Sau cuộc họp báo Chính phủ đầu tháng 7, dư luận “thở phào” khi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên chính thức khẳng định chủ trương không phạt người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm giả, rởm. Nhưng trước đó, báo chí đồng loạt thông tin về việc xử phạt người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm giả, rởm như không đội mũ bắt đầu từ 1/7. Chuyện gì đã xảy ra?
|
Cảnh sát giao thông Hà Nội tuyên truyền, nhắc nhở người dân đội mũ bảo hiển không đạt chuẩn. |
Mập mờ chữ nghĩa
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh rằng: “Chính phủ đã bàn và thống nhất nên thông báo để người dân yên tâm rằng, theo Điều 8 (Nghị định 171/2013) về xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông đội mũ bảo hiểm, có hai trường hợp vi phạm: Thứ nhất là không đội mũ bảo hiểm, thứ hai là đội mũ bảo hiểm mà không cài dây. Tất nhiên, chúng ta cũng muốn bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân một cách đầy đủ. Nhưng trong điều kiện này, chúng ta chỉ xử phạt hai trường hợp trên”.
Theo Người phát ngôn Chính phủ, vấn đề mũ bảo hiểm rởm là thuộc trách nhiệm của cơ quan chức năng kiểm tra, quản lý và xử lý, không thể bắt người dân gách vác trách nhiệm đó. Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên đề nghị báo chí thông tin lại rõ ràng quy định để nhân dân hiểu rõ, đồng thời cho rằng thông tin thời gian qua có mặt chưa chuẩn khiến người dân bất an.
Tuy nhiên, chính Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trong kế hoạch ra giữa tháng 4/2014 đã “buộc” báo chí và dư luận hiểu rằng từ 1/7/2014 sẽ phạt hành vi đội mũ bảo hiểm rởm như (hành vi) không đội. Mục đích, yêu cầu của Kế hoạch 69/KH-UBATGTQG do Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng – Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia ký thể hiện rõ: “Kiểm soát, xử lý nghiêm người tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy không đội mũ bảo hiểm; đội mũ không phải mũ bảo hiểm”.
Lộ trình của kế hoạch này cũng cho thấy, từ 15/6, CSGT sẽ dừng xe tuyên truyền, nhắc nhở người đội mũ không phải MBH, từ 1/7 thì tiến hành dừng xe, xử phạt theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP, thu hồi để tiêu hủy mũ không phải mũ bảo hiểm. Kế hoạch cũng hướng dẫn cách nhận biết mũ không phải mũ bảo hiểm là “mũ không có đủ 3 lớp (vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong và quai mũ); không ghi nhãn mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy; không có dấu hợp quy CR”.
Kế hoạch và nội dung rất rõ ràng, nên báo chí và dư luận đã hiểu những kiểu “mũ nhựa lưỡi trai” màu mè, mỏng dính mà người dân đội đầy đường, bán đầy các con phố, đương nhiên là mũ bảo hiểm rởm, là mũ không phải mũ bảo hiểm. Và nếu không phải những loại mũ “mũ nhựa lưỡi trai” này, không biết Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia muốn xử phạt người dân và tiêu hủy loại mũ nào?
Một nỗ lực thất bại?
Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nhận định rằng, để mũ bảo hiểm kém chất lượng tồn tại trên thị trường không phải lỗi của người tiêu dùng, không có chuyện đội mũ rởm thì bị coi như hành vi không đội mũ và bị phạt. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, phạt người đội mũ bảo hiểm rởm cũng chỉ là xử lý phần ngọn, còn gốc của vấn đề chính là người sản xuất, kinh doanh, bán sản phẩm ra thị trường. Nhưng quan điểm này cũng đã được đề cập đến từ vài năm nay. Nhiều độc giả cho rằng cơ quan quản lý đang “đá bóng” tránh nhiệm sang phía người tiêu dùng.
Và trong Kế hoạch 69 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, việc xử lý các sai phạm trong sản xuất, kinh doanh buôn bán mũ bảo hiểm giả, mũ không phải mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe máy cũng được vạch ra kỹ càng. Đó là các loại mặt hàng “mũ có kiểu dáng bên ngoài giống mũ bảo hiểm nhưng không có dấu hợp quy, chưa có công bố tiêu chuẩn chất lượng, vi phạm về nhãn hàng hóa; các loại mũ làm giả, làm nhái mẫu mã của các thương hiệu mũ bảo hiểm xe máy đúng quy chuẩn chất lượng”.
Những dữ liệu đó cho thấy, các cơ quan quản lý đã ngầm tiến tới xử lý loại mũ bảo hiểm rởm kiểu “mũ nhựa lưỡi trai” bằng cách “đánh” cả vào người tiêu dùng lẫn các đối tượng sản xuất, buôn bán loại mũ này - vốn chỉ giúp người dân làm đẹp và cố tình đội để đối phó với CSGT khi ra đường. Nhưng kế hoạch và nỗ lực đó đã thất bại trước áp lực quá lớn từ dư luận và bởi những quy định vượt khỏi Nghị định 171 của Chính phủ, dù thực tế là đa số người dân, chỉ bằng cảm quan, cũng có thể hiểu những loại mũ mỏng dính đầy màu sắc không có tác dụng bảo vệ gì nhiều khi họ xảy ra tai nạn nhưng cố tình mua sử dụng.
Dường như Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia muốn diệt loại mũ không phải mũ bảo hiểm nhưng đã không vượt qua được “bão dư luận”?
Theo giadinh.net
,