Nói không với điện thoại khi tham gia giao thông
8/4/2016 11:41:44 AM

Trên nhiều tuyến đường của thành phố Vinh, không quá khó để bắt gặp hình ảnh người tham gia giao thông vừa điều khiển xe vừa dùng điện thoại. Đáng nói là dường như có nhiều người xem và chấp nhận đó là điều bình thường mỗi khi ra đường.

Người dân vừa đi vừa nhắn tin trên đường Trường Thi, TP. Vinh
Người dân vừa đi vừa nhắn tin trên đường Trường Thi, TP. Vinh.

Với sự phát triển của công nghệ thông tin, điện thoại di động ngày nay đã trở thành "vật bất ly thân" của nhiều người. Họ sử dụng điện thoại mọi lúc mọi nơi, từ ở nhà cho đến công ty và ngay cả khi đang điều khiển xe cộ trên đường phố.

Ai cũng biết khi tham gia giao thông cần tập trung cao độ, tránh phân tán chú ý để xử lý tình huống trên đường. Thế nhưng, thay vì chú ý tình hình phố xá thì nhiều người lại “vô tư” dùng điện thoại khi tham gia giao thông dù biết rõ đây là hành vi có thể gây nguy hiểm cho chính bản thân và những người đi đường khác.

Dọc các con đường lớn bé của TP. Vinh như Quang Trung, Lê Lợi, Minh Khai, Lê Hồng Phong… nếu chú ý, không quá khó để phát hiện những trường hợp vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại di động.

Đó là cảnh người lái xe một tay nghe điện một tay cầm lái, cảnh những cô cậu học sinh vừa đi xe vừa nghe nhạc hoặc một tay dò tìm bản đồ trên mạng thỉnh thoảng lại ngước mắt lên nhìn đường.

Thậm chí không ít lần tôi toát mồ hôi hột trước cảnh một bà mẹ chở đứa trước đứa sau vừa lái xe lại vừa nghe điện thoại giữa phố phường ken đặc xe cộ. Không ít trường hợp, tại các ngã tư, ngã năm, nhiều người vì mải dùng điện thoại gây khó chịu cho người phía sau do quên xuất phát khi đèn chuyển sang màu xanh.

Người dân vừa đi xe vừa nghe điện thoại.
Người dân vừa đi xe vừa nghe điện thoại.

Từ lâu, nhà nước đã có quy định pháp luật cấm người tham gia giao thông sử dụng điện thoại nhưng trên thực tế việc vi phạm quy định này khá phổ biến. Mỗi khi bị cảnh sát giao thông thổi còi phạt, người dân lại đưa ra rất nhiều lý do để giải thích việc sử dụng điện thoại khi lái xe như vì có việc vội, vì tiện và cả lý do không biết luật hay cho rằng việc mình làm là vô hại!

Họ tiếc vài giây, vài phút dừng lại tấp vào lề đường nghe điện thoại, họ ngại dừng xe xem bản đồ, họ tranh thủ thời gian trên đường để nghe nhạc… Họ nghĩ đó chỉ là điều vặt vãnh. Và cũng chính vì những điều tưởng như vặt vãnh ấy đã dẫn tới không ít vụ tai nạn giao thông vì sử dụng điện thoại di động. Nhẹ thì người điều khiển chỉ bị va chạm với xe khác, xây xước tay chân, nặng thì gây tàn tật, chết người.

Như vào ngày 19/10/2014, anh Nguyễn Trung H. trong lúc mải nghe điện thoại đã không làm chủ được tốc độ khiến xe tải đâm vào xe máy chở 2 vợ chồng và 1 em bé 3 tuổi trên quốc lộ 1A đoạn qua xã Diễn Ngọc, Diễn Châu, Nghệ An. Vụ tai nạn khiến cả gia đình 3 người trên xe máy thiệt mạng.

Vào ngày 1/1/2015, ở huyện Gia Lộc, Hải Dương, khi chở vợ mới cưới đi gội đầu, người chồng vì cả lái xe cả nghe điện thoại khiến xe bị ngã. Người vợ ngồi sau không đội mũ bảo hiểm nên tử vong… Đó chỉ là một trong số những vụ việc đau lòng đã xảy ra ở Nghệ An và cả nước nói chung.

Tại TP. Vinh, vài năm trở lại đây, lưu lượng xe cộ ngày càng tăng, đặc biệt là vào những giờ cao điểm, giờ tan tầm. Do đó, việc sử dụng điện thoại khi lái xe không chỉ gây mất an toàn mà còn gây khó chịu cho những người tham gia giao thông khác.

Đứng trước mục tiêu, kỳ vọng xây dựng, phấn đấu đưa Vinh thành trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ, thiết nghĩ chính bản thân mỗi người công dân của thành phố chúng ta phải tự xây dựng, hình thành ý thức văn minh. Mà có lẽ trước hết bản thân mỗi người dân thành phố Vinh nên “Nói không với điện thoại khi tham gia giao thông”.

Chu Thanh-Baonghean.vn

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh