Trong thời gian qua, công tác quản lý và phát triển chợ trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực, số lượng chợ được đầu tư, nâng cấp ngày càng tăng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, hệ thống chợ vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng.
Để khắc phục tồn tại, đẩy nhanh tiến độ phát triển chợ và tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với công trình chợ, việc ban hành quy trình chuyển đổi mô hình quản lý khai thác kinh doanh chợ là nhiệm vụ rất cần thiết, nhằm tạo cơ hội để các chợ phát huy hiệu quả trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Cứ tầm 17 giờ đến 17 giờ 30 phút hàng ngày, đường Nguyễn Trung Ngạn, phường Trường Thi, TP Vinh, tỉnh Nghệ An luôn chật kín người. Đây không phải là tuyến đường chính, trọng điểm nhưng cứ đến giờ tan tầm lại diễn ra cảnh tượng người mua, kẻ bán tấp nập.
Dù phía trong chợ chính Quán Lau, thực phẩm được bày bán rộng rãi, đa dạng các mặt hàng nhưng khu vực chợ cóc được hình thành trên con đường dài chưa đến 500 m này lại tập trung rất nhiều người mua. Tiện đường, giá cả rẻ hơn là hai lý do chính khiến nhiều người phớt lờ quy định cấm họp chợ, mua bán ở hai bên đường. Dù lực lượng chức năng đã nhiều lần nhắc nhở và xử phạt, tịch thu phương tiện nhưng nhiều tiểu thương vẫn cố tình vi phạm. Thực trạng này không chỉ xảy ra tại phường Trường Thi mà còn tái diễn trên nhiều địa bàn trong thành phố.
Tình trạng chợ cóc vẫn còn tái diễn trên địa bàn TP Vinh trong thời gian gần đây |
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có 269 chợ được phân hạng, trong đó có 7 chợ hạng 1, 18 chợ hạng 2 và 244 chợ hạng 3. Về cơ bản, hệ thống các chợ đã đáp ứng cơ bản những nhu cầu thiết yếu của người dân trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác quản lý chợ vẫn đang tồn tại nhiều bất cập, hạn chế.
Trong buổi làm việc vào trung tuần tháng 9 giữa Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Xuân Đại và các cơ quan chức năng, Ban chỉ đạo Chương trình phát triển chợ đã phân tích các nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên. Theo đó, nguyên nhân khách quan một phần là do đặc thù chợ được hình thành có tính truyền thống, tốc độ đô thị hóa nhanh, dẫn đến tình trạng quá tải ở các chợ khu vực đông dân cư, gây khó khăn cho công tác quản lý chợ...
Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là do công tác quản lý Nhà nước đối với công trình chợ chưa được quan tâm đúng mức, chưa kịp tham mưu sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút các nguồn lực để đầu tư phát triển chợ. Ngoài ra, việc tham mưu, quy hoạch, đầu tư phát triển một số chợ chưa bám sát tình hình thực tế và truyền thống của địa phương, dẫn đến không phát huy được hiệu quả nguồn vốn đầu tư.
Trên thực tế, do thực trạng việc triển khai Đề án chuyển đổi mô hình tổ chức, quản lý, khai thác kinh doanh chợ trên địa bàn tỉnh (đã được UBND tỉnh phê duyệt) không phát huy hiệu quả, trong khi Quy chế đấu thầu quản lý, khai thác và kinh doanh chợ trên địa bàn hiện nay không còn phù hợp, còn nhiều vướng mắc nên yêu cầu ban hành Quy trình chuyển đổi mô hình quản lý khai thác kinh doanh chợ là nhiệm vụ rất cần thiết. Tuy nhiên, để Quy trình được ban hành áp dụng có hiệu quả, phù hợp với thực tế, các cơ quan chức năng cần tiến hành khảo sát chi tiết, cụ thể các mô hình đã chuyển đổi. Đồng thời, nghiên cứu, khảo sát các mô hình quản lý đã áp dụng có hiệu quả ở một số chợ để có cơ sở cho việc chọn lựa mô hình quản lý phù hợp với từng khu vực, từng hạng chợ.