Cơ quan chức năng xác nhận, xe khách UN-3897 thuộc Công ty Vận tải hành khách Chaluensouk (Lào) được Bộ Công chính và Vận tải Lào chấp thuận khai thác tuyến vận tải hành khách cố định Lào - Việt Nam đi từ thị xã Thà Khẹc, tỉnh Khăm Muộn (Lào) đến bến xe Chợ Vinh, TP Vinh, tỉnh Nghệ An.
Bến xe “dù” của nhà xe Tuấn Việt, chạy tuyến Vinh – Viêng Chăn mọc lên dưới chân cầu vượt đường sắt ở TP Vinh.
Tuy nhiên, đứng ra chịu trách nhiệm về tuyến vận tải này lại là bà Nguyễn Thị Đơn, trú tại xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Tuyến vận tải này đã hoạt động từ 3-4 năm nay, nhưng tài xế chính là người Việt Nam, riêng tại thời điểm xảy ra tai nạn, người điều khiển là Nguyễn Đức Tú (SN 1990), là con trai của chủ xe.
Báo cáo sơ bộ ban đầu của Sở GTVT Nghệ An cho thấy, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có gần 70 xe hoạt động tuyến vận tải khách Việt Nam – Lào, qua các cửa khẩu Nậm Cắn (Nghệ An), Cầu Treo (Hà Tĩnh) và Cha Lo (Quảng Bình). Tuy nhiên, hơn nửa trong số này (35 xe) là hoạt động “chui”, chưa được cơ quan chức năng chấp thuận tuyến.
Trong số đó, huyện Diễn Châu được ví là “thủ phủ” xe Lào của xứ Nghệ, với 33 chiếc xe mang BKS “ngoại”, chủ yếu ở các xã Diễn Tháp, Diễn Hồng, Diễn Xuân... vận tải các tuyến Viêng Chăn, Pắc Xế, Tha Khẹt và Luông Prabăng. Nguồn gốc của các loại xe này, chủ yếu là do người dân ở trong nước liên kết với người dân bản địa đứng tên để mua phương tiện phục vụ vận tải hàng hóa.
Tình trạng xe khách mang BKS Lào chạy tuyến quốc tế hoạt động “dù”, vừa gây thất thu cho Nhà nước, vừa gây khó khăn cho công tác quản lý và ảnh hưởng tới sự cạnh tranh của các doanh nghiệp chân chính. Khảo sát thực tế tại xã Diễn Tháp, huyện Diễn Châu, vào bất cứ thời điểm nào cũng bắt gặp cảnh những chiếc xe BKS Lào đang xếp hàng tại các con đường liên xã, thi nhau tập kết hàng hóa. Một cán bộ đang làm việc tại địa phương cho rằng, nói là xe khách nhưng thực chất chủ yếu là vận chuyển hàng hóa.
Trước đây, xe thường đi Lào vào lúc nửa đêm hoặc rạng sáng những ngày chẵn. Tuy nhiên, bây giờ xe nhiều, ngày nào cũng có xe đi và về. Khách hàng chỉ cần gọi điện báo đặt chỗ và cho địa điểm là nhà xe đến tận nơi đón, không cần vào bến, mua vé theo quy định. Thực trạng này cũng xảy ra ở hầu hết các xã như Diễn Hồng, Diễn Kỷ, Diễn Thái (huyện Diễn Châu); Hợp Thành, Đô Thành (huyện Yên Thành).
Thậm chí, thời gian gần đây còn xuất hiện tình trạng “xe dù, bến cóc” ở tuyến vận tải quốc tế. Trên quốc lộ 1A cũ, nay nằm dưới chân cầu vượt đường sắt Bắc – Nam đoạn qua xã Nghi Kim (TP Vinh), từ nhiều tháng nay bị nhà xe Tuấn Việt biến thành “bến cóc” để tập kết xe và đón trả khách thông qua những chiếc xe mang BKS Lào, do công ty tại Lào chấp thuận khai thác.
Ông Phan Huy Chương, Phó Chánh thanh tra giao thông, Sở GTVT Nghệ An cho rằng: BKS và giấy tờ những chiếc xe này đều do nước bạn Lào cấp; chủ quản cũng là người Lào.
Thế nhưng, hầu hết đều do người Việt Nam điều hành dưới 2 dạng: mua rồi nhờ người Lào đứng tên hoặc thuê lại xe của người Lào. Mọi thủ tục, giấy tờ, kiểm định đều làm ở Lào, còn các thủ tục đăng ký kinh doanh vận tải ở Việt Nam như giấy đăng ký kinh doanh, đăng ký bến bãi, luồng tuyến, bảo hiểm hành khách… phần lớn đều không có.
