Dù cuộc đời riêng có nhiều vất vả, nhưng hiện tại ông Pao đang hạnh phúc sống bên con cháu.
Một đời đánh phỉ
|
Ông Vừ Chông Pao đang kể chuyện với phóng viên. |
Với lần nổi loạn này, Vàng Pao đã cho phi cơ thả 21 tên phỉ mang súng moóc-chê xuống biên giới Việt - Lào để tìm đường vào Pù Hồi Nhúc. Dã tâm cuộc xâm nhập này của Vàng Pao là cho bọn phỉ đứng từ Pù Hồi Nhúc câu đạn moóc-chê xuống các bản Xốp Thặp, Xốp Nhị - nơi có cơ quan đầu não của bộ đội ta. Phát hiện được âm mưu của Vàng Pao, chủ tịch xã Nậm Cắn, Hờ Tống Dê và 1 dân quân xã đã chạy bộ cả đêm gần 30 km về huyện báo cáo với ông Pao. Ngay lập tức, ông Pao cho báo động khắp nơi, thông báo cho bộ đội và người dân chuẩn bị súng to, súng nhỏ để bắn máy bay. Sau đó, ông Pao vội vã vào trận địa ở xã Phà Đanh thì bọn phỉ đã vượt qua trận địa này vào Pù Hồi Nhúc.
Tình thế lúc này rất nguy cấp, ông Pao tính toán, bằng mọi cách phải tóm được đám phỉ này trước 10h sáng, nếu không thì sự an toàn của cơ quan đầu não của ta sẽ bị đe dọa. Nỗ lực tận cùng, 9h sáng, bộ đội và nhân dân Kỳ Sơn đã đuổi kịp toán phỉ và nổ súng truy kích khi chúng chưa kịp bắn đạn moóc-chê xuống Xốp Thặp. Bị bất ngờ, bọn phỉ quăng hết súng đạn bỏ chạy, chỉ mang theo mấy quả “mìn ổi” nhỏ. Trong vài phút, bộ đội ta đã bắn chết 4 tên, 2 tên bị thương nặng. Trừ 2 tên trốn thoát, còn lại toàn bộ số phỉ bị quân dân Kỳ Sơn bắt sống. Trước tổn thất nặng nề này, Vàng Pao đành phải từ bỏ ý định đột kích và tấn công hủy diệt cơ quan đầu não của quân ta.
Cũng trong năm 1970, để nắm được tình hình của quân dân Kỳ Sơn, Vàng Pao một lần nữa cử một toán gián điệp gồm 11 tên xuất phát từ huyện Mường Mộc sang thám thính tại xã Nà Ngoi. Với tinh thần cảnh giác cao, xã đội phó xã Nà Ngoi, Vừ Chồng Sừ đã phát hiện và bắt được tên toán trưởng. Nắm được nguồn tin trên, ông Pao đã chỉ đạo nhân dân và phối hợp với bộ đội ta ở đồn Nà Ngoi tổ chức bao vây bắt gọn toàn bộ toán phỉ ở một hang đá trên đỉnh Cao Pù Xay. Đây là một chiến công lớn của ông Pao và quân dân Kỳ Sơn vì đã phá tan âm mưu của tướng phỉ Vàng Pao mà không tốn một hòn tên mũi đạn nào.
Đầu năm 2000, bọn phỉ do Xay Phia - kẻ theo Vàng Pao từ những năm 1960 lại nổi lên cùng các thế lực phản động chống phá. Xay Phia cũng lấy biên giới Việt - Lào làm nơi dấy binh nổi loạn. Vẫn theo phương thức cũ như của Vàng Pao, Xay Phia cũng dụ dỗ, lôi kéo, dọa nạt người dân các dân tộc thiểu số, trong đó nhiều nhất là người Mông, đi theo hắn. Chúng ngang nhiên tập kích vào nhà dân và trụ sở chính quyền để cướp lương thực, vũ khí. Không ít người dân lành và các chiến sỹ đã bị sát hại khi chống trả hoặc không đi theo bọn phỉ khát máu này. Người dân vùng biên thực sự kinh hoàng khi chứng kiến sự hy sinh của các chiến sỹ Và Bá Giải - Đồn Biên phòng Tam Hợp, huyện Tương Dương và Và Tống Khư - Phó Trung đội trưởng Trung đội dân quân xã Nậm Cắn.
|
Một góc cuộc sống tại Kỳ Sơn, Nghệ An. |
Từng được tôn xưng là “vua tiễu phỉ miền Tây”, lại chứng kiến những người đồng tộc và chiến sỹ ta bị sát hại nên dù đã bước vào tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe không còn vâm vam như thời trai trẻ, nhưng ông Vừ Chông Pao vẫn làm đơn xin các đồng chí lãnh đạo cho mình được ra trận, quyết tiêu diệt hết những tàn dư của chúa phỉ Vàng Pao. Không quản đường xá xa xôi, ông Pao chân đất đi bộ vào tận Nà Ngoi, Nậm Cắn - nơi đặt đại bản doanh của lũ phỉ Xay Phia. Vẫn với sự tâm huyết của người cả đời cống hiến cho cách mạng, cho nhân dân, ông Pao đã duy trì cuộc sống ba cùng, ăn ở tại nhà dân, tiếp xúc và khuyên nhủ từng người, vạch rõ những âm mưu và tội ác của bọn phỉ. Mưa dầm thấm lâu, nhiều người dân đã hiểu ra và không tiếp viện cho bọn phỉ Xay Phia nữa. Mất chỗ dựa từ dân, lũ phỉ tan rã dần và cuối cùng chỉ còn lại 7 tên và bị lọt vào ổ phục kích của bộ đội ta trong một lần mò ra cướp lương thực của dân. 1 tên bị tiêu diệt, 6 tên bị bắt sống, 3 súng AK và 17 viên đạn bị thu giữ.
Hồn nhiên chuyện đời
Bước vào tuổi 80, ông Vừ Chông Pao vẫn đau đáu với những công việc được Đảng tin tưởng giao phó. Hiện ông vẫn là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An. Tuy được truyền tụng là huyền thoại sống của vùng biên giới phía Tây nhưng cuộc đời riêng của ông Pao lại gập ghềnh như núi đá. Người vợ đầu tiên của ông, người đã sinh cho ông Pao 6 người con khỏe mạnh nhưng rồi lại bỏ ông đi vào năm 1989. Sau khi vợ mất, ông Pao buồn lắm. Thời gian sau đó, ông lấy một người vợ thứ hai nhưng rồi người vợ này cũng qua đời ở tuổi 45. Sau khi mất 2 người vợ, ông Pao sống trầm lặng hơn.
|
Bà Lầu Ìn Xì đang thêu áo người Mông. |
Cũng có nhiều người phụ nữ tìm đến với ông qua sự giới thiệu của bạn bè, trong đó có một cô giáo người Lào ở Vientiane, chồng đã mất. Trong một chuyến về thăm huyện Kỳ Sơn, cô chia sẻ chuyện chồng đã mất và được mọi người mai mối cho ông Pao. Thế nhưng con cháu ông sợ ông lấy vợ xong lại theo vợ về Vientiane nên không đồng ý. Chỉ đến khi, trong thời gian đi cai nghiện cho người dân, gặp Lầu Ìn Xì, Phó hội trưởng Hội Phụ nữ xã Huổi Tụ thì cuộc sống riêng của ông Pao mới an bài. Ông Pao tự hào về người vợ trẻ hơn ông đến 40 tuổi này lắm. Khách ở xa đến chơi hỏi thăm, ông đều khoe: “Vợ ta là Đảng viên đấy. Vợ ta thêu được áo người Mông. Bà ấy chăm chỉ lắm”. Khi chúng tôi hỏi xem giờ đây đi công tác ông còn đem vợ đi gửi về ngoại để tránh các chú ở huyện hay trêu không thì ông cười hồn nhiên trả lời: “Không. Giờ thì già cả rồi, còn ai trêu nữa”.
Trong cái tiết se lạnh của đất trời vùng biên, người “thủ lĩnh” già ngồi vững chãi như một hòn đá tảng xòe tay bấm đốt kể vanh vách tên tuổi, công việc của gần 50 người cháu, người con. Ai ông cũng nhớ, con nào, cháu nào ông cũng thương. Ông bảo cả đời sống, chiến đấu cho vùng đất Kỳ Sơn máu thịt này là để bây giờ có thái bình, ấm no cho con cháu học tập và sinh sống. Ngắm bức ảnh đen trắng chụp ông Pao thời còn trai trẻ đang đứng trên đỉnh Pù Hồi Nhúc chỉ đạo cán bộ và nhân dân Kỳ Sơn tiêu diệt phỉ, tôi thấy như tái hiện lại trước mắt cả một thuở lẫy lừng của “vua tiễu phỉ miền Tây”.
Nguyễn Thắng - Giadinh.net