Đặt ra vấn đề rác thải với thành phố Vinh – Đô thị loại I đã 12 năm – thoạt tiên có vẻ là bất hợp lý. Bởi lẽ, tại Nghị định số 42/NĐ-CP của Chính phủ về việc phân loại đô thị đã chỉ ra rằng, đối với khu vực nội thành của đô thị loại I, thì phải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường. Đã 12 năm được công nhận là Đô thị loại I, thành phố Vinh lý gì phải băn khoăn về vấn đề rác thải?
Vậy nhưng phải thẳng thắn, nghiêm túc nhìn nhận về vấn đề này. Bởi khu vực nội thành của thành phố Vinh chưa một ngày sạch rác, chứ chưa nói đến là đạt chuẩn vệ sinh môi trường! Rác ở thành phố Vinh có thể thấy ở bất kỳ đâu. Trên các vỉa hè, dưới lòng các tuyến đường lớn nội thành như Quang Trung, Trần Phú, Hồ Tùng Mậu, Trường Thi, Nguyễn Sỹ Sách, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong, Đinh Công Tráng, Trần Hưng Đạo, Ngư Hải – Đặng Thái Thân, Đào Tấn… kể cả tuyến đường Lê Mao – nơi các cơ quan đầu não của thành phố đứng chân cũng có rác.
Rác cũng đang tồn tại mỗi ngày ở các khu chợ dân sinh. Từ những chợ lớn, đầu mối như chợ Vinh, chợ Ga, xuống đến những chợ còn chưa có sự đầu tư như chợ Quang Trung, chợ Hưng Dũng, chợ Cửa Bắc, chợ Đại học… Rác cũng xuất hiện rất nhiều dưới lòng các tuyến kênh mương hở, dưới các ao hồ. Ngay cả với những tuyến kênh, hồ đã có sự đầu tư lớn để nâng lên tính mỹ quan đô thị và góp phần điều hòa không khí như Hào Thành cổ, hồ Điều hòa, hồ Cửa Nam, Hồ Công viên Trung tâm… cũng có rất nhiều rác. Trong các ngõ, ngách khu dân cư, cũng có sự tồn tại của rác.
Chính quyền thành phố Vinh có một đơn vị trực thuộc chuyên trách công tác đảm bảo vệ sinh môi trường đô thị với khá đông cán bộ, công nhân lao động. Hàng ngày, người lao động của đơn vị này thực hiện thu dọn, bốc xếp rác thải ở mọi ngõ ngách, khu dân cư rồi dùng xe chuyên dụng đưa về các bãi rác tập trung xử lý. Chính quyền thành phố, phường, xã và ban cán sự của các khối, xóm, tổ dân cư vẫn định kỳ tổ chức “ngày chủ nhật xanh” vận động nhân dân tham gia lao động thu dọn rác thải; ở khu vực trường học, các nhà trường cũng có những hoạt động hưởng ứng công tác vệ sinh môi trường như chương trình nói không với rác thải nhựa, thực hiện chương trình rác thải sinh thái…
Vậy vì sao trên địa bàn thành phố Vinh vẫn luôn tồn tại rác?
Lý do vì thành phố Vinh hiện vẫn đang như một đại công trường xây dựng với nhiều công trình của các tổ chức, doanh nghiệp, và của các hộ dân. Về nguyên tắc, chủ đầu tư các công trình xây dựng phải có trách nhiệm đảm bảo vệ sinh môi trường, không để rác thải xây dựng, đất bụi, cát… gây mất vệ sinh, ảnh hưởng đến môi trường. Nhưng hiện nay, phần lớn họ chưa quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường; hoặc nếu có, cũng chỉ thực hiện chiếu lệ. Vì vậy, các công trình che chắn chống bụi sơ sài; thậm chí, không che chắn; trong khi chất thải xây dựng, gạch, đá, cát vẫn bừa bộn, tràn lan trên vỉa hè, lòng đường …
Một nguyên nhân gây rác cho thành phố Vinh cần phải nhắc đến là từ hệ thống cây xanh. Mật độ cây xanh ở thành phố Vinh là tương đối lớn. Nhưng cây xanh của thành phố Vinh trên nhiều các tuyến phố đang rất lộn xộn. Cùng trên một tuyến phố, có thể có đến dăm bảy loại cây, trong đó có nhiều cây không đẹp, không phù hợp không gian đô thị, kiểu “năm cha ba mẹ”. Đáng nói là có khá nhiều loại cây xanh thường xuyên rụng lá, gãy cành khô… như cây ngô đồng, các loại cây họ phượng vỹ. Chỉ một cơn gió nhẹ, cũng đổ lá gây rác.
