Trong đơn thư của 4 hộ dân tại phường Bến Thủy, TP. Vinh gửi Đài PTTH Nghệ An, phản ánh: Năm 2007, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định thu hồi đất để bàn giao mặt bằng cho dự án xây của Công ty Hùng Hồng. Ngày 1/10/2008, UBND TP.Vinh có quyết định số 6233/QĐ-UB phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư (TĐC). Tìm hiểu về 2 dự án thu hồi đất của khu tập thể nhà máy dệt kim Hoàng Thị Loan (Dự án của Công ty Xăng dầu, Dự án của Công ty Hùng Hồng) trong số 41 hộ đang sinh sống ở đây thì có tới 15 hộ sử dụng các khoảng đất còn trống của khu tập thể tự xây nhà để ở.
Ông Trần Huy Hường, nguyên cán bộ hành chính của Nhà máy dệt kim Hoàng Thị Loan thời bấy giờ cho biết: Trước năm 1993, khi đó mới tách tỉnh, nhu cầu về nhà ở của công nhân là rất lớn, nên nhà máy có chủ trương cho xây mỗi hộ một gian khoảng 30m2 trên khu vực đất trống đã đước cấp từ những năm 1988, và 15 hộ này đã được xây xong trước năm 1993.
Thế nhưng, không biết vì lý do gì mà trong 15 hộ dân nêu trên thì 11 hộ được đền bù TĐC còn 4 hộ dân gồm các ông Nguyễn Hữu Nam, Phan Đức, Trần Quốc Tú và bà Trần Thị Lan có nhà ngoài mặt tiền của khu đất thuộc dự án của Công ty Hùng Hồng không được đền bù TĐC. Do nguồn gốc nhà của 4 hộ dân đang ở trong khu tập thể được xây trước thời điểm 15/10/1993 nên 4 hộ dân cho rằng, họ thuộc diện được đền bù, TĐC theo quy định của Luật Đất đai năm 2003.
Ngoài ra, trong số 4 hộ dân thì ai cũng có lý riêng để yêu cầu đền bù,TĐC. Thật bi hài khi bà Trần Thị Lan nêu lên nỗi bất công đối với bà. Năm 2002 bà Trần Thị Lan bán một phần nhà cho ông Nguyễn Quang Đông (không phải là công nhân nhà máy dệt kim). Kết thúc cuộc mua bán một bức tường được xây lên ngăn cách 2 nhà. Thế rồi, ông Đông được nhận đền bù gần 140 triệu đồng và một suất đất TĐC, còn lại phần nhà bà Lan không được đền bù, TĐC. Trao đổi với PV, ông Đông thừa nhận, ông chính là người mua lại phần nhà của bà Lan từ năm 2002. Và khi PV hỏi thì được ông Đông cho biết, ông chỉ “xuất trình” cho những người giải quyết đền bù một giấy viết tay thể hiện bà Lan bán nhà chứ không có bất cứ giấy tờ gì khác và được hưởng đền bù, TĐC.
Còn ông Nguyễn Hữu Nam tỏ ra bất bình bởi theo ông Nam thì khu đất này ông cho em của ông ở nhờ nên nói khu đất bỏ hoang là điều vô lý. Điều nữa là khi kiểm tra hiện trường bản thông ông có mặt ở nhà nhưng biên bản kiểm tra hiện trang nhà ở lại ghi gia đình đi vắng và cơ quan chức năng cũng đã không thông báo đủ 3 lần cho ông
Được biết, năm 2010, Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP Vinh lập dự thảo phương án đền bù bổ sung cho hai hộ Trần Thị Lan và Nguyễn Hữu Nam. Tuy nhiên, sau đó Công ty Hùng Hồng có kiến nghị không đồng ý đền bù. Ngay giữa cuộc đối thoại với dân các ban, ngành của chính quyền đã không thống nhất một số quan điểm như việc các hộ dân phạm quy hoạch hay không vi phạm, như thế nào mới xác định ở liên tục hay không liên tục đất... Sau khi có báo cáo của thanh tra, ngày 28/6/2011, UBND TP Vinh ra quyết định số 3233 QĐ.UBND về việc xử lý đơn kiến nghị của Công ty Hùng Hồng “Giữ nguyên phương án chi tiết về bồi thường, hỗ trợ GPMB dự án Công ty CP TMDV khách sạn Hùng Hồng của Hội đồng Bồi thường GPMB TP.Vinh thành lập ngày 20/8/2008 đã được phê duyệt”.
