Hằng ngày bà Vinh như người bạn đồng hành đưa đón con đến trường Ảnh: D.HÒA
Câu chuyện nghị lực vượt khó đến giảng đường dù không có hai tay của Nguyễn Đình Nhẫn, tân sinh viên khoa công nghệ thông tin Trường ĐH Công nghiệp Vinh, Nghệ An, khiến thầy cô, bạn bè và mọi người cảm phục.
Nét chữ dưới đôi chân
Gần 12g trưa, chúng tôi gặp Nhẫn trong ngôi nhà cấp bốn đơn sơ ở xóm 10, xã Nghi Kim, TP Vinh khi mẹ Nhẫn, bà Nguyễn Thị Vinh (51 tuổi), vừa chở bạn từ Trường ĐH Công nghiệp Vinh về.
Dù không có hai tay nhưng Nhẫn vẫn thoăn thoắt xuống xe máy rồi vào bếp dùng chân kẹp chiếc rổ nhựa đưa ra vườn cho mẹ hái rau nấu cơm.
Bà Vinh không ít lần rơi nước mắt khi kể về cậu con trai tật nguyền bẩm sinh với tuổi thơ bất hạnh. Là con thứ năm trong gia đình, từ lúc lọt lòng Nhẫn đã không có hai tay. Mười tám năm trước hạ sinh Nhẫn tại nhà, bà Vinh như chết lặng khi nhìn thấy đứa con mới chào đời.
“Chồng tôi bế con trên tay, thằng bé khóc to nhưng hai cánh tay thì cụt đến vai trông như một cục thịt dài thuồn thuột. Lúc đó nhìn con như vậy vợ chồng tôi nghĩ chắc ông trời không cho mình nuôi đứa con này”, bà Vinh nhớ lại. Con khiếm khuyết đôi tay thì lớn lên, vui chơi, học hành thế nào? Bao nhiêu câu hỏi đó cứ hiện lên trong suy nghĩ của bà Vinh hằng đêm.
Nhẫn - cái tên được vợ chồng bà Vinh chọn đặt cho con - với mong ước con mình đủ nhẫn nại, ý chí kiên trì trong cuộc đời dù cơ thể không trọn vẹn.
Khác với những đứa trẻ bình thường, năm đầu tiên của cuộc đời Nhẫn chẳng biết đến lẫy hay bò mà chỉ... nằm im! Đến gần 2 tuổi Nhẫn đứng dậy và đi được một lần mấy bước mà không ngã khiến vợ chồng bà Vinh vừa bất ngờ vừa mừng đến phát khóc.
Lúc Nhẫn 5 tuổi, nhìn bạn bè đến trường trong khi con mình thui thủi chơi một mình, bà Vinh chở con đến trường xin cô giáo cho học, mong con có được niềm vui biết thêm con chữ.
Thấy các bạn tập tô, tập viết chữ, Nhẫn bắt đầu kẹp phấn hay que vào bàn chân trái hì hụi tập viết, tập vẽ. Cứ thế những con chữ, nét vẽ cứ dần hiện ra dưới đôi chân của Nhẫn. Có những lúc say mê viết chữ bằng bút, đôi chân phồng rộp, tê cứng lại nhưng Nhẫn vẫn không từ bỏ.
“Dù viết bằng chân khó nhọc nhưng được mọi người động viên và khen nên tôi lại có động lực tập viết chữ. Lâu dần đôi chân tôi cũng quen với việc thay đôi tay... cầm bút, chữ tròn và dễ đọc hơn” - Nhẫn kể.
Không gục ngã trước số phận
Không chỉ tập viết chữ, Nhẫn còn tự mình tập đánh răng, rửa mặt, dùng thìa xúc cơm ăn. Tất cả đều bằng chân.
Những công việc tưởng rất đỗi bình thường với người lành lặn nhưng với Nhẫn là cả một thời gian dài kiên trì khổ luyện.
“Cha mẹ cho tôi cơ thể tuy không được đầy đủ như mọi người nhưng tôi muốn tự mình làm những việc sinh hoạt cá nhân vì không muốn làm phiền đến ai. Tập bằng chân nhiều rồi cũng thành quen như dùng tay vậy” - Nhẫn tâm sự.
Năm 2007 khi Nhẫn đang học lớp 3 thì ông Nguyễn Đình Thuyên, bố Nhẫn, đột ngột qua đời sau vụ tai nạn giao thông. Trụ cột chính của gia đình không còn, gánh nặng mưu sinh lúc này đè lên vai bà Vinh khi cả bảy miệng ăn trong nhà chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng khoán và những buổi đi chợ bán hàng rong.
Nhẫn bảo thương mẹ tảo tần nuôi sáu anh chị em ăn học nên bạn luôn cố gắng sống tự lập. Mặc dù viết chậm song bù lại Nhẫn rất sáng dạ, tiếp thu nhanh nên suốt nhiều năm học liền Nhẫn luôn đạt học sinh khá.
Ngoài thời gian được bạn đưa đến lớp học, Nhẫn lại phụ giúp mẹ các việc trong nhà như quét nhà, nấu cơm, nhặt rau, chăn bò... bằng đôi chân khéo léo và thuần thục.
Hình ảnh cậu học trò nghèo với thân hình oặt oẹo, lưng gù, không có đôi tay vẫn đều đặn đến lớp dẫu ngày nắng hay mưa in đậm trong tâm trí thầy trò Trường THPT Nguyễn Duy Trinh.
Nhắc về Nhẫn, cô Nguyễn Thị Ngọc Oanh, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Nhẫn, xúc động nói: “Dù không có đôi tay và phải viết bằng chân nhưng Nhẫn không tự ti với bạn bè mà rất chăm chỉ, chịu khó, ham học, là tấm gương vượt khó học tập cho nhiều học trò noi theo”.
Năm cuối Nhẫn học cấp III, biết đến hoàn cảnh gia đình khó khăn và nghị lực của Nhẫn với ước mơ trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin, ban giám hiệu Trường ĐH Công nghiệp Vinh quyết định tài trợ học bổng bốn năm học tại trường cho Nhẫn.
Được miễn học phí nhưng hành trình thực hiện ước mơ của Nhẫn vẫn còn lắm chông gai ở phía trước.
Quãng đường từ nhà đến trường đại học gần 10km, Nhẫn lại không thể tự đi bằng phương tiện gì nên hằng ngày bà Vinh như người bạn đồng hành cần mẫn đưa đón con.
|
Mẹ tôi bảo chỉ có con đường học mới thoát nghèo và tạo việc làm nuôi chính bản thân nên tôi sẽ cố gắng viết tiếp ước mơ trên đôi chân của mình để không phụ lòng mong mỏi của mọi người
NGUYỄN ĐÌNH NHẪN
|