Có một nguyên nhân gây ra tình trạng rác thải nữa là thói quen sinh hoạt tùy tiện, bừa bãi đang tồn tại trong nhiều những con người đang sống tại thành phố Vinh. Từ những công dân đô thị chính hiệu cho đến những người ở các địa phương khác về học tập, làm việc, lao động trên địa bàn thành phố; có thể là các hộ kinh doanh trên các tuyến phố, trong các chợ dân sinh, buôn bán nhỏ lẻ trên các vỉa hè; là công nhân, lao động, học sinh, sinh viên; thậm chí, là cán bộ công chức, viên chức.
Bao giờ thành phố Vinh sạch rác để đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường như tiêu chuẩn đô thị mà Nghị định số 42/NĐ-CP của Chính phủ đã đề ra?
Trong những năm qua, chính quyền thành phố Vinh đã có nhiều những nỗ lực nhằm để chỉnh trang đô thị, xem như đây là một giải pháp lớn để tăng cường công tác vệ sinh bảo vệ môi trường. Điểm nhấn dễ thấy là việc thực hiện Tiểu Dự án Đô thị Vinh từ nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới. Qua đó, đã hoàn thành tuyến Kênh Bắc, xây dựng Hồ Điều hòa, cải tạo hệ thống Hào Thành cổ. Hoặc đầu tư xây dựng cải tạo vỉa hè, thay thế cây xanh, bỏ các cột điện cũ kỹ và hạ vô số các chủng loại dây rợ mạng nhện cho chạy ngầm trong lòng đất tại các tuyến đường Nguyễn Văn Cừ, Hồ Tùng Mậu để tạo nên phố đi bộ…
Sau những công trình có tính bản lề này, chính quyền thành phố đang quyết tâm trong thời gian tiếp nối sẽ đẩy mạnh công tác chỉnh trang đô thị như nâng cấp một số tuyến đường, cải tạo vỉa hè, thay thế cây xanh ở một số tuyến phố… để hạ tầng kỹ thuật đạt chuẩn, qua đó phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế dịch vụ du lịch và cũng nhằm để người dân đô thị Vinh được thụ hưởng không gian đô thị đúng nghĩa. Nhưng dẫu vậy, với nền tảng kinh tế của thành phố Vinh, dù đã có những giải pháp như tập trung nguồn lực từ ngân sách, từ khai thác quỹ đất, hay kêu gọi xã hội hóa, huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, các tổ chức đứng chân trên địa bàn, cùng người dân, thì cũng sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian để đạt được.
Vậy phải làm gì để sớm giảm thiểu được tình trạng rác thải?
Trước tiên, cần phải tăng cường cho công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực xây dựng để hạn chế tối đa nguyên nhân gây rác, bụi từ các công trình đang thi công. Pháp luật có quy định việc thi công xây dựng trong lòng đô thị phải đảm bảo công tác vệ sinh, bảo vệ môi trường; đồng thời, pháp luật cũng có những chế tài để xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm. Vì vậy, chính quyền thành phố, các phường xã, đơn vị trực thuộc phải ý thức về vai trò, chức trách, nhiệm vụ được giao. Nếu công tác quản lý nhà nước được đủ nghiêm, tình trạng rác thải từ các công trình xây dựng sẽ dần được triệt tiêu.