Câu hỏi đặt ra tại sao khi người dân khiếu nại thì chính quyền “phớt lờ” còn DN kiến nghị thì Chính quyền vào cuộc. Trước phản ứng của các hộ dân, ngày 22/12/2011UBND TP. Vinh có quyết định số 6977/QĐ-UBND giao nhiệm vụ cho Thanh tra TP tham mưu giải quyết đơn thư của công dân về việc đền bù hỗ trợ TĐC Dự án của Công ty Hùng Hồng. Tuy nhiên, chưa hết thời hạn tham mưu của quyết định 6977 nêu trên thì ngày 6/1 UBND TP Vinh đã ra quyết định cưỡng chế đối với 4 hộ dân!
Theo ông Nguyễn Hữu Nam, một trong số 4 hộ dân khiếu nại thi việc UBND TP.Vinh không ra quyết định giải quyết khiếu nại của người dân, được ông Tý - Chánh thanh tra TP Vinh trả lời rằng, không có quyết định giải quyết khiếu nại là do có sự chỉ đạo của cấp trên. Tuy nhiên, ông Chánh thanh tra không thừa nhận ông đã nói vấn đề này!
Nghịch lý ở chỗ, ngày 6/1 UBND, TP Vinh ra quyết định cưỡng chế đối với các hộ nói trên nhưng đến ngày 13/2 UB này lại mời các hộ dân về nhà riêng để kiểm tra hiện trạng nhà ở và diện tích đất ở. Chưa nói đến việc không trả lời khiếu nại của các hộ dân là có được đền bù hay không đền bù, nhưng việc UB tp. Vinh vội vàng ra quyết định cưỡng chế không theo trình tự pháp luật và không theo thực tế hiện trạng khiến người dân không khỏi băn khoăn: Phải chăng đằng sau vụ việc này còn nhiều khuất tất? Trong khi đó, theo ông Đặng Thái Bình – giám đốc trung tâm phát triển quỹ đất TP Vinh thì: Khi lập phương án đền bù, trung tâm này đã lập danh sách tất cả 15 hộ, việc 4 hộ trong số 15 hộ này không được nhận là do phía UBND TP không chấp nhận. Cũng theo ông Bình, việc ra quyết định cưỡng chế là trái luật, không thể thực hiện và cần phải xem xẽt kỹ lưỡng bỡi một khi nhà dân bị phá thì khong thể làm lại được, mặt khác thanh tra vào cuộc quá chậm, lẽ ra được đền bù hay không cũng phải thông báo sớm cho người dân.
Cần nói thêm, dù chưa được đền bù nhưng cổng vào khu tập thể nhà máy dệt kim Hoàng Thị Loan đã 2 lần bị đập phá. Lần thứ nhất vào 23/10, Công ty Hùng Hồng chưa được bàn giao mặt bằng đã “tự ý” cho máy vào phá và lấy đi cổng sắt của khu tập thể. Theo phản ánh của người dân, lần đập phá thứ 2 trùng ngày nghỉ tết dương lịch và có sự xuất hiện của một số cơ quan chức năng TP Vinh. Việc đập phá tài sản của khu tập thể khi chưa đền bù khiến người dân không khỏi bức xúc, chính vì thế mà nhà riêng của bà Hồng - Giám đốc Công ty Hùng Hồng đã bị một số người dân đến đòi dập phá, chỉ đến khi các cơ quan chức năng đến ngăn chặn thì tình trạng này mới chấm dứt.
Không thể tạo “đột phá’” trong khâu GPMB một khi đang còn thiếu minh bạch trong quá trình triển khai thực hiện. Đã đến lúc UBND tỉnh Nghệ An cần có chỉ đạo kịp thời về việc đền bù cho 4 hộ dân thuộc diện phải giải tỏa của dự án của công ty Hùng Hồng để tránh những hậu quả đáng tiếc một khi người dân bức xúc.
(Hữu Đức)-Truyền hình Nghệ An