Đã gần hai tháng trôi qua nhưng người dân ở Phường Lê Lợi, TP Vinh vẫn chưa hết xôn xao về vụ việc một nạn nhân ở số nhà 8A, ngõ 85, đường Nguyễn Đình Chiểu, bị một đối tượng giả danh nhà sư lừa đảo, chiếm đoạt tiền và 1,7 cây vàng… Sự việc hiện nay vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra.
Còn cách đây hơn 3 tháng, hai đối tượng đã giả danh nhà sư, có mặt tại xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu vận động người dân góp tiền đúc tượng Phật, mua hương gây quỹ từ thiện. Sự việc sau đó được phát giác nhờ tinh thần cảnh giác của người dân. Hai đối tượng được xác định là Văn Công Trường (SN 1978) và Nguyễn Văn Tài (SN 1982) ở tỉnh Tiền Giang. Công an xã Quỳnh Long đã lập biên bản tạm giữ tang vật, cùng với một số giấy tờ giả và trục xuất khỏi địa bàn. Và đây không phải là vụ việc đầu tiên xảy ra tại đây.
Vào trung tuần tháng 9, ở đầu đường Đinh Công Tráng, TP Vinh... trong bộ quần áo nâu sồng, đầu cạo trọc, sư giả đã có mặt ở bất cứ đâu miễn là họ xin được tiền bố thí. Ít thì 5.000 đồng, 10.000 đồng và có thế nhiều hơn thế nữa... Theo bước chân khất thực của một đối tượng tại chợ Vinh... chỉ chưa đầy 1 tiếng đồng hồ, một đối tượng sư giả đã nhận được số tiền không dưới 300.000 đồng từ sự bố thí của những tiểu thương.
Đại đức Thích Đình Tuệ - Phó chánh văn phòng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Nghệ An nói: Trong hiến chương giáo hội đã quy định các vị tu sỹ không còn đi khất thực nữa. Còn với các phương pháp như bán hương, các vật dụng liên quan đến nhà chùa thì Giáo hội đã cấm và không cho phép các vị tu sỹ làm.
Như vậy, khoác áo tu hành để kinh doanh trục lợi hay đi khất thực không phải là những nhà tu hành chính đạo. Với những đối tượng giả sư thì… tiền luôn là mục tiêu nhằm đến. Và thực tế nhiều đối tượng xem đây là một cách để mưu sinh. Cũng vì thế, nghề giả sư khất thực mới tồn tại và có chiều hướng gia tăng. Một số đối tượng đội lốt nhà sư từng khất thực tại Hà Nội và nay đã có mặt tại TP Vinh. Với người dân, thật giả đang lẫn lộn thì đây là một trong những nguyên nhân để lòng nhân ái, thiện tâm bị lợi dụng.
Đại đức Thích Đình Tuệ cho rằng: Khi họ phát hiện ra niềm tin của mình đã lợi dụng, niềm tin của mình đặt không đúng nơi đúng chỗ gần như họ đã có những phản ứng tiêu cực, có những lời nói, cách ứng xử khiến cho hình ảnh của Phật giáo bị xấu đi. Nó ảnh hưởng đến giáo hội và những vị tu sỹ chân chính khác.
Chỉ cần xuống tóc và khoác lên mình chiếc áo tu hành, những đối tượng giả sư đã dễ dàng lợi dụng được lòng kính phật, đức tin của người dân để trục lợi và lừa đảo… Nạn sư giả gia tăng, đang tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn về trật tự an ninh - xã hội, làm hoen ố hình ảnh những người tu hành chân chính.
Nguồn: Truyền hình Nghệ an