Nghệ An là tỉnh rộng, dân số lớn và cũng đang trong thời kì “dân số vàng”. Đây là điều kiện quan trọng để phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Tuy nhiên, cơ cấu “dân số vàng” cũng đặt ra không ít những khó khăn, thách thức cần được giải quyết. Tốc độ tăng nhanh của dân số trong độ tuổi lao động sẽ là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đó cũng sẽ là gánh nặng nếu tỉ lệ thất nghiệp cao và năng suất lao động thấp.
Thực trạng ở Nghệ An cho thấy, lực lượng lao động đông về số lượng nhưng chất lượng chưa cao. Nguyên nhân là do lao động có tay nghề cao còn ít, công tác quản lý và sử dụng lao động còn nhiều bất cập. Đặc biệt, ở nông thôn, lao động có sức khỏe tốt nhưng lại ít được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật nên dẫn đến chất lượng lao động không đồng đều.
Theo số liệu thống kê sơ bộ thì chỉ khoảng 8% lao động ở nông thôn được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Trong khi đó, chất lượng giáo dục, đào tạo nghề chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Tỉ lệ lao động nông nghiệp cao trong khi diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do quá trình đô thị hóa và chuyển đổi mục đích sử dụng. Từ đó, dẫn đến tình trạng thất nghiệp trong thanh niên gia tăng, trong khi thị trường lao động ngày càng có tính cạnh tranh.
Thanh niên nông thôn vất vả tìm kiếm việc làm ở thành phố |
Một nghịch lí hiện nay ở Nghệ An là tình trạng “chảy máu chất xám” và “chảy máu lao động” đang trong tình trạng đáng báo động. Lớp trẻ Nghệ An sau khi học tập ở các thành phố lớn không muốn trở về quê làm việc, cống hiến. Lý do mà họ đưa ra là về quê rất khó xin việc. Trong lúc đó, lao động phổ thông và lao động nông thôn cũng rời quê để đi tìm việc ở những khu công nghiệp như ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… Hệ quả là ở các vùng nông thôn, lao động nông nghiệp chủ lực lại là những người đã nhiều tuổi, dẫn đến hiệu suất lao động thấp, năng suất không cao. Mặt khác, lao động di cư là thanh niên tăng nhanh nhưng các chính sách lao động, việc làm và các dịch vụ xã hội liên quan vẫn còn nhiều bất cập, không theo kịp tình hình thực tế.
Theo ông Lê Văn Thúy, Trưởng phòng Lao động - Việc làm - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An, hiện trên toàn tỉnh có khoảng 1,7 triệu người trong độ tuổi lao động. Trong đó, riêng năm 2014, số người lao động làm việc tại các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài, làng nghề truyền thống là 14.500 người; số người đi xuất khẩu lao động là 12.500 người, số người tham gia lao động ngoại tỉnh là 9.500 người. Thời gian gần đây, nhờ chính sách thu hút đầu tư nước ngoài nên số lao động trong tỉnh tăng lên. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung ở các địa phương khác, tỉ lệ này vẫn còn thấp. Trong khi đó, dù đã có dấu hiệu bão hòa nhưng lực lượng đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài vẫn chiếm tỉ lệ cao, tập trung nhiều ở các thị trường: Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản, các nước Trung Đông…
Để phát huy lợi thế của cơ cấu “dân số vàng”, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Đó là, duy trì mức sinh hợp lý nhằm kéo dài thời gian cơ cấu “dân số vàng”, làm chậm quá trình “già hóa dân số”; tăng cơ hội việc làm, hướng đến những việc làm tạo giá trị gia tăng cao dựa trên năng suất lao động, đa dạng hóa ngành nghề ở nông thôn, các ngành sử dụng nhiều lao động; mở rộng nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường lao động… Đặc biệt, cần tận dụng và phát huy lợi thế cơ cấu “dân số vàng” thông qua các chương trình phối hợp liên ngành.
.