Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 đề ra đến năm 2015 tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 55%. Với mục tiêu đó, trong những năm qua, các cấp, các ngành của Nghệ An đã nỗ lực và đã phát triển rộng khắp hệ thống đào tạo nghề. Đến nay, tỷ lệ này đã gần trở thành hiện thực, đây là một trong số 15 chỉ tiêu về xã hội mà toàn tỉnh phấn đấu đạt mục tiêu NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 đề ra.
Thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, thời gian qua, ngành lao động thương binh và xã hội cùng các địa phương đã nỗ lực trong công tác đào tạo nghề. Tỉnh Nghệ An hiện có 64 cơ sở dạy nghề, trong đó có 37 cơ sở công lập, 25 cơ sở ngoài công lập. Hàng năm, năng lực đào tạo của hệ thống dạy nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An đáp ứng cho khoảng 66.000 lao động, quy mô đào tạo cũng tăng theo từng năm. Bình quân giai đoạn 2006 - 2010 mỗi năm đào tạo được trên 45.000 người. Hầu hết các cơ sở dạy nghề đều đáp ứng được nhu cầu của người học nghề và rất nhiều lao động tìm được việc làm sau khi ra trường.
Bà Nguyễn Thị Minh - Phó hiệu trưởng Trường TC Nghề KTCN - TCN Nghệ An nói: Hàng năm, trung bình chúng tôi đào tạo từ 1500 đến 1700 lao động, phần lớn các em học sinh nhất là tỷ lệ nữ học may, thêu ren ra đều có việc làm ngay và các công ty lớn đều đến tuyển các em ngay, vì đáp ứng được yêu cầu của họ.
|
Ảnh minh hoạ |
Để đáp ứng nhu cầu đào tạo, tỉnh cũng đã quan tâm hỗ trợ bằng các cơ chế, chính sách cụ thể, để các trường cao đẳng nghề và trung cấp nghề nâng cấp cơ sở vật chất, mở rộng quy mô, nâng cao năng lực đào tạo đạt chuẩn quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ngoài ra, các cơ sở dạy nghề ở các huyện cũng được đầu tư để thu hút người học. Tuy nhiên, một thực trạng hiện nay đang tồn tại đó là ý thức học nghề của lao động chưa cao, phần lớn đang trông chờ ỷ lại các chính sách của nhà nước.
Ông Nguyễn Nhã Sơn – Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Diễn Châu cho biết: Trường mỗi năm chỉ tiêu giao đào tạo từ 12 đến 15 lớp đều đạt và vượt chỉ tiêu, được trang bị nhiều thiết bị dạy học, nhưng lao động ở đây đang còn trông chờ ỷ lại chính sách của nhà nước, cụ thể như đi học theo Chương trình 1956 chứ còn việc bỏ tiền để học nghề đang rất hạn chế, rất ít nên nếu khi nào có đào tạo thì họ lại học và muốn học tại địa phương còn học tại trung tâm rất ít.
Những năm qua, công tác đào tạo nghề ở các huyện miền núi được đặc biệt chú trọng. Hàng năm, có 5.500 - 6.000 lao động miền núi được đào tạo. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập trong đào tạo như nhiều ngành nghề chưa phù hợp với nhu cầu của từng địa phương, chất lượng đào tạo nghề chưa cao.
Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, trong định hướng sắp tới, tỉnh sẽ hình thành hệ thống cơ sở dạy nghề theo 3 cấp đó là: Trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, và trường cao đẳng nghề. Các cơ sở dạy nghề được phân bổ hợp lý theo vùng, và các ngành kinh tế - dịch vụ trên địa bàn tỉnh; Tập trung đầu tư xây dựng hệ thống trường chất lượng cao, đạt chuẩn quốc gia, khu vực và quốc tế, đáp ứng nhu cầu lao động kỹ thuật cao cho các ngành kinh tế mũi nhọn, các khu công nghiệp, khu chế xuất, xuất khẩu lao động chuyên gia.
Ông Đặng Cao Thắng - PGĐ Sở LĐ - TB và XH cho biết: Hiện nay, qua số liệu thống kê thì đã đạt 46% trong năm 2014 và từ nay đến cuối năm hết nhiệm kỳ chúng tôi phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu mà đại hội đảng đề ra, bên cạnh đó chúng tôi tổ chức cho các đơn vị dạy nghề đầu tư hạ tầng tích cực tuyển sinh để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra và hướng đến 2020 đạt 61 % tỷ lệ lao động qua đào tạo.
Theo thông kê thì hiện nay tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của Nghệ An đạt 52%, việc hoàn thành chỉ tiêu 55% theo mục tiêu NQ đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 đề ra là hoàn toàn có thể. Nghệ An đang phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực của vùng Bắc Trung Bộ, và đây là một trong những tiêu chí làm tiền đề để nâng cao chất lượng đào tạo, hiện thực hóa mục tiêu mà NQ26/BCT đã đề ra.