoa truyền nhiễm Bệnh viện HNĐK tỉnh là nơi thu dung điều trị khi dịch nhỏ xảy ra; đảm bảo các phương tiện bảo hộ đạt tiêu chuẩn: Khẩu trang, quần áo bảo hộ, găng tay, mặt nạ che mặt. Có đủ các dung dịch rửa tay và khử khuẩn với nồng độ cao hơn nồng độ khử khuẩn thông thường. Tiêu trùng, khử độc trong buồng bệnh, môi trường xung quanh và xe vận chuyển bệnh nhân. Các phương tiện thu gom và xử lý chất thải y tế đúng tiêu chuẩn. Khử khuẩn các dụng cụ, trang bị y tế theo quy trình đặc biệt. Đảm bảo hậu cần, phục vụ dinh dưỡng cho bệnh nhân và cán bộ làm việc tại khu vực cách ly. Thành lập đội y tế điều trị lưu động bao gồm: Nhân lực (kíp điều trị) trang thiết bị, thuốc, hoá chất, phương tiện bảo hộ, xe cứu thương (để chi viện kịp thời cho các cụm khi xảy ra dịch).
3. Công tác hậu cần: Tăng cường nguồn lực đáp ứng cho công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Tuyệt đối không để thiếu thuốc, hoá chất, dịch truyền,...
4. Thông tin báo cáo - Thực hiện nghiêm túc "Quy chế thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm gây dịch" ban hành kèm theo Quyết định số 4880/2002/QĐ-BYT ngày 06/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế; báo cáo dịch kịp thời về Sở Y tế (qua Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh theo số điện thoại: 0383.568.824, Phòng Nghiệp vụ y SYT: 0383.566.805), hoặc điện thoại trực tiếp cho cán bộ trực tiếp theo dõi tình hình dịch bệnh (BS Bùi Đình Long - TP Nghiệp vụ y 0912.065.199; BS Phạm Đình Du - PGĐ Trung tâm YTDP tỉnh: 0912.057.766). - Công bố dịch: Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tổng hợp tình hình và tham mưu cho Giám đốc Sở Y tế công bố dịch bệnh xẩy ra trên địa bàn tỉnh, báo cáo kịp thời diễn biến dịch về Bộ Y tế và UBND tỉnh để chỉ đạo xử lý.
C. PHÂN CÔNG TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Y tế. - Xây dựng kế hoạch đảm bảo nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, hoá chất, dịch truyền, phương tiện bảo hộ, kinh phí, . . . trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt để báo cáo Bộ Y tế, triển khai phòng chống dịch, theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh và tổ chức điều trị bệnh nhân theo quy định. Hướng dẫn Y tế các huyện, thành phố, thị xã (sau đây gọi là huyện) xây dựng kế hoạch bổ sung trình UBND huyện phê duyệt và báo cáo Sở Y tế. - Tổ chức tập huấn cho cán bộ Y tế trên địa bàn (trong và ngoài công lập) về nghiệp vụ chuyên môn theo tài liệu của Bộ Y tế ban hành. - Triển khai các biện pháp phòng chống dịch: Tuyên truyền, giám sát dịch tễ, kiểm tra, tổ chức điều trị bệnh nhân và đáp ứng kịp thời khi dịch xảy ra. - Nắm chắc diễn biến tình hình dịch hàng ngày để báo cáo lãnh đạo tỉnh và tham mưu kịp thời các giải pháp để lãnh đạo tỉnh giải quyết kịp thời. Giám đốc Sở Y tế chịu trách nhiệm chỉ đạo chung về công tác chuyên môn trong toàn tỉnh; báo cáo Bộ Y tế và UBND tỉnh về tình hình dịch và công bố dịch.
2. Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin - Truyền thông, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An và các cơ quan thông tin báo chí của địa phương: * Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch: Chỉ đạo các đơn vị tham gia hoạt động du lịch, phối hợp và tăng cường công tác kiểm dịch y tế tại các khách sạn, khu du lịch, giám sát chặt các trường hợp khách du lịch đến từ các địa phương đang có dịch. Chỉ đạo các đơn vị tham gia dịch vụ du lịch có kế hoạch bảo vệ khách du lịch, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, phương tiện phòng chống dịch cho khách du lịch, giám sát ca bệnh và báo ngay cho Y tế nơi gần nhất. Phụ trách chỉ đạo TP Vinh, huyện Hưng Nguyên. * Sở Thông tin - Truyền thông: Chỉ đạo ngành trong toàn tỉnh phối hợp với ngành Y tế làm tốt công tác tuyên truyền theo yêu cầu của kế hoạch; chú ý tuyên truyền trực quan, tuyên truyền trên hệ thống phát thanh tại các xã (phường, thị trấn) và làng (bản, khối xóm), các cơ quan, đơn vị, trường học,... Phụ trách chỉ đạo huyện Anh Sơn, Tân Kỳ. * Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh: Tăng cường thời lượng phát sóng các nội dung tuyên truyền về biện pháp phòng chống dịch bệnh tại địa phương trên 2 sóng phát thanh và truyền hình vào chuyên mục thời sự hàng ngày để mọi người dân hiểu và thực hiện. Chỉ đạo các đài truyền thanh, truyền hình các huyện (thành phố, thị xã) tuyên truyền công tác phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng. Phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế để đảm bảo đưa tin chính xác, kịp thời về diễn biến dịch. Phụ trách chỉ đạo huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu * Báo Nghệ An và các báo khác đóng trên địa bàn: Tăng cường số lượng tin, bài về các nội đung tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại địa phương để mọi người dân hiểu và thực hiện. Phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế đưa tin chính xác, kịp thời về diễn biến dịch. Báo Nghệ An: Phụ trách chỉ đạo huyện Nghi Lộc
3. Sở Giáo dục và Đào tạo: Tuyên truyền vệ sinh phòng dịch, vệ sinh môi trường,... trong nhà trường cho giáo viên và học sinh các trường phổ thông, sinh viên trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề,... đóng trên địa bàn tỉnh. Phụ trách chỉ đạo huyện Con Cuông.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Chỉ đạo các cơ sở sản xuất, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, các hộ gia đình trồng hoa màu trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chỉ đạo, quản lý, cung cấp nguồn nước sinh hoạt, các công trình vệ sinh (Giếng nước, nhà tiêu,...) đảm bảo hợp vệ sinh. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm; chú ý tại các cửa khẩu, điểm chốt kiểm dịch,... Phụ trách chỉ đạo huyện Quế Phong, Quỳ Châu và Quỳ Hợp.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chỉ đạo công tác làm sạch vệ sinh môi trường trên địa bàn toàn tỉnh. Phụ trách chỉ đạo huyện Kỳ Sơn và Tương Dương
6. Sở Công Thương: Phối hợp với ngành Y tế và các ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm đến mọi người dân để góp phần hạn chế dịch lây lan. Phụ trách chỉ đạo huyện Thanh Chương, Đô Lương.
7. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với ngành Y tế, tham mưu xử lý kịp thời về kinh phí để phục vụ công tác phòng chống dịch. Sở Tài chính phụ trách chỉ đạo huyện Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hoà; Sở Kế hoạch và Đầu tư phụ trách chỉ đạo huyện Yên Thành.
8. Công an tỉnh: Phối hợp với các ngành liên quan trong công tác thanh kiểm tra vận chuyển, lưu thông hàng hoá thực phẩm đảm bảo đúng quy định. Điều hành các phương tiên giao thông thực hiện việc tiêu trùng, khử độc tại các chốt kiểm tra ra vào vùng dịch. Phụ trách chỉ đạo huyện Nam Đàn.
9. Bộ chỉ huy Quân sự, Bộ đội Biên phòng tỉnh: Chỉ đạo lực lượng quân Y triển khai công tác phòng chống dịch, tuyên truyền và tổ chức thực hiện trong bộ đội, làm tốt công tác quân dân y kết hợp trong mọi tình huống; đặc biệt vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Phụ trách chỉ đạo huyện Thị xã Cửa Lò .
10. Công ty cổ phần Dược - Vật tư y tế Nghệ An: Đảm bảo cung cấp đủ thuốc, hoá chất, dịch truyền, trang thiết bị y tế, đồ dùng phòng hộ,... khi có yêu cầu và đảm bảo cơ số dự trữ cho toàn tỉnh.
11. Các tổ chức, đoàn thể: Thanh niên, Phụ nữ, Uỷ ban MTTQ tỉnh,... phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, tham gia các chiến dịch vệ sinh môi trường vệ sinh an toàn thực phẩm và các hoạt động phòng chống dịch theo quy định.
12. Trường Cao đẳng Y tế: Huy động lực tượng học sinh, sinh viên tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về kiến thức phòng chống dịch cúm A(H1N1); tham gia phòng chống dịch khi có yêu cầu.
13. UBND các huyện, thị xã, thành phố Vinh khẩn trương triển khai và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả kế hoạch phòng chống dịch: - Củng cố Ban chỉ đạo phòng chống dịch tại địa phương, phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên. Xây dựng, bổ sung kế hoạch phòng chống dịch của địa phương; Đồng thời chỉ đạo các xã, phường, thị trấn xây dựng bổ sung kế hoạch phòng chống dịch và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn; - Tăng cường giám sát, phát hiện ca mắc bệnh đầu tiên; Chỉ đạo các cơ sở điều trị chuẩn bị đầy đủ dịch truyền, thuốc, hoá chất, trang thiết bị, vật tư,... để điều trị bệnh nhân và thực hiện nghiêm túc việc phòng lây nhiễm trong bệnh viện; - Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, truyền thông cho cộng đồng trong phòng chống bệnh cúm A(HlNl); - Cấp đủ kinh phí cho công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn huyện trên cơ sở tham mưu của y tế huyện, thành, thị; - Các địa phương có khu du lịch, trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, khu công nghiệp, công trường xây dựng lớn cần chú ý tăng cường công tác quản lý đảm bảo công tác vệ sinh, phòng dịch cho khách du lịch (đặc biệt là khách nước ngoài), học sinh, sinh viên và công nhân trên địa bàn;
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Vinh chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn phụ trách;
Trên đây là kế hoạch phòng, chống dịch bệnh cúm A(H1N1) trên địa bàn tỉnh Nghệ An, yêu cầu Thủ trưởng các ngành, các cấp triển khai thực hiện nghiêm túc. Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn vướng mắc phản ánh kịp thời về cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm ở người của tỉnh (Sở Y tế Nghệ An, Số 18 - Trường Thi, TP Vinh; số ĐT: 0383.844.791 hoặc 0383.566805) ./.
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Xuân Đường |