Mỗi một hành động nhỏ của người dân như: tắt, không sử dụng các thiết bị điện không cần thiết trong 1 giờ đồng hồ sẽ tạo ra ý nghĩa lớn trong việc tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Ngay từ lúc này, chúng ta hãy hành động...
|
Hưởng ứng Chiến dịch “Giờ Trái đất”. Ảnh Internet. |
Qua hơn 4 năm triển khai, ý nghĩa của chương trình “Giờ Trái đất” ngày càng lan rộng trong nhận thức của người dân. Để chương trình không bị bó hẹp ở địa bàn TP Vinh, UBND tỉnh đề nghị các cơ quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các địa bàn vùng nông thôn. Vì thế, năm nay, số lượng băng rôn, phướn được treo sẽ nhiều hơn năm 2013 và mở rộng đến các địa phương vùng sâu, vùng xa. Ông Trần Ngọc Tuyên, Phó phòng Kinh doanh công ty cho biết: Từ ngày 20/3, công ty đã tiến hành cấp phát băng rôn, phướn về cho các đơn vị cấp huyện. Tổng số băng rôn, phướn cấp phát là 170 cái. Cùng với đó, công ty đã ban hành thông báo bằng văn bản cho cán bộ công nhân viên hưởng ứng Chiến dịch “Giờ Trái đất” bằng việc tắt các nguồn điện không cần thiết, đồng thời phối, kết hợp với các chính quyền, tổ chức trên địa bàn huyện tuyên truyền sâu rộng để nâng cao ý thức tự nguyện của người dân.
Tuy kế hoạch hưởng ứng Chiến dịch “Giờ Trái đất” mà UBND tỉnh ban hành trong thời gian ngắn nhưng nhờ sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, tổ chức đoàn thể nên các công tác chuẩn bị đến thời điểm này cơ bản đã hoàn chỉnh. Tỉnh đoàn là đơn vị được UBND tỉnh phân công chuẩn bị các hoạt động chính cho chương trình. Theo kế hoạch, vào sáng 29/3, tại Trường Đại học Vinh sẽ diễn ra hoạt động mít tinh có sự tham gia của khoảng 1.000 sinh viên, đoàn viên thanh niên. Ngoài các hoạt động văn nghệ, tổ chức giới thiệu chương trình, năm nay sẽ có thêm hoạt động trồng cây xanh trong khuôn viên Trường ĐH Vinh. Sau lễ mít tinh, hơn 300 đoàn viên thanh niên cùng đại diện UBND tỉnh, các sở, ban, ngành sẽ chia thành 2 đoàn tổ chức đạp xe diễu hành trên các trục đường ở Thành phố Vinh để tạo sự hưởng ứng sâu rộng trong toàn thể nhân dân.
Anh Phạm Văn Toàn, Phó ban Thanh niên nông thôn, công nhân và đô thị cho biết: Chương trình hưởng ứng “Giờ Trái đất” là một trong những hoạt động trọng tâm trong tháng 3 – Tháng Thanh niên. Xác định được tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của chương trình nên Tỉnh đoàn đã xây dựng kế hoạch cụ thể, tiết kiệm và đạt hiệu quả cao nhất. Riêng hoạt động đạp xe diễu hành không chỉ nâng cao ý thức, nhận thức của đoàn viên, thanh niên và cả cộng đồng xã hội tham gia hưởng ứng Chiến dịch “Giờ Trái đất”.
Để thu hút đông đảo đoàn viên, sinh viên tham gia, Tỉnh đoàn đã có công văn đề nghị các cấp Đoàn cơ sở tích cực tham gia hưởng ứng. Trong đó, đề nghị các cấp Đoàn cơ sở cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong đoàn viên, thanh, thiếu nhi và nhân dân xây dựng và hình thành thói quen sử dụng năng lượng điện hiệu quả, tiết kiệm; nâng cao ý thức việc trồng, chăm sóc cây xanh; trách nhiệm về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống nhằm góp phần giảm thiểu các tác hại do biến đổi khí hậu gây ra, góp phần thực hiện an sinh xã hội trên địa bàn toàn tỉnh. Các tổ chức Đoàn tùy vào điều kiện cụ thể để tiến hành tổ chức các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Tổ chức ngày hội tái chế, đạp xe đạp cổ động, tắt các thiết bị điện không cần thiết, tuyên truyền sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện, trồng cây xanh bảo vệ môi trường, tổ chức vẽ tranh tập thể với chủ đề tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường…
Đối với lớp trẻ, chương trình hưởng ứng Chiến dịch “Giờ Trái đất” không chỉ là một hoạt động Đoàn có ý nghĩa mà còn là thể hiện sự nhận thức, vai trò của mình trong việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Hơn 2 năm tham gia sự kiện Chiến dịch “Giờ Trái đất”, bạn Hoàng Trúc Linh, sinh viên khoa Luật, Trường ĐH Vinh luôn cảm thấy hào hứng, phấn khởi được đóng góp một phần sức lực trong việc cỗ vũ, tuyên truyền cho xã hội về ý nghĩa của chương trình. Linh cho biết: Mỗi năm một chủ đề khác nhau nhưng em thấy đây là hoạt động rất có ý nghĩa. Em mong muốn mỗi sinh viên là một sứ giả của “Giờ Trái đất” và ý thức tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường sinh thái không chỉ trong 1 giờ mà trong cả 365 ngày trong một năm. Ứng phó với biến đổi khí hậu không phải là điều gì quá xa vời mà hãy bắt đầu từ những việc làm cụ thể như tắt những bóng đèn không cần thiết, tới trường bằng xe đạp thay vì quá phụ thuộc vào xe máy và ô tô, hạn chế sử dụng túi ni lông và ống hút nhựa, sử dụng bóng đèn compact..
