24 tuổi, Trần Đình Quân sống ở phường Hưng Dũng, là cán bộ địa chính xã Nghi Ân (TP.Vinh) và cũng là người có niềm đam mê phượt, chụp ảnh. Cách đây một năm, Quân đã thực hiện một chuyến phượt xuyên Việt với tất cả niềm đam mê và khát khao chinh phục của mình.
|
Trần Đình Quân (trái) và nhóm bạn tại Thành cổ Quảng Trị |
Hành trình 28 ngày xuyên Việt
Khi còn là sinh viên ngành địa chính, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Quân đã thực hiện các chuyến rong ruổi cùng bạn bè ở các tỉnh miền Bắc để thỏa mãn sở thích trải nghiệm và để yêu hơn quê hương mình. Càng đi, niềm đam mê càng lớn dần, anh ấp ủ một chuyến đi dài ngày từ Bắc vào Nam để thể hiện hết cá tính, thỏa mãn khao khát chinh phục của mình.
Những ấp ủ đó cứ nhen nhóm mãi đến khi Quân ra trường và công tác tại một công ty ở Hà Nội. Trong một lần trò chuyện và bắt gặp hai người em có cùng “chí hướng”, Quân đã rủ cùng tham gia hành trình xuyên Việt với mình.
Ba người đã cùng lên kế hoạch cẩn thận cho chuyến đi dài ngày gồm những chặng đường sẽ đi qua, cách tiết kiệm chi phí một cách tối ưu nhất, cho đến lường trước được những sự cố có thể sẽ xảy ra trên đường đi. Sau khi đã sắp xếp được thời gian và mọi thứ, chuyến phượt đã được thực hiện vào ngày 2/7/ 2015. Theo tuyến đường từ Hà Nội – Vinh – Đà Nẵng – đảo Lý Sơn – Nha Trang – Sài Gòn – Cà Mau.
|
Trần Đình Quân tại cầu Hiền Lương (Quảng Trị) |
Hành trình 28 ngày đối với Quân và nhóm bạn có khá nhiều kỷ niệm. Quân nhớ lại: “Có lần 3 đứa từ cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi) đi Tây Nguyên, đến huyện Ba Tơ thì trời tối nhưng mọi người vẫn quyết định đi tiếp. Lên đến đèo Vi Ô Lắc thì trời đổ mưa, đường vưà trơn vừa tối. Không thể dừng chân vì xung quanh hoang vắng chỉ toàn rừng núi nên mọi người phải cố gắng đi tiếp. Nhưng cứ đi mãi đi mãi vẫn không thấy nhà đâu, trời mỗi lúc mưa một to. Tới dốc, một xe bất chợt bị thủng l không thể vá được, cả đoàn đành phải đẩy bộ. Đói, mệt, lạnh, đường vắng, xa xa vọng lại tiếng vượn hú chim kêu. Hơn 11 giờ đêm mới đến được xã Pờ Ê (huyện Kon PLông), may thay gặp được 2 anh cán bộ xã, trong đó có anh Hoàng người Diễn Châu. Sau khi trình bày, bọn mình đã được các anh mời ăn uống và sắp nghỉ ngơi tại ủy ban xã. Khi biết người cùng quê, anh Hoàng đã chủ động hướng dẫn đường đi, liên lạc với bạn anh ở ĐăkLăk giúp đỡ và chuẩn bị một ít thức ăn đi đường cho bọn mình”.
|
Trần Đình Quân tại cột mốc đất mũi Cà Mau. |
Ấn tượng nhất là khi vào đến Sài Gòn, tài chính mọi người bắt đầu cạn, Quân phải đăng lên trang của hội phượt các khu vực miền Nam để xin những thông tin và lời khuyên về giá cả và đường đi để tiết kiệm. Không ngờ đội phượt Sài Gòn đã chủ động liên lạc đề nghị phượt cùng với mọi người để giao lưu và giúp đỡ.
