Trong tháng 11/2013, UBND thành phố Vinh đã chỉ đạo UBND các phường, xã kiểm tra, rà soát hoạt động của các cá nhân, các nhóm có liên quan đến tà đạo, đạo lạ. Qua nắm bắt thông tin, hoạt động của các cá nhân, các nhóm tà đạo trên địa bàn các phường, xã ở TP.Vinh khá phức tạp và các địa phương này đang mong có sự chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể về hình thức xử lý...
Tà đạo lạ nảy nở nhiều nơi
Ở xã Hưng Chính, từ tháng 9/2012 nổi lên hoạt động của tà đạo Hoàng Thiên Long tại gia đình ông Phan Đức Hân và vợ là Dương Thị Tứ. Với hình thức thờ cúng, đọc kinh cầu nguyện, làm thơ và sử dụng nước lã, dầu dừa trị bệnh, đến tháng 3/2013, gia đình này đã lôi kéo trên 50 người cùng địa bàn tham gia (chưa tính đến khoảng 20 - 30 người ngoài địa bàn). Theo Công an xã Hưng Chính, người theo tà đạo này thường tụ tập ở nhà ông Hân, khi đến mang theo một chai nước lã đặt lên ban thờ. Chủ nhà đọc kinh cầu nguyện, sau đó làm thơ chữa bệnh. Một ngày sau, những người theo đạo này quay lại đặt lễ và lấy nước, đồng thời mua dầu dừa của gia chủ với giá từ 50.000 - 80.000 đồng về chữa bệnh.
Ngoài ra, ông Hân, bà Tứ còn in, phô tô các loại sách kinh như: Tâm thư; Luật cộng phép nước; Công trình Đại Việt - Hướng đi cách mạng; Chuyện nổi của Quốc gia âm... để tuyên truyền và bán câu đối, bát hương… với giá mỗi bộ từ 500.000 - 600.000 đồng. Xã Hưng Chính đã phối hợp với Công an thành phố lên kế hoạch đấu tranh, tập trung tuyên truyền vận động đối với ông Phan Đức Hân, bà Dương Thị Tứ và những người theo tà đạo. Đến thời điểm tháng 5/2013, việc tổ chức hành lễ tại nhà ông Hân, bà Tứ đã được giải tán. Hiện tại, số người theo tà đạo trên địa bàn Hưng Chính giảm còn 17 người.
|
Trưởng Công an xã Hưng Chính - Nguyễn Quốc Ái và lọ dầu dừa mà ông Hân, bà Tứ đã bán cho những người theo tà đạo để chữa bệnh. |
Tại địa bàn phường Lê Mao (TP. Vinh) có 3 gia đình tổ chức các hoạt động tín ngưỡng trái phép gồm hộ bà Phan Thị Hoa, hộ bà Hồ Thị Hiền và hộ ông Nguyễn Văn Hảo. Bà Hoa lập điện thờ cúng tại gia đình ở khối Tân Tiến, phương thức hoạt động là tổ chức cho tín đồ cầu nguyện tại gia đình, số lượng tín đồ có khi lên đến 100 người. Bà Hồ Thị Hiền theo tà đạo Hoàng Thiên Long vào năm 2013 và thường tổ chức truyền đạo tại nhà riêng mỗi lượt từ 30 - 40 người. Ông Nguyễn Văn Hảo lập điện thờ nhỏ tại nhà riêng. Để giữ gìn an ninh trật tự, UBND phường Lê Mao đã chỉ đạo các ngành liên quan nắm bắt tình hình, nhắc nhở các đối tượng không tổ chức hoạt động tà đạo trái pháp luật, không được hành nghề mê tín dị đoan.
Phường Cửa Nam là nơi có một số cá nhân sinh hoạt theo đạo Tin lành trái phép, trong đó nổi lên có Võ Trọng Hải, trú tại khối 6A đã vận động những người đi xuất khẩu lao động ở Malaisia thành lập nhóm gia đình "Malai" và tự xưng là "Giáo trưởng", vợ Hải là Hồ Thị Cẩm Vân xưng là "Giáo phó". Các ban, ngành, đoàn thể phường Cửa Nam đã tuyên truyền vận động Võ Trọng Hải từ bỏ truyền đạo và sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật. Hiện nay, Hải đã cùng vợ chuyển về Thị xã Cửa Lò sinh sống.
Cũng tại phường Cửa Nam còn có một số đối tượng theo tổ chức Pháp luân công. Nhóm này gồm có Trần Ngọc Hoan (sinh năm 1957, trú tại khối 6B), Nguyễn Nam Phương (sinh năm 1978, trú tại khối 11), Vũ Văn Tình (sinh năm 1983, trú tại khối 11). Đây là những đối tượng tổ chức tập luyện Pháp luân công, nhưng mục đích chính là tụ tập nói xấu chính quyền. Thời gian tụ tập của nhóm này thường từ 4h30 - 6 giờ sáng; 19h45- 20g45 tại Vườn hoa Cửa Nam với khoảng 50 người tham gia. Mỗi người tham gia được phát sách giới thiệu về Pháp luân Đại pháp và một đĩa hình VCD. Cá nhân nào có nhu cầu thì được giới thiệu và bán cho các loại sách Kinh văn Pháp luân, Đại pháp viên mãn và truyền Pháp luân công. UBND phường Cửa Nam đã chỉ đạo Công an phường triệu tập các đối tượng liên quan lên làm việc, thu giữ đĩa hình, sách kinh đồng thời cùng các tổ chức đoàn thể tuyên truyền vận động nhưng nhóm này vẫn chưa từ bỏ hoạt động.