Trong khi đó, theo ông Võ Xuân Thanh, Phó Giám đốc Công ty CP Bến xe Nghệ An thì trong số gần 70 xe đang hoạt động tuyến Việt Nam – Lào trên địa bàn tỉnh Nghệ An, chỉ có khoảng 20 xe là vào bến xe Vinh hoặc bến xe Chợ Vinh, còn lại là hoạt động “dù”. Thực tế này đã diễn ra từ 10 năm nay, không những gây bức xúc cho các nhà quản lý mà còn khiến nhiều đơn vị cạnh tranh sòng phẳng thiệt đơn, thiệp kép.
Ông Ngô Đặng Thu, chủ doanh nghiệp vận tải Vân Hà có tuyến cố định từ Nghệ An đi Viêng Chăn từ nhiều năm nay bức xúc: “Doanh nghiệp tôi có 3 xe khách, loại 42 chỗ ngồi chạy tuyến bến xe Vinh – bến xe Viêng Chăn và ngược lại. Trung bình mỗi tháng, một xe của chúng tôi phải nộp 20 triệu đồng các loại thuế, phí… Trong lúc đó, những xe biển Lào hoạt động “chui” bên ngoài không thực hiện nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước nhưng lại chiếm hết thị phần kinh doanh”.
“Chúng tôi trực tiếp về các địa phương và thống kê danh sách các xe biển số Lào chạy “dù”. Và liên tục có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ, UBND tỉnh, Sở GTVT Nghệ An đề nghị vào cuộc. Tuy nhiên, các lực lượng chức năng dường như vẫn không xử lý”, ông Võ Xuân Thanh, Phó giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Nghệ An cho biết thêm.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Hùng, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Nghệ An cho biết: “Sở GTVT đã ban hành rất nhiều văn bản gửi Ban ATGT tỉnh, UBND tỉnh, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và gửi cả Bộ Công chính và Vận tải nước CHDCND Lào, chỉ đạo và phối hợp chỉ đạo các lực lượng chức năng xử lý và phối hợp xử lý những phương tiện không tuân thủ pháp luật nước sở tại. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã gặp không ít khó khăn.
Với việc khó kiểm soát các xe BKS Lào nên tình trạng các chủ xe vô tư buôn bán, vận chuyển hàng hóa từ Lào về Nghệ An trở nên phức tạp. Từ đó dẫn đến một thực tế đang tồn tại và gia tăng hiện nay trên địa bàn Nghệ An là tình trạng xe BKS Lào buôn bán, vận chuyển trái phép lâm sản, động vật hoang dã, hàng hóa không rõ nguồn gốc liên tục xuất hiện.
Hằng năm, lực lượng CSGT, Công an các cấp đã nhiều lần bắt quả tang các xe BKS Lào khi lưu thông trên địa bàn tỉnh chở lâm sản, động vật trái phép. Chưa kể, xe BKS Lào không được kiểm định định kỳ theo quy định đã gây ra không ít vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trong thời gian qua, gây không ít khó khăn và thách thức đối với các cơ quan chức năng, trong đó vụ nổ xe khách của nhà xe Khánh Đơn làm 13 người thương vong là một điển hình.
Sẽ xử lý nghiêm xe “dù” BKS nước ngoài nhưng tài xế là người Việt
Ngày 14-12-2015, Sở GTVT Nghệ An đã có tờ trình số 3499/ SGTVT-TTr gửi UBND tỉnh Nghệ An về việc đề nghị thành lập đoàn kiểm tra xe ôtô mang biển kiểm soát Lào hoạt động vận tải khách trái phép trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Để đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn, Sở GTVT đề nghị UBND tỉnh Nghệ An thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra xe ôtô mang biển số Lào hoạt động vận tải hành khách trái phép trên địa bàn.
Trước tình trạng này, ngày 7-6, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 2607/QĐ-UBND về việc thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra hoạt động vận tải khách bằng ôtô trong nước và xe ôtô mang biển kiểm soát nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Đoàn liên ngành có trách nhiệm kiểm tra các tổ chức, cá nhân và phương tiện trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải khách bằng ôtô mang biển kiểm soát trong nước và xe ôtô mang biển kiểm soát nước ngoài. Thời gian thực hiện trong thời gian 30 ngày, bắt đầu từ ngày 15-6-2016. |