| | | | |
Vietnamese
English
DANH MỤC MENU
LIÊN KẾT
THÔNG TIN CẦN BIẾT
BỘ ĐẾM TRUY CẬP
 
Hôm nay: 5,404
Tất cả: 99,758,357
 
 
Bản in
Dưới mái vòm Thành cổ
Tin đăng ngày: 21/6/2015 - Xem: 1900
 
Hồi trước, toà soạn báo nơi mình làm việc không ở trụ sở lớn khang trang như bây giờ, mà chỉ là một toà nhà 3 tầng nằm khiêm nhường trên mặt đường Quang Trung, ngay góc cắt với đường Đào Tấn. Hồi đó, tối tối mấy anh em trong “bộ sậu” biên tập, đọc morat và trực bản in của báo lại rủ nhau lê la ra mấy quán ăn đêm ở cổng thành, nhâm nhi trong lúc chờ báo. Ủa mà sao mình kể cứ như mình nằm trong bộ sậu đó vậy? Cách đây ngót nghét 10 năm, mình mới chỉ là đứa trẻ theo mẹ đến cơ quan chơi và đi ăn “chực” các cô chú mà thôi.
 
Địa điểm ưa thích của “tập đoàn báo chí” (nói vậy cho oai) là quán cháo của một lão tóc bạc phơ nhưng đặc biệt nhanh nhẹn, thích ăn trầu và kể chuyện phiếm. Thế nên cứ thấy mấy “cô chú” nhà báo lò dò đi đến là bà mừng như “bắt được vàng”, sai đứa cháu nội dọn bàn dọn ghế, rót nước, rồi như thường lệ: “Cháo gà và bánh mì rán chấm tương!”. Trong nhóm có một bác hoạ sỹ chuyên vẽ tranh minh hoạ, mi bìa báo là lớn tuổi nhất và cũng nói chuyện hợp “gu” nhất với bà chủ quán. Hai người họ mà cùng hồi tưởng về những chuyện xưa xửa xừa xưa thì bọn mình cứ gọi là há mồm ra nghe, quên cả ăn!
 
Thành cổ Vinh.
Thành cổ Vinh.

Thành cổ Vinh

 
Trong vô vàn câu chuyện được nghe kể, khi thì bởi bác hoạ sỹ, khi thì bởi bà lão bán cháo, mình nhớ nhất câu chuyện về Thành cổ Vinh. Chuyện kể bắt đầu từ một tiếng thở dài của bà lão: 
“Nhà tôi ở cũng gần đây, ngay trong con ngõ nằm cạnh chân cửa Hữu. Hai đứa con đã lớn cả, đi làm ở xa, một đứa gửi cháu về cho ông bà nuôi. Hôm trước chúng nó mới về thăm, bàn nhau bảo vợ chồng tôi bán căn nhà cũ đi, lên thành phố lớn ở với chúng nó. Mà tôi chưa chịu…”.
 
Một cô biên tập viên nhanh nhảu hỏi ngang: 
 
- Bà ơi, cháu thấy khu vực này cũng đông đúc, chật chội. Còn họp chợ nữa, chiều nào cháu đi qua cũng loay hoay toát cả mồ hôi mới qua được đoạn đường này. Còn khu vực sân vận động phía bên trong thì hôm nào có trận bóng lại đông kín người, vừa ồn ào, vừa phức tạp. Ông bà lớn tuổi rồi, ở đây làm gì?
 
Bà lão chưa kịp trả lời, bác hoạ sỹ đã lên tiếng:
 
“Cháu có biết tại sao người ta lại họp chợ ở đấy, dù không phải là có diện tích rộng như chợ Ga, chợ Quang Trung, chợ Cửa Bắc không? Nơi đây dưới thời vua triều Nguyễn được gọi là làng Vĩnh Yên, được vua Gia Long quyết định chọn làm trấn sở và chính thức dời trấn vào năm 1884, xây thành đất Nghệ An. Đến năm 1931, vua Minh Mạng cho xây lại thành bằng đá ong theo kiểu Vô-băng, với 6 cạnh, chu vi dài 603 trượng, tức khoảng 2.400m, bao xung quanh có hào rộng 7 trượng, sâu 8 thước ta. Đến thời Tự Đức, thành lại được nâng cấp thêm một lần nữa. 
 
Cả công trình thành cổ có 3 cửa ra vào: Cửa Tiền, Cửa Tả và Cửa Hữu. Trong đó Cửa Tiền hướng về phía Nam và là cửa chính để Vua ngự giá, các quan trong lục bộ triều đình và Tổng đốc vào ra. Bên trong có các công trình như Hành cung, dinh Thống đốc, dinh Bố Chánh và án Sát, dinh lãnh binh, dinh đốc học, trại lính và nhà ngục. Cả khu thành được trang bị 65 khẩu thần công, đặt ở các vọng gác, Hành cung và dinh Thống đốc. 
 
Đến nay, trải qua thời gian và những sự kiện lịch sử có phần đau thương, bi tráng của dân tộc, Thành cổ Vinh không lưu giữ được nhiều trong số những công trình ở trên, mà chỉ còn hiện hữu rõ nhất ở 3 cổng thành. Trước mặt chúng ta đây chính là cổng Hữu, cũng là cổng luôn luôn được mở. Người ta họp chợ ở khu vực này, có lẽ cũng là chút gì dư âm vọng lại từ nét văn hoá người Việt xưa…”.
 
Tất cả chúng tôi “ồ” lên một tiếng, thì ra chiếc cổng thành cũ kỹ, rêu phong mà ngày ngày chúng tôi vẫn đi qua kia, lại mang theo một câu chuyện cổ xưa, u hoài đến vậy. Bởi lẽ, khi xây Thành cổ Vinh này, cũng là lúc triều đại phong kiến nhà Nguyễn đang trên đà suy vong, nên Thành Vinh không phát huy được mục đích xây dựng ban đầu là trở thành một trung tâm phòng thủ kiên cố của chính quyền phong kiến mà còn rơi vào tay quân Pháp vào năm 1885. Kể từ đó, nơi đây đã ghi dấu những phong trào đấu tranh của các chí sĩ yêu nước, góp phần vào trang sử bi thương mà hào hùng của nhân dân Nghệ An. 
 
Tôi khẽ kéo áo bác hoạ sỹ già, thỏ thẻ hỏi: “Bác ơi, có phải ở gần Cửa Hữu có mộ của ông Đội Cung phải không bác?”
 
Bác xoa đầu tôi trìu mến, nhìn về phía xa xa, gật đầu:
 
“Năm 1941, ông Đội Cung kéo quân từ đồn Rạng, Thanh Chương tiến công, chiếm được đồn giặc Pháp ở Đô Lương rồi tiến về Vinh, đánh vào doanh trại lính Pháp trong thành. Nhưng chẳng may, việc không thành, Đội Cung và anh em cộng sự hy sinh anh dũng nơi đây. Đến bây giờ, khu vực này cũng được đặt tên là Đội Cung và người ta cũng quen gọi chợ họp ở đây là chợ Đội Cung, chính là để tưởng nhớ đến nhân vật này đấy cháu ạ!”
 
Không ai bảo ai, tất cả trầm ngâm im lặng, cùng nhìn về phía màn đêm xa thẳm, sâu hun hút bên kia cổng thành, dưới mái vòm cong cong đã ngả màu rêu phong của lịch sử. Tưởng như thời gian đang chạy giật lùi qua dưới cổng thành, dẫn chúng tôi trở về với một thời dân Thành cổ Vinh sống dưới hai triều đại phong kiến và thực dân, rồi đến những thời kỳ đỏ anh hùng mà bi ai của những phong trào yêu nước buổi đầu trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của đất nước. Bao nhiêu máu đã đổ xuống từng tảng đá xây nên cổng thành này trong những năm 30 - 31, để hôm nay cỏ cây đã lên xanh một màu hiền hoà? 
 
Tôi choàng mở mắt, thì ra chính tôi cũng đang mơ giấc mơ xưa cũ của 10 năm về trước khi còn là một đứa trẻ theo chân các cô, các chú trong toà soạn đi ăn đêm ở cổng thành. Trong mơ ta lại nằm mơ, nhưng giấc mơ ấy nay đi về đâu? Bác hoạ sỹ già đã nghỉ hưu từ lâu, bà lão bán cháo cũng không còn ở đây nữa. Có lẽ bà đã nghe lời con, chuyển đi xa lắc xa lơ. Bây giờ ở khu vực cổng thành, người ta xây dựng, quy hoạch thành khu phố ăn đêm, điện thắp sáng choang chứ còn đâu cảnh tù mù một chiếc bóng vàng vò võ bên nồi cháo và bếp than hồng như trước. Xe máy, ô tô đậu kín đường, người ăn kẻ uống ồn ã, náo nhiệt, cũng tươi vui nhưng có gì khác xưa nhiều thật nhiều. 
 
Tôi tần ngần đi bộ một vòng qua hết sân vận động, qua Cửa Tiền, Cửa Tả rồi mới dừng chân ở Cửa Hữu. Chưa đi qua vội, tôi đứng dưới mái vòm, ngước nhìn lên để thấy một màu cũ kỹ bao trùm lên tầm mắt và cả ký ức. Một cơn mưa bóng mây rào rào đổ xuống rồi vội vã ngớt, nhưng cũng đủ khiến cảnh vật được gột rửa, khoác lên mình một màu tươi mới hơn. Chỉ có tôi vô tình đứng trú mưa dưới cổng thành là tâm hồn còn phủ một lớp bụi mờ của quá khứ. Tôi cẩn thận vun vén những hạt bụt li ti ấy, cất vào một góc trái tim rồi bước qua cổng thành, kính cẩn nghiêng mình trước khi hoà vào dòng người xô bồ, vội vã. 
 
Thục Anh-Baonghean.vn
  Các bài mới:
Nghệ An tổ chức Đại hội Liên đoàn Quần vợt nhiệm kỳ 2023 - 2028(15/4/2023)
BHXH Việt Nam bổ sung tính năng hiển thị thời gian chưa đóng BHXH, BHTN trên ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số”(16/3/2023)
Tham gia BHYT trước 01/7/2023: Người dân không phải đóng bù phần chênh lệch do tăng lương cơ sở(24/2/2023)
PHAN BỘI CHÂU - TẦM NHÌN VƯỢT THỜI ĐẠI(27/1/2023)
Diễn biến “nóng” vụ Xuân Bắc viết status "Cái tát của mẹ"(27/1/2023)
Lập xuân 2023 là ngày nào?(27/1/2023)
Lễ kỷ niệm 234 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa tại Nghệ An(27/1/2023)
Nghệ An: 129 lái xe vi phạm nồng độ cồn bị xử lý dịp Tết(27/1/2023)
  Thơ Thành Vinh:
HLV Lê Huỳnh Đức khen Văn Đức, chê trọng tài sau trận thua SLNA (24/3/2021)
CLB Thơ Việt Nam - thành phố Vinh đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2023 (11/6/2020)
Hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Nghệ An (20/11/2019)
Cục diện V.League 2019 trước vòng đấu cuối cùng (21/10/2019)
Người Hà Nội hào hứng với kiểu tóc giống của ông Trump và ông Kim Jong-un (20/2/2019)
Bản quyền World Cup 2018: Việt Nam căng, thiên hạ mua giá thế nào? (3/6/2018)
Bưu điện tỉnh triển khai đề án xây dựng cổng thông tin điện tử về liệt sỹ (8/5/2018)
Hội thơ Hồng Lam thành phố Vinh đại hội lần thứ 2 nhiệm kỳ 2016 -2021 (3/8/2016)
GẶP NHÀ VĂN NGUYỄN THẾ QUANG – TÁC GIẢ ĐẠT GIẢI THƯỞNG HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM (29/2/2016)
Với Đảng, mùa Xuân (7/2/2016)
THÔNG TIN CẦN BIẾT
Lịch công tác UBND
Văn bản pháp quy
Văn phòng điện tử
Dịch vụ công trực tuyến
Album ảnh Nghệ An
Truyền hình TP Vinh
Liên hệ - Góp ý
Phiên bản Mobile
TRUYỀN HÌNH TP VINH
Loading the player...
LIÊN KẾT WEBSITE
 
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh


Thiết kế Website