Bí thư Đoàn Trường Đại học Vinh, anh Nguyễn Anh Chương cho biết: Tuyên truyền về ý thức tiết kiệm, bảo vệ môi trường là việc làm thường xuyên được Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên Đại học Vinh quan tâm. Để hưởng ứng Chiến dịch “Giờ Trái đất”, trường sẽ tổ chức các hoạt động cụ thể như: Diễu hành tuyên truyền hưởng ứng Giờ Trái Đất, ra quân vệ sinh môi trường, giữ gìn khuôn viên trường lớp xanh - sạch - đẹp, diễn đàn “Xây dựng hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ đổi mới”. Giáo dục HSSV ý thức tiết kiệm từ những hành động đơn giản như tắt đèn và thiết bị điện không cần thiết, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên ở giảng đường, ở khu ký túc xá và cả nhà riêng.
Không chỉ HSSV tiết kiệm mà cán bộ, công nhân viên cũng phải gương mẫu nêu cao tinh thần tiết kiệm trong sử dụng điện, nước, xăng xe, văn phòng phẩm... Trong Tháng Thanh niên, trường sẽ tổ chức đẩy mạnh các hoạt động để hưởng ứng chương trình bảo vệ môi trường như phát động phong trào "Giảng đường xanh", "Ký túc xá xanh", "Tiết kiệm của công, bảo vệ môi trường" hay "Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo vệ của công..." trong cán bộ, công nhân viên, HSSV... Nhờ đó, mỗi năm nhà trường tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng. “Giờ Trái đất” 2014, Đại học Vinh xác định sẽ huy động sinh viên tham gia một cách tích cực và xem đây là dịp để nâng cao nhận thức xây dựng nếp sống "xanh" cho các bạn trẻ.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền mà đến nay, nhận thức của người dân về ý nghĩa cũng như mục đích của Chiến dịch “Giờ Trái đất” ngày một nâng cao. Gần 1 năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Hòa, số nhà 33, đường Nguyễn Quốc Trị, phường Hưng Bình (TP. Vinh) đã tập thói quen cho các thành viên sử dụng tiết kiệm điện. Khi không có nhu cầu sử dụng, bà Hòa đã tắt đi các bóng điện ngoài sân, hành lang và những đồ dùng không cần thiết. Bà Hòa chia sẻ: Đây là chương trình rất ý nghĩa và thiết thực vì bản thân gia đình chúng tôi cũng thấy rõ rằng, tiết kiệm điện chính là tiết kiệm chi phí sinh hoạt trong gia đình. Trung bình mỗi tháng, gia đình tôi tiết kiệm được gần 100 ngàn đồng tiền điện. Nhà nước cần có nhiều chương trình hơn nữa vì tiết kiệm điện không chỉ một ngày mà cần trở thành một hoạt động thường xuyên. Mỗi người, mỗi nhà tiết kiệm một ít, nhân lên cả cộng đồng là rất lớn.
Biến đổi khí hậu đã và đang sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến đời sống của người dân và mọi hoạt động kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu. Việc giảm nhẹ và thích ứng với biến đồi khí hậu là quyền lợi và cũng là trách nhiệm của toàn xã hội. Các hoạt động nhằm mục đích tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về biến đồi khí hậu là rất thiết thực và cần được phổ biến rộng rãi. Với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể cùng sự tự giác tham gia của người dân, hy vọng chương trình hưởng ứng Chiến dịch “Giờ Trái đất” năm 2014 sẽ đạt được ý nghĩa và hiệu quả cao. Đây là tiền đề, cơ sở để chúng ta tổ chức tốt hơn chương trình này trong năm sau. Và lớn lao hơn nữa là cùng nâng cao nhận thức của toàn cộng đồng xã hội trong việc tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.
Phạm Bằng-Báo Nghệ An