Suốt hành trình 2 ngày 2 đêm từ Sài Gòn vào Mũi Né, từ những người xa lạ không quen biết, 3 người đã hòa nhập hoàn toàn với đoàn. Mọi người cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, những niềm vui trên các cung đường phượt. Hiểu được những khó khăn trên chặng đường phượt của những người bạn đến từ miền Bắc, đội phượt miền Nam đã thể hiện sự hiếu khách với vai trò là chủ nhà. Quân thực sự cảm phục bởi sự nhiệt tình, thân thiện và đoàn kết của hội.
Quân cùng bạn đồng hành kết thúc cung đường phượt tại Cà Mau vào ngày 29/7/2015. Sau khi tính toán các chi phí ăn nghỉ suốt hành trình 28 ngày phượt, tất cả vừa tròn 10 triệu một người.
Nên duyên từ niềm đam mê phượt
Cách đây không lâu, trên mạng rầm rộ về đám cưới của một cặp đôi tại Vinh với hàng rước dâu mang đậm chất phượt. Không ai khác, đó chính là đám cưới của Trần Đình Quân cùng vợ là Mạc Thị Quyên (24 tuổi, quê ở Hải Phòng).
Quân và vợ bén duyên cũng từ những cung đường phượt. Hai người học chung với nhau cùng lớp đại học nhưng phải qua những chuyến du lịch bụi, trái tim hai người mới đồng điệu cùng nhau.
|
Trần Đình Quân và Mạc Thị Quyên nên duyên chồng vợ cũng từ niềm đam mê phượt. |
|
Mạc Thị Quyên là nguời bạn đồng hành trên những cung đường phượt của Đình Quân |
Quân chia sẻ: “Bọn mình không biết thích nhau từ lúc nào, chỉ bắt đầu cảm nhận rõ tình cảm với đối phương là lúc mà cả hai cũng vượt qua những khó khăn trên những chặng đường phượt, rồi cùng nhau thưởng thức những cảnh đẹp quê hương trên chính hành trình của mình. Những điều hạnh phúc ấy phải những người có chung niềm đam mê mới có thể cảm nhận được. Chỉ những lúc gian nan, khó khăn hay niềm hạnh phúc tột bậc bạn mới hiểu rõ tính cách và bản chất của đối phương”.
Đình Quân còn chia sẻ một điều thú vị rằng, động lực để giúp a quyết tâm thực hiện bằng được chuyến đi xuyên Việt là nhờ vợ. Bởi lúc đó Quyên đang công tác tại Sài Gòn, Quân muốn dùng lòng thành của mình để cầu hôn cô, và đã thành công. Sau chuyến phượt dài ngày đó, anh và vợ đã chuyển hẳn công tác về Nghệ An.
Cũng nhờ chuyến phượt xuyên Việt, Quân đã hiểu sự kết nối giữa niềm đam mê là rất cần thiết. Anh đã cùng một số bạn trẻ ở Vinh tổ chức các buổi giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm và niềm vui phượt. Rồi đi tiền trạm trước các địa điểm, lên kế hoạch để tổ chức các buổi phượt trong và ngoài tỉnh, dẫn đoàn đi một cách an toàn và vui vẻ.
|
Trần Đình Quân (ngoài cùng bên phai) cùng nhóm bạn tại cực Bắc Hà Giang. |
“Đối với mình, phượt không phải là hình thức du lịch giải trí mà chính là sự trải nghiệm, trưởng thành từ những giá trị cuộc sống. Nó chính là trường học, những con người mình gặp trên đường, những khó khăn mình vấp phải đều dạy mình để bản thân biết học hỏi, vươn lên và cố gắng hơn” Quân tâm sự.
Ngoài công việc và sở thích phượt, Đình Quân còn dành thời gian để chăm sóc shop phượt, chuyên bán và cung cấp đồ cho các tín đồ mê phượt - một trong những ước mơ hồi đại học của anh. Quân cho biết, sau khi ổn định được thời gian và công việc ở đây, anh sẽ cùng bà xã và các bạn trẻ thành Vinh tiếp tục thực hiện niềm đam mê khám phá, chinh phục các cung đường của quê hương.
Nguồn: Báo nghệ an