Tăng trách nhiệm tự chủ trong khoán chi hành chính
4/3/2015 2:57:38 PM

 Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí tại các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện nhiều năm qua. Hầu hết các đơn vị đã có những giải pháp sắp xếp lại bộ máy, sử dụng lao động và nguồn lực tài chính hiệu quả để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đồng thời tăng thu nhập cho người lao động. 

Giảm cơ chế xin cho
 
Sở GTVT Nghệ An là 1 trong 4 đơn vị được UNBD tỉnh chọn làm điểm trong  thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định số 130 (ngày 10/5/2005) của Chính phủ về quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính. Hàng năm, sở xây dựng, bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ, trên cơ sở đóng góp ý kiến từ Đảng ủy, Ban giám đốc, công đoàn, đoàn thể và lấy ý kiến công khai, dân chủ của cán bộ, CNVC. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, Sở GTVT đã tinh gọn bộ máy, góp phần nâng cao hiệu quả điều hành quản lý và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
 
Trên cơ sở kế hoạch hoạt động, Văn phòng sở phối hợp với các phòng, ban thực hiện khoán công tác phí, xăng xe cho các phòng, ban, bộ phận. Để tiết kiệm giấy, văn phòng phẩm, các văn bản đều được xử lý qua mạng, đồng thời nâng cao kỹ năng soạn thảo, xử lý văn bản, quản lý chặt chẽ thời gian làm việc, nâng cao hiệu quả công tác của cán bộ, công chức. Quá trình thực hiện, nguồn kinh phí tiết kiệm được tương đối khá, sở trích vào nguồn quỹ phúc lợi xã hội phục vụ cho hoạt động của các đoàn thể, giúp đỡ xã  nghèo, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, bổ sung kinh phí đào tạo cán bộ, mua sắm trang thiết bị, cải tạo trụ sở làm việc. 
 
Chuẩn bị tài liệu phục vụ hội nghị tại Văn phòng Tỉnh ủy.
Chuẩn bị tài liệu phục vụ hội nghị tại Văn phòng Tỉnh ủy.
 
Ở Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An, cơ chế tự chủ đã tạo tính tự chủ cho đơn vị trong các quyết định tài chính sát thực với thực tiễn hơn. Cụ thể, trung tâm đã thực hiện đầy đủ cơ chế quản lý tài chính, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực và tài sản để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó cơ chế tự chủ cũng đã giúp trung tâm mở ra khả năng liên kết, huy động các nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, phát triển hoạt động sự nghiệp. 
 
Còn Trung tâm điều dưỡng thương binh tâm thần kinh Nghệ An (thuộc Sở LĐ-TB &XH), có nhiệm vụ đặc thù là quản lý, phục vụ, chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị thương, bệnh binh tâm thần, có tỷ lệ thương tật đặc biệt từ 81% trở lên của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Quá trình thực hiện cơ chế tự chủ, bà Nguyễn Thị Thảo, Phó Giám đốc trung tâm cho biết: “Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế và tài chính, hàng năm đơn vị chủ động thực hiện các quy định của cơ chế tự chủ. Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nội dung được trung tâm thực hiện có hiệu quả trong nhiều năm qua… Kết quả, hàng năm đều giảm từ 40 - 50% so với những năm trước. Trong đó một số khoản chi tiêu hành chính trong các năm đã tiết kiệm được đáng kể như: tiền điện giảm 17,3 triệu đồng/năm; tiền xăng dầu giảm gần 36 triệu đồng, thông tin liên lạc giảm hơn 4 triệu đồng… Nguồn tiết kiệm được đã bổ sung các quỹ, tăng thu nhập, động viên cán bộ, công nhân viên lao động, cống hiến”. 
 