Về cây xanh của thành phố Vinh, trong tương lai, những loại cây xanh không đảm bảo tính mỹ quan đô thị, thiếu độ bền sẽ được thay thế bằng bằng những loại cây xanh phù hợp. Nhưng khi còn chưa thay thế được, thì cần phát huy vai trò của hai đơn vị cây xanh công viên và môi trường đô thị trực thuộc thành phố. Cán bộ, công nhân của các đơn vị này cần phải dành thêm thời gian, công sức hơn để quản lý các tuyến phố, tổ chức cắt tỉa, thu dọn thường xuyên hơn để giảm thiểu việc gây rác từ cây xanh.
Về tồn tại lớn nhất, liên quan đến các công dân đang sinh sống, học tập, làm việc, lao động tại thành phố Vinh thì như thế nào? Mới đây, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông đăng statut trên facebook của mình như sau: “Để có một thành phố Đỏ ấn tượng, người Thành Vinh có “dám”: “Không xả rác ra phố (dù chỉ một que tăm) và mang rác về nhà” trong 1 tháng?”. Người yêu thành phố Vinh nhiều. Người yêu cái sự sạch, mong thành phố Vinh xanh – sạch – đẹp cũng rất nhiều. Vậy nên chỉ một thời gian ngắn, statut của Phó Bí thư Tỉnh ủy có rất nhiều lượt thích, lượt chia sẻ, và có nhiều cả những trao đổi tâm huyết, hưởng ứng.
Cá nhân người viết, khi đọc những lời kêu gọi, pha chút thách thức của Phó Bí thư Tỉnh ủy, lại nhớ cảm giác bị tổn thương của bản thân khi chạm đến tấm Bản đồ du lịch Việt Nam đặt trang trọng tại Di tích Hoàng thành Thăng Long. Trên đó, không có tên Nghệ An. Dù Nghệ An là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có Khu Di tích Kim Liên là Di tích đặc biệt của Quốc gia, có bãi biển Cửa Lò tuyệt đẹp, có hơn một nghìn di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng…
Bởi vậy, ngay lúc đó, đã muốn ào ra nói với những người đang mưu sinh hàng đêm quanh Di tích Quốc gia Thành cổ Vinh. Rằng kinh doanh thì nên quan tâm giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường. Làm được như thế, di tích sẽ sạch đẹp, du khách sẽ đến nhiều hơn, cơ hội tìm kiếm sinh kế của mọi người sẽ tốt hơn. Muốn xuống Hồ điều hòa, để nói với những nhóm người thường nhóm họp ăn uống và tận hưởng những cơn gió mát lành từ hồ khi chiều xuống. Rằng sẽ không ai cản trở thú vui này. Nhưng sau cuộc vui, nên dành chút ít thời gian hẹp để thu dọn, đưa rác về đúng vị trí. Để Hồ điều hòa sạch đẹp, và để giúp những người lao động vệ sinh môi trường vốn vất vả, đỡ đổ thêm mồ hôi. Muốn có thêm nhiều nhiều nữa những nhóm thiện nguyện bảo vệ môi trường. Muốn các lãnh đạo của thành phố, phường, xã, đơn vị trực thuộc, luôn tiên phong đi đầu nêu gương bằng những hành động, việc làm cụ thể, để công tác vệ sinh, bảo vệ môi trường được thấm sâu trong cán bộ, công chức, viên chức…
Nhưng mong nhất, là mọi công dân đang sống, học tập, làm việc, lao động tại thành phố Vinh dám “Không xả rác ra phố (dù chỉ một que tăm) và mang rác về nhà”. Hay nói cách khác, nhân lên lòng tự trọng, để không thực hiện các hành vi gây ra rác thải. Bởi thành phố Vinh sẽ không bao giờ tự nhiên sạch bóng rác thải. Muốn đạt được, phải dựa trên nền tảng ý thức của mỗi con người phố Vinh!.