Phường Hồng Sơn có ông Đặng Bá Nhâm (sinh năm 1962, trú tại ngõ 1, đường Nguyễn Xiển, khối 3) tổ chức truyền đạo tại nhà. Ông Nhâm tổ chức tại căn phòng rộng 70m2 có đặt một cây thánh giá, loa đài, máy chiếu... mỗi khi hoạt động có khoảng 15 - 35 người tham gia. UBND phường Hồng Sơn đã lập biên bản hành chính và yêu cầu chấm dứt việc truyền đạo trái pháp luật. Tại phường Bến Thủy có hộ ông Phan Văn Trung và vợ là bà Lương Thị Lệ, trú tại khối 2, lập bàn thờ Phật tổ tại gian nhà chính, tổ chức tụng kinh, gõ mõ vào các tối thứ 5, 7 và chủ nhật với khoảng 20 người tham gia. UBND phường Bến Thủy đã phối hợp với các lực lượng liên quan kiểm tra, nhắc nhở không được gây mất trật tự, ảnh hưởng khu vực dân cư...
Phường Lê Lợi không có những hoạt động tổ chức truyền đạo trái pháp luật nhưng có một số đối tượng tham gia tà đạo Hoàng Thiên Long và tà đạo Lưu Văn Ti. Gồm các bà Nguyễn Thị Lan, Nguyễn Thị Hoa, Lê Thị Liễu, Trần Thị Kim, Nguyễn Thị Thân, Nguyễn Thị Luyện (tham gia tà đạo Hoàng Thiên Long); bà Lê Thị Thịnh, Trần Thị Tứ (tham gia tà đạo Lưu Văn Ti).
Cần có hình thức xử lý cụ thể
Chúng tôi tìm gặp ông Phan Đức Hân (người đã cùng vợ là bà Dương Thị Tứ tổ chức truyền bá tà đạo Hoàng Thiên Long ở xã Hưng Chính), ông Hân khẳng định đã từ bỏ tà đạo. Ông Hân bị bệnh thanh quản phải đi mổ ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và vì "có bệnh thì vái tứ phương". Giai đoạn này, bà Tứ nghe tin điện thờ Hoàng Thiên Long của Nguyễn Thị Điền ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội) có thể chữa khỏi bệnh nên từ đó hai vợ chồng đã theo tà đạo, sau đó truyền bá cho người thân, những người cùng địa bàn. Là đảng ủy viên, lại giữ chức vụ Chủ nhiệm HTX nông nghiệp nên với việc vi phạm 19 điều cấm của đảng viên (điều 18), ông Hân đã bị kỷ luật đảng với hình thức khiển trách.
Dẫu vậy, theo Công an xã Hưng Chính thì ông Hân và bà Tứ vẫn chưa từ bỏ tà đạo Hoàng Thiên Long mà đã chuyển phương thức hoạt động. Ông Hân và bà Tứ không tổ chức hành lễ, truyền đạo đông người mà thường vào 4 - 5 giờ sáng vẫn đỏ điện cầu kinh. Hoạt động của tà đạo trên địa bàn Hưng Chính vẫn chưa chấm dứt đã gây ra sự hoang mang trong nhân dân, tạo sự bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân nên tại Báo cáo số 94/BC-UBND ngày 14/11/2013, Chủ tịch UBND xã Hưng Chính, ông Trịnh Bá Đường đã kiến nghị: Để chấm dứt các hoạt động của tà đạo Hoàng Thiên Long, đề nghị chính quyền thành phố và các cơ quan chức năng có sự chỉ đạo cụ thể, cương quyết để chấm dứt hoạt động của tà đạo.
Tương tự như xã Hưng Chính, Chủ tịch UBND phường Lê Mao, ông Chu Văn Mai kiến nghị: UBND thành phố, Công an thành phố cần tăng cường công tác kiểm tra, quản lý hoạt động tôn giáo của các tổ chức hoạt động đạo trái pháp luật, đạo lạ, nhằm sớm ngăn ngừa những hoạt động tiêu cực, chống phá Nhà nước, làm ảnh hưởng đến tâm lý, tư tưởng của người dân, đến an ninh trật tự; Cần có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo để cấp cơ sở triển khai thực hiện đạt kết quả cao hơn...
Nghị định 92/2012/NĐ-CP ngày 8/11/2012 đã quy định rõ các chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tôn giáo và tín ngưỡng. Theo đó, những cá nhân, tổ chức hoạt động tôn giáo khi chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận, chưa đăng ký sinh hoạt, đăng ký hoạt động... đều vi phạm pháp luật. Và đối với những đối tượng này, cơ quan thẩm quyền cần sớm đưa ra những biện pháp, hình thức xử lý vi phạm cụ thể để các địa phương cơ sở có đủ căn cứ thực hiện.
Bài, ảnh: Nhật Lân
(Baonghean)