Cấp đổi GPLX giảm nhiều thủ tục cho người dân
Cấp đổi GPLX giảm nhiều thủ tục cho người dân
 
Đối với cấp huyện, thực hiện cơ chế khoán chi hành chính, hầu hết các đơn vị đã giảm được “xin – cho”, tự chủ trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Ông Nguyễn Văn Hải - Trưởng phòng Hành chính sự nghiệp - Sở Tài chính cho biết thêm: Qua theo dõi 144 đơn vị sự nghiệp công lập và 46 đơn vị quản lý hành chính nhà nước, các đơn vị trực thuộc Đảng, đoàn thể cấp tỉnh cho thấy, các đơn vị chủ động hơn trong việc sử dụng kinh phí được giao, hầu hết  xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý tài sản công, coi đây là một trong những công cụ quản lý tài chính tại đơn vị. Các cơ quan, đơn vị thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã triển khai nhiều biện pháp để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và sử dụng kinh phí đúng mục đích, hiệu quả, tăng cường thực hành tiết kiệm, tạo nguồn chi trả thu nhập tăng thêm. Cơ sở vật chất của đơn vị sự nghiệp cũng được tăng cường, từng bước giảm bớt sự “can thiệp” trực tiếp của cơ quan quản lý cấp trên, chủ động phân cấp cho các đơn vị trực thuộc về mua sắm, sửa chữa, thanh lý tài sản theo quy định
 
Còn nhiều khó khăn
 
Khoán chi hành chính là một chủ trương lớn, tăng tính tự chủ trong quản lý ngân sách, giảm tư tưởng “xin - cho” như trước đây. Chủ trương này thực sự hiệu quả khi các đơn vị thật sự đổi mới tư duy, cải cách hành chính, không cào bằng trong lao động và hưởng thụ. Tuy nhiên, một số cơ quan và CBCC chưa hiểu đúng tinh thần Nghị định số 130/2005/ QĐ-CP, đang đơn thuần coi việc thực hiện chế độ tự chủ là tiết kiệm chi phí, tăng thu nhập CBCC mà chưa chú trọng đến yêu cầu về đổi mới cơ chế quản lý, tăng quyền tự chủ và trách nhiệm cho cơ quan, đơn vị trong việc sắp xếp bộ máy, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu suất lao động, hiệu quả công việc.
 
Bên cạnh đó, việc xây dựng và thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý tài sản, quy chế công khai tài chính còn gặp khó khăn, vướng mắc; Chế độ, chính sách liên quan đến công tác chi tiêu không ổn định, đặc biệt chỉ số giá tiêu dùng thường xuyên biến động, nhất là liên quan đến chế độ công tác phí, tiếp khách… Một số đơn vị xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ thiếu khoa học, chưa công khai rộng rãi cho người lao động. Nhiều đơn vị chưa có báo cáo tình hình thực hiện chế độ tự chủ theo quy định. Một số ngành, đơn vị chưa chú trọng việc tổ chức sơ kết tình hình thực hiện chế độ tự chủ để rút kinh nghiệm và có biện pháp triển khai kịp thời. Thời gian qua, do điều kiện ngân sách khó khăn nên các năm, Chính phủ đã đề ra chủ trương cắt giảm chi tiêu công nên khó khăn cho các đơn vị trong chế độ thực hiện tự chủ tài chính.
 
Theo ông Nguyễn Mạnh Hưng - Phó Giám đốc Sở Tài chính, khoán chi hành chính là một chủ trương đúng đắn, cải cách mạnh mẽ tài chính công. Để thực hiện hiệu quả hơn, yêu cầu bắt buộc là các đơn vị phải xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, thảo luận rộng rãi giữa người quản lý và người lao động và cần được công khai minh bạch. Các cơ quan chủ quản thực hiện tốt việc xét duyệt quyết toán năm của các đơn vị trực thuộc, trong đó xác định rõ số kinh phí tiết kiệm được và chênh lệch thu chi trong hoạt động sự nghiệp dịch vụ trong năm để đơn vị thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm trích lập quỹ theo quy định. 
 
Đối với người sử dụng lao động cần xác định nhiệm vụ cụ thể, vị trí, chức năng nhiệm vụ cho từng bộ phận, từng cán bộ, công chức, nâng cao đạo đức công vụ, ý thức trách nhiệm, đổi mới về chất trong quản lý và lao động, cùng nâng cao hiệu quả công việc. Hiện nay để tiếp tục thực hiện cơ chế khoán chi hành chính, Chính phủ tiếp tục Nghị định số 04/ 2015 về nâng cao dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị công lập. Vì vậy, bên cạnh nâng cao trách nhiệm tự chủ thì yêu cầu phải công khai cho tập thể người lao động để mỗi thành viên trong đơn vị tham gia vào quản lý tài chính công hiệu quả nhất.  
 
Châu Lan - Thanh Lê - Baonghean.vn
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh