Trải qua 24 năm, dù các hội viên đã nghỉ hưu, nhưng với niềm đam mê, họ vẫn miệt mài lao động. Những công trình đã được công bố, phổ biến và truyền dạy là những thành tựu nổi bật, minh chứng cho những năm tháng lao động không mệt mỏi ấy.
Đến nay, đã 24 năm kể từ khi Hội VNDG Nghệ An được thành lập. Trọng tâm chính trong hoạt động của Hội là trên 3 lĩnh vực: Sưu tầm, nghiên cứu văn hoá dân gian xứ Nghệ; phối hợp với các ngành, các cơ quan có liên quan để tiến hành hoạt động và biên soạn các công trình về văn hóa, VNDG xứ Nghệ; phổ biến, truyền dạy, giới thiệu văn hóa dân gian, nhất là văn hóa dân gian xứ Nghệ.
Tại Đại hội nhiệm kỳ lần thứ IV của Hội được tổ chức vừa qua, nhiều công trình, đề tài khoa học thực hiện thành công đã được xướng tên. Để có được những thành tựu đó, theo ông Lê Tài Hòe, Chủ tịch Hội VNDG Nghệ An, công tác sưu tầm, nghiên cứu của các hội viên, nghệ nhân không chỉ đòi hỏi phải có niềm đam mê mà còn rất cần sự “dấn thân”.
Chỉ tính riêng chức năng sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến văn hóa, VNDG, đã có 63 công trình nghiên cứu khoa học, 18 công trình được in thành sách với hàng vạn trang. Ngoài ra, còn đăng hàng chục bài báo, tạp chí ở Trung ương và trong tỉnh. Tiêu biểu là các công trình, đề tài do Trung ương đầu tư như: Văn hóa phồn thực của PGS Ninh Viết Giao, Văn hóa làng Phú Đa của hội viên Nguyễn Xuân Đức, Chế tác khèn bè dân tộc Thái của Lê Tài Hòe... Các công trình, đề tài do Hội địa phương đầu tư điển hình là: Hát giao duyên Thái của Lô Khánh Xuyên, Khèn Mông Nghệ An của Dương Hồng Từ, Tiếng Nghệ trong vè xứ Nghệ của Bùi Thị Đào, Quy trình, tục lệ cưới hỏi của người Việt của Lê Tài Hòe...
Dân ca ví, giặm xứ Nghệ được tôn vinh là thành quả của quá trình lưu giữ, phát huy của các nghệ nhân |
Ngoài các đề tài về văn hóa dân gian, các hội viên còn đầu tư công sức, viết nhiều cuốn sách về địa chí, văn hóa, lịch sử các địa phương, các chuyên đề về đất nước, con người, di tích, danh thắng xứ Nghệ như: Nam Đàn địa linh nhân kiệt của Trần Minh Siêu - Hoàng Tá Thốn, Những thầy thuốc danh tiếng trên đất Nghệ của Hoàng Anh Tài... Trong đó, nhiều công trình, cuốn sách của hội viên đã được xuất bản như: Tục ngữ làng ta của Lê Tài Hòe - Nguyễn Văn Tùng, Sắc phong Nghệ An của Đào Tam Tỉnh, Một số vấn đề về dạy học VHDG trong nhà trường của Hoàng Minh Đức...
Năm 2014, người dân xứ Nghệ nói riêng và cả nước nói chung rất đỗi tự hào khi dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tại thủ đô Paris, Pháp. Để làm nên sự thành công đó, Hội VNDG Nghệ An đã có những đóng góp lớn trong sưu tầm, nghiên cứu, truyền bá dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Trong đó phải kể đến các bậc lão thành trong nghề như Lê Hàm, Thanh Lưu, Đình Bảo, Song Thao, Phan Thành...
Trong năm 2014, đã có 6 hội viên tham gia Hội thảo quốc tế về dân ca ví, giặm với những tham luận như: Vấn đề bảo tồn dân ca Nghệ Tĩnh của Nguyễn Xuân Đức, Giá trị văn hóa và sức lan tỏa của dân ca ví, giặm xứ Nghệ của Hoàng Minh Đạo, Lê Tài Hòe với Đặc điểm độc đáo của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh từ góc nhìn lịch sử, xã hội...
Để hiểu được phong tục, tập quán, văn hóa, tín ngưỡng và con người ở miền xuôi hay miền ngược, những hội viên của Hội VNDG Nghệ An đã trải qua nhiều khó khăn, “bám đất, bám người”... để sưu tầm, tìm hiểu về văn hóa dân gian xứ Nghệ. Với họ, đó là tình yêu, niềm đam mê, với mong muốn góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa của xứ Nghệ